Nuôi thỏ làm giàu: Cơ hội đừng bỏ lỡ!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/5/2013 | 2:54:26 PM

YBĐT - Những cam kết trong lời phát biểu và cả cách giao tiếp cởi mở, thân thiện của ông Yamane - Phó tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam và các thành viên trong đoàn, có thể thấy rằng: Đây thực sự là một cơ hội vô cùng quý báu với người chăn nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ban lãnh đạo Công ty Dược phẩm Nhật Bản thăm trại thỏ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.
Ban lãnh đạo Công ty Dược phẩm Nhật Bản thăm trại thỏ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.

Cuộc gặp gỡ của những người nuôi thỏ và đang quan tâm đến con thỏ trên địa bàn tỉnh Yên Bái và các tỉnh bạn trong khu vực Tây Bắc với ông Yamane - Phó tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam và phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Văn Bình - cố vấn cao cấp Công ty, Giám đốc Dự án thỏ Việt – Nhật, một trong những chuyên gia đầu ngành không chỉ ở Việt Nam mà cả châu Á về con thỏ đã thực sự mở ra một cơ hội mới cho người chăn nuôi trên địa bàn về một dự án chăn nuôi bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là nuôi thỏ cung cấp nguyên liệu cho người Nhật sản xuất thuốc chữa bệnh.

Lặn lội đường dài để được gặp người Nhật mua Thỏ

Dù là những người đã nuôi thỏ thành công hay đang quan tâm đến con thỏ trong dự định phát triển kinh tế của mình đều không thể bỏ lỡ cơ hội về cuộc gặp gỡ và làm việc của người Nhật tại Yên Bái một ngày trung tuần tháng 5 vừa qua. Cuộc gặp do doanh nghiệp Quang Thanh ở xã Lương Thịnh (Trấn Yên) - một doanh nghiệp đã 5 năm thành công với mô hình nuôi thỏ quy mô lớn chủ trì tổ chức. Khách mời là các chủ trại thỏ tiêu biểu và những người quan tâm tới con thỏ trong tỉnh và cả các tỉnh bạn trong khu vực.

Anh Hà Văn Sẳn đến từ xã Khuôn Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cho biết đoàn Hòa Bình có 5 người, trong đó có người đã nuôi thỏ và giàu lên nhờ con thỏ. Còn anh thì mới đang chuẩn bị các điều kiện để bắt tay nuôi thỏ. Bởi vậy, anh đến với buổi gặp gỡ này để củng cố thêm niềm tin và quyết tâm chuyển sang con vật nuôi mới này. Điều mà anh băn khoăn đó là đầu ra của thỏ. Còn anh Nguyễn Vạn Năng - thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cũng là người mới bén duyên với con thỏ.

Với trang trại 20ha, hiện tại anh đang nuôi một số loại để thử nghiệm. Tháng 4 vừa rồi, anh đầu tư 20 triệu đồng mua 60 con thỏ từ doanh nghiệp Quang Thanh về nuôi ở trang trại rộng lớn của mình. Công việc lu bù nhưng không thể bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi. 5 giờ chiều anh đi xe máy từ Bảo Thắng, 10 giờ đêm mới về đến Yên Bái để sáng hôm sau kịp có mặt trong buổi gặp gỡ.

Trước diễn đàn, anh bày tỏ: “Tôi không quản đường dài tới đây với mong muốn được nghe một lời quả quyết của lãnh đạo Công ty Dược phẩm Nhật Bản về đầu ra của con thỏ để yên tâm mở rộng mô hình chăn nuôi”.

Hay đôi vợ chồng trẻ Bùi Phùng Hân đến từ Hạ Hòa (Phú Thọ) cũng chỉ mới bén duyên với con thỏ từ năm 2012. Bắt đầu khởi sự bằng 4 con thỏ mẹ, nay đã nhân đàn được 25 thỏ mẹ. Hân khiêm tốn chia sẻ: “Chúng em mới nuôi, số lượng chưa nhiều nhưng cũng xác định là khi đã có kinh nghiệm và đầu ra ổn định sẽ nhân đàn lên nữa”.

Đại diện các trại thỏ tiêu biểu trong tỉnh là ông Hoàng Văn Kem xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn, ông Bùi Quốc Trị - xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên... Tất cả đều tâm huyết, say mê và kỳ vọng nhiều vào con thỏ và những thông tin tiếp nhận từ cuộc gặp gỡ này.

Nuôi thỏ làm giàu -  khẳng định từ chính người trong cuộc

Tại buổi gặp mặt, những thành công và kinh nghiệm quý báu đã được các ông chủ trại thỏ chia sẻ. Điều tôi cảm nhận từ những phát biểu tham luận ấy là lòng say mê và cả niềm vui của người chăn nuôi đang trên đà thắng lợi khi họ đã may mắn bén duyên loài vật nuôi đáng yêu này và thành công với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Kem - thôn Co Hả, xã Thạch Lương (Văn Chấn), trước là Chủ tịch UBND xã Thạch Lương, qua tìm hiểu trên báo thấy nuôi thỏ hay, năm 2010 liền mua 20 con thỏ mẹ từ trại thỏ Quang Thanh về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm, thỏ mua về chưa được bao lâu thì chết hết. Không bỏ cuộc, ông tiếp tục mua giống làm lại từ đầu. Ông Kem nói ban đầu chỉ định nuôi chơi cho biết nhưng rồi thỏ nhân đàn nhanh, chẳng ngờ “làm chơi mà ăn thật”.

Năm 2012, với 95 thỏ mẹ tổng đàn gần 1.000 con (theo chuyên môn mỗi thỏ mẹ nhân với từ 8 -10 con ra tổng đàn),  ông Kem đã thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Hay ông Bùi Quốc Trị thôn Bảo Long, xã Bảo Hưng (Trấn Yên), năm 2011, ông mua 34 con thỏ về gây giống hết ngót nghét 10 triệu đồng.

“Vạn sự khởi đầu nan”, đàn thỏ mua về cũng chết mất 11 thỏ cái. Số thỏ còn lại ông nhân đàn được 50 thỏ mẹ. Tổng kết năm 2012, chỉ sau hơn 1 năm làm bạn với thỏ, ông cũng thu lời khoảng 100 triệu đồng. Hiện tại trại thỏ nhà ông có 100 thỏ mẹ. Ông dự định nếu như chắc chắn về đầu ra sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, tăng đàn thỏ.

Ông Trị chia sẻ: “Tôi dám nói là không có gì lãi hơn nuôi thỏ. Nếu một gia đình có 2 lao động thì sẽ nuôi được 100 thỏ mẹ và thu lời từ 100 triệu đồng trở lên là ít nhất. Đặc tính của thỏ là: ấm mùa đông, mát mùa hè; ưa tối, không ưa sáng; vệ sinh sạch sẽ. Nếu thực hiện được nghiêm ngặt như thế cộng với sự chuyên tâm thì sẽ thành công”.

Trong số những người đã nuôi thỏ thành công có mặt hôm ấy tôi ấn tượng nhất với một thanh niên trẻ tuổi đầy chí hướng. Em là Đinh Tiến Khanh - xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Sinh năm 1987, có trong tay tấm bằng trung cấp nông nghiệp, năm 2010 Khanh về trại giống Ba Vì (Hà Nội) mua 3 con thỏ mẹ về gây giống với số tiền vẻn vẹn 1,5 triệu đồng. Ngay sau đó, năm 2011, Khanh tiếp tục mua thêm 50 thỏ mẹ. Đến nay thì trại thỏ của em đã phát triển lên 200 thỏ mẹ, như vậy là tổng đàn có gần 2.000 con.

Nói về lợi nhuận, Khanh cười hiền: “Cũng khoảng hai, ba trăm triệu đồng chị ạ!”. Ồ, đó quả là một lợi nhuận thật “khủng” với chàng trai trẻ mới chỉ bắt tay nuôi thỏ được 3 năm nay. Và sẽ là chưa đủ nếu không nhắc đến doanh nghiệp Quang Thanh – doanh nghiệp đầu đàn với vị Giám đốc mang biệt danh “Quang thỏ”.

Từ việc cung cấp thỏ giống, thỏ thịt đến cả thỏ quay, thỏ nộm cho các đám cưới, nhà hàng, các bữa tiệc nhỏ mà năm 2012 ông thu lời 800 triệu đồng; còn năm 2013 này dự kiến con số đó là trên 1 tỷ đồng...  Quả thật, đó là những lời giải hết sức hấp dẫn cho bài toán kinh tế nuôi thỏ được minh chứng bằng người thật, việc thật không gì thuyết phục hơn. Cuộc gặp gỡ đã trở thành một cơ hội hiếm có của các chủ trại thỏ, không chỉ bởi họ hy vọng sẽ được gặp gỡ một bạn hàng lớn với hợp đồng làm ăn lâu dài mà còn là cuộc gặp gỡ của những người cùng chung chí hướng.

 Bạn hàng lớn đầy tiềm năng

Chắc chắn đã có không ít người tìm hiểu về loài vật nuôi lông trắng, mắt hồng đáng yêu ấy nhưng còn e dè vì lo cho đầu ra của sản phẩm. Bởi lâu nay cái vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá” với nông dân vẫn chưa thể giải quyết. Và rồi một ẩn số cuối cùng cho bài toán phát triển kinh tế bằng nuôi thỏ cũng được giải khi ông Yamane phát biểu và khẳng định cam kết trở thành bạn hàng lâu dài tiêu thụ toàn bộ thỏ thương phẩm của người chăn nuôi. Điều đó đã khiến niềm vui của những người nuôi thỏ nhân lên gấp bội và thực sự mở ra một cơ hội lớn cho người chăn nuôi trong tỉnh và cả khu vực.

Sau lời chào thân thiện bằng tiếng Việt, ông Yamane giới thiệu về Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản. Công ty sản xuất một sản phẩm thuốc có thành phần bào chế từ con thỏ. Doanh số bán hàng của riêng sản phẩm thuốc này là 250 triệu USD/năm. Trong khi đó sản phẩm mới chỉ tiêu thụ ở thị trường Nhật Bản và Trung Quốc, hiện tại Công ty đang chào hàng sản phẩm sang thị trường Mỹ.

Ông khẳng định khi đã vào được thị trường Mỹ thì lợi nhuận của nó sẽ là một con số khác biệt và chắc chắn sẽ vô cùng ấn tượng. Về nguồn nguyên liệu là con thỏ, ngoài Nhật Bản, Công ty đã đặt nhà máy nguyên liệu ở Trung Quốc nhưng nhu cầu nguyên liệu vẫn chưa đáp ứng đủ. Bởi vậy sau khi đã đi khảo sát ở nhiều nước như Nga, Thái Lan, Hung-ga-ri, Công ty quyết định xây dựng nhà máy nguyên liệu thứ 3 tại Việt Nam.

Ông Yamane giới thiệu về Công ty Dược phẩm và nhà máy nguyên liệu đặt tại Quế Võ - Bắc Ninh.

Bằng hình ảnh, ông Yamane giới thiệu về Công ty Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam có mặt bằng 10ha đặt tại Quế Võ - Bắc Ninh. Nhà máy dược liệu đang chuẩn bị khởi công vào đầu tháng 6 tới với nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 là 60 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ xây dựng trong 1 năm. Ngay sau khi khởi động đi vào hoạt động, mỗi ngày nhà máy cần 2.500 con thỏ nguyên liệu. Nhưng năng lực của nó là 4.000 đến 5.000 con/ngày. Bởi vậy, trước mắt Công ty mong muốn khu vực Tây Bắc sẽ cung cấp được khoảng 1.000 con thỏ thương phẩm mỗi ngày.

Theo tính toán chuyên môn để có được 1 nghìn con thỏ nguyên liệu mỗi ngày, cần xây dựng được vùng nguyên liệu với khoảng 15 nghìn con thỏ mẹ. Vậy nhưng theo thống kê của ông Vũ Huy Quang - Giám đốc doanh nghiệp Quang Thanh, người được Giám đốc Dự án thỏ Việt - Nhật giao trọng trách Trưởng Trạm Quản lý cung tiêu - Phát triển chăn nuôi thỏ Tây Bắc thì hiện tại toàn vùng mới chỉ có 2.000 con thỏ mẹ. Điều đó cho thấy nhu cầu về nguyên liệu là rất lớn và đầy tiềm năng.

Trước buổi gặp mặt, đi thăm một số trại thỏ trên địa bàn huyện Trấn Yên đã được Công ty đưa vào Dự án, ông Yamane và chuyên gia Đinh Văn Bình đánh giá rất cao về chất lượng thỏ nuôi ở các trại. Các ông cho rằng nông thôn ở Yên Bái có rất nhiều thuận lợi để chắc chắn nuôi thỏ thành công.

Nắm lấy cơ hội

Hiệu quả là vậy, thành công là vậy nhưng nuôi thỏ mới chỉ là tự phát của số ít hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ngay cả buổi gặp gỡ được diễn ra suôn sẻ cũng do mối quan hệ và sự lo liệu của Giám đốc Doanh nghiệp Quang Thanh mà có được. Có lẽ đó là lý do vì sao mà với những người trong cuộc thì rất phấn khởi, kỳ vọng, còn đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương là huyện Trấn Yên, xã Lương Thịnh (nơi tổ chức buổi gặp mặt) và các cơ quan chuyên môn thì dường như lại rất thờ ơ, không mấy quan tâm.

Điều đáng tiếc nhất là chính lãnh đạo ngành chuyên môn của tỉnh lại chưa quan tâm đến cơ hội này và không tham dự được, cho dù doanh nghiệp đã có giấy mời trước cả chục ngày và rồi thì cả người Nhật đã đến tận Sở có lời...

Những gì đã chứng kiến qua chuyến thăm và làm việc của đại diện Công ty công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam tại Yên Bái, từ việc họ lặn lội đi thăm các trại thỏ trên địa bàn giữa đợt nắng nóng gay gắt đến những cam kết trong lời phát biểu và cả cách giao tiếp cởi mở, thân thiện của ông Yamane và các thành viên trong đoàn khi cầm chén đi mời rượu tất cả mọi người trong bữa cơm gặp mặt, có thể thấy rằng: đây thực sự là một cơ hội vô cùng quý báu với người chăn nuôi trên địa bàn.

Là một tỉnh còn nghèo, việc trồng cây gì nuôi con gì cũng đầy những khó khăn với nào dịch bệnh, rớt giá, nào tìm đầu ra... thì sẽ thực sự đáng tiếc nếu như chúng ta không nắm lấy cơ hội này. Thiết nghĩ, với những điều kiện hết sức thuận lợi đã có để nuôi thỏ trở thành một phong trào hiệu quả lan tỏa rộng rãi rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành bằng những chủ trương, cơ chế chính sách, công tác tuyên truyền... giúp người dân nắm lấy cơ hội của chính họ.

Ông Yamane - Phó tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam:

Điều kiện thu mua thỏ nguyên liệu cho nhà máy dược liệu không có gì quá khắt khe, Công ty cần 3 điều kiện quan trọng nhất: giống thỏ trắng New Zealand, con thỏ khỏe mạnh và có trọng lượng từ 2,3 - 2,4 kg/con. Nhưng không để người chăn nuôi phải chịu rủi ro, với những con thỏ không đủ tiêu chuẩn về cân nặng, Công ty vẫn thu mua toàn bộ để chế biến thức ăn xuất khẩu. Chúng tôi mong muốn chính quyền và người dân sẽ ủng hộ, hợp tác để Công ty có được vùng nguyên liệu ổn định, cả về chất lượng và số lượng. Chúng tôi cam kết sẽ hợp tác lâu dài. Hạnh phúc của chúng tôi là sau này người nông dân Việt Nam sẽ hạnh phúc khi tham gia chăn nuôi thỏ.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Bình - cố vấn cao cấp Công ty, Giám đốc Dự án thỏ Việt - Nhật:

Là một trong những chuyên gia đầu ngành về con thỏ, chúng tôi đã “kéo” và “giữ” người Nhật ở lại với Dự án lớn lao này cho người dân mình. Đây là một cơ hội lớn cho người nông dân. Đầu tư cho con thỏ không lớn, bởi thức ăn của nó 60 - 70% là thô xanh, trong khi thỏ sinh sản nhanh lại đẻ nhiều, mỗi lứa từ 8 - 10 con nên có thể thu lời rất nhanh. Theo tính toán từ thực tiễn, trung bình mỗi thỏ mẹ sau khi đã trừ chi phí sẽ cho thu lời từ 1,7 đến 2 triệu đồng/năm, vì thế nuôi thỏ không chỉ sẽ giúp người dân thoát nghèo mà còn làm giàu rất hiệu quả. Là người chịu trách nhiệm về kỹ thuật của Công ty, chúng tôi đảm bảo sẽ luôn đồng hành sát cánh với người chăn nuôi.

Ngọc Tú

Các tin khác
Chị Trần Thị Kim Thu - Trưởng ban Gia đình và Xã hội Tỉnh hội Phụ nữ hướng dẫn hoạt động của CLB Kết nối mẹ và con gái xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Theo thống kê mới đây của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên.

Nước thải của nhiều nhà máy sản xuất giấy đế không qua hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng ra môi trường.

YBĐT - Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 8 nhà máy xả nước thải ra sông Hồng thuộc địa bàn các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, thành phố Yên Bái và 2 nhà máy xả nước thải ra sông Chảy tại huyện Lục Yên. Nước thải của nhiều nhà máy sản xuất giấy đế không qua hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng ra môi trường.

Cô và trò trong lớp học mầm non ở thôn Cu Vai, xã Xà Hồ.
(Ảnh: Mạnh Cường)

YBĐT - Đã có lúc ngành học mang tính căn bản, nền tảng ở vùng cao Trạm Tấu chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và toàn diện. Hệ quả là chất lượng đầu vào hệ tiểu học nhìn chung thấp, tình trạng học sinh chán học, sợ học phổ biến, việc duy trì sỹ số trở thành áp lực hàng đầu của những người làm công tác giáo dục.

Một hộ dân ở thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu làm nhà ở, sản xuất nương rẫy ngay trong “lõi rừng” Khu bảo tồn.

YBĐT - Ở xã Nà Hẩu hiện có tới 93 hộ dân được cấp “sổ đỏ” vào diện tích KBT. Nhiều hộ được cấp sổ đỏ từ năm 2001 đến nay không trồng rừng mà chỉ trồng lúa nương, ngô, sắn ngay trong “lõi rừng”, cứ mỗi năm lại phát trộm vào rừng tự nhiên KBT một vài mét.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục