Gồng mình vượt khó làm nhiệm vụ

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/7/2013 | 8:28:24 AM

YBĐT - Họ giàu nhiệt huyết, dám dấn thân vào thử thách và sẵn sàng mang sức trẻ đi đến những nơi rừng núi xa xôi để cống hiến... Tuy vậy, vì rất nhiều lý do, khách quan có, chủ quan cũng nhiều, để rồi những tân phó chủ tịch (PCT) xã thuộc Dự án 600 PCT xã tại 2 huyện nghèo: Trạm Tấu, Mù Cang Chải sau hơn 1 năm nhận công tác vẫn đang phải gồng mình vượt qua khó khăn trên con đường thực hiện nhiệm vụ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh phát biểu tại Hội nghị sơ kết giai đoạn I Dự án 600 phó chủ tịch xã của Chính phủ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Ảnh: Minh Thúy
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh phát biểu tại Hội nghị sơ kết giai đoạn I Dự án 600 phó chủ tịch xã của Chính phủ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Ảnh: Minh Thúy

Khó từ cơ sở

Những câu chuyện về cuộc sống, về công việc được các PCT xã giãi bày trong buổi gặp mặt do UBND tỉnh tổ chức vào trung tuần tháng 5 vừa qua nhằm đánh giá kết quả của 1 năm thực hiện Dự án khiến tôi không khỏi lo lắng. Bởi lẽ, họ đã nói đến những khó khăn rất thật nơi cơ sở - những khó khăn không hiếm người nhận ra kể từ khi Dự án bắt đầu được khởi động.

Từ việc vốn sống thiếu kinh nghiệm thực tế, hạn chế, bất đồng ngôn ngữ, “lạ nước lạ cái” nơi “quê mới” đến những khó khăn “không tên” bắt nguồn từ chính quá trình thực hiện nhiệm vụ như tập quán, thói quen canh tác của người dân còn lạc hậu; nếp nghĩ, cách làm kinh tế của người dân nhiều khi còn mang nặng tư tưởng trì trệ, sức ì lớn xuất phát từ quá khứ cuộc sống... là những tác nhân chính tạo nên thử thách thực sự đối với các tân PCT trong khi thực hiện một nhiệm vụ rất lớn: “thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương”.

Câu chuyện của Điền Thị Say – PCT UBND xã Púng Luông (Mù Cang Chải) là một trong những điển hình về khó khăn tại cơ sở. Tốt nghiệp chuyên ngành nông lâm kết hợp của Đại học Thái Nguyên, được phân công làm PCT phụ trách nông - lâm nghiệp, đúng với chuyên ngành theo học nên với Say việc làm quen với đồng áng, mùa màng của người dân không phải quá khó.

Từ khi về công tác ở Púng Luông, nữ PCT đã chủ động phối hợp với các đơn vị cấp huyện tổ chức được 2 lớp tập huấn về chế biến, bảo quản nông - lâm sản và chăn nuôi cho bà con nhân dân trong xã; vận động bà con canh tác vụ đông, hướng dẫn người dân cách dự trữ rơm rạ để vào vụ mùa; tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa hanh khô cho người dân...

Tuy vậy, khó khăn lớn nhất mà chị cũng như đại đa số các tân PCT xã khác gặp phải tại cơ sở là bất đồng ngôn ngữ . Vốn là người dân tộc Giáy, lại phải công tác ở vùng chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống nên “hiểu được nhau” trong quá trình giao tiếp quả thực là một trở ngại rất lớn; sự giúp sức của cán bộ, đồng nghiệp dù có nhưng cũng không thể khỏa lấp hoàn toàn khoảng trống ngôn ngữ trong một sớm một chiều. “Phải nói cho nhau nghe, tâm sự tình cảm với nhau được thì mới nghĩ đến chuyện tuyên truyền, vận động bà con nghe và làm theo mình. Tôi rất mong muốn được tham dự một khóa đào tạo tiếng Mông cấp tốc để có thể thực hiện ước mong đó” – Say bày tỏ.

Gắn liền với những khó khăn xuất phát từ thực tế cơ sở của Điền Thị Say còn là những câu chuyện khó khăn xuất phát từ đời sống hàng ngày, có những câu chuyện tưởng chừng như rất “đời tư” cũng được cô giãi bày với chúng tôi. Say kể, vì công việc nên nhiều khi phải liên lạc điện thoại với các cán bộ xã là nam giới, việc đột xuất thì lại càng phải liên lạc nhiều mà không kể thời gian sớm hay muộn. Vậy là có lần một “phu nhân” của một vị cán bộ xã đã “nổi đóa” lên với cô vì “Tại sao lại gọi điện thoại cho nhau nhiều như thế?” khiến cô cũng chột dạ, dẫn đến cả ngại ngần khi trao đổi công việc với các cán bộ nam giới khác...

 

Điền Thị Say - Phó chủ tịch UBND xã Púng luông (Mù Cang Chải) báo cáo thực hiện nhiệm vụ và tâm sự về những khó khăn tại cơ sở trong buổi sơ kết một năm thực hiện Dự án.

Nữ thì vậy, còn đối với những tân PCT là nam giới, khó khăn lại một kiểu khác. Bỏ qua những khó khăn được coi là “đơn giản đối với nam nhi” như khí hậu khắc nghiệt, thời tiết thay đổi, vật chất thiếu thốn, nhà cửa chưa ổn định (hiện đến thời điểm này các PCT xã đều chưa có nhà công vụ để ở mà vẫn phải ở nhờ tại các trụ sở cơ quan hoặc bỏ tiền túi thuê nhà dân – PV)... trở ngại lớn đối với đa số trí thức trẻ về làm PCT các xã là tuy sự cố gắng của các đội viên rất lớn, quyết tâm cũng rất cao, nhiều đề án được đánh giá rất tốt, có “tương lai”... nhưng khi triển khai ở cơ sở, bà con không ủng hộ, do tư duy sản xuất cũ đã ăn sâu vào người dân từ nhiều đời; thêm nữa đối với các “già làng, trưởng bản” – những người thực sự có tiếng nói tại cơ sở, các PCT xã chưa thực sự tạo được tầm ảnh hưởng do tuổi đời còn trẻ, mà sự tôn trọng thì không thể xây dựng trong một sớm một chiều.

Nói tóm lại, “sự chấp nhận của cơ sở” là điều mà các tân PCT xã đang phải nỗ lực tìm kiếm. “Cần tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con gắn với đề án của trí thức trẻ thì sẽ hiệu quả hơn. Khi đó, chúng tôi sẽ có điều kiện tiếp xúc với bà con bằng kiến thức của mình sâu hơn, đi liền với việc thực hiện công việc trên nền tảng hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi rất cần sự ủng hộ từ phía các “già làng, trưởng bản”, điều này phải khá nhiều thời gian” – PCT xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải) Đàm Đức Đông chia sẻ.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ, UBND tỉnh trò chuyện với các tân phó chủ tịch xã tại buổi sơ kết một năm thực hiện Dự án.

Bài toán hiệu quả

Phải nhìn nhận thực tế rằng sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Dự án, khối lượng công việc làm được của các PCT xã tuy đã có những kết quả khả quan nhưng nhận định chung của chúng tôi là chưa thực sự hiệu quả, chưa “ra tấm ra món” đối với nhiệm vụ to lớn mà họ đang gánh vác.

Đánh giá chung nhất về hiệu quả này là ngoài những PCT là người nơi khác đến đã ít nhiều khẳng định được mình, còn lại một số PCT là người địa phương vẫn chưa bật lên được trong cách nghĩ, cách làm, vẫn tồn tại sức ì cố hữu. Nhiều ý kiến đề xuất, nếu mở rộng dự án sang các giai đoạn tiếp theo, nên chọn trí thức trẻ người ở các địa phương khác; thống nhất thực hiện chính sách đồng bộ, tránh địa phương này thì chuyển bảng lương về xã, địa phương khác thì lên huyện lĩnh lương; thời gian cho đội viên đi thực tế sẽ giúp các trí thức trẻ nắm bắt được tính đặc thù của địa bàn nơi công tác, qua đó, xây dựng các đề án phát triển hiệu quả giúp bà con nhân dân.

 Đối với 20 đội viên thực hiện nhiệm vụ ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải (gồm 4 người dân tộc Kinh, 8 người dân tộc Mông, 4 người dân tộc Tày, 2 người dân tộc Dao, 1 người dân tộc Thái và 1 người dân tộc Giáy), tỉ lệ trí thức trẻ thực sự có tiềm năng “vực dậy” cả một địa phương là chưa nhiều. Nói như vậy không phải mang tâm lý coi nhẹ họ nhưng thực sự nếu muốn “cải tạo” thì chúng ta cần mang cái mới, cái tiến bộ vào chứ không thể lấy chính mình ra cải tạo mình mà đòi hỏi hiệu quả cao được.

Đặc biệt hơn, nhiều vấn đề khác được đặt ra trong nhiệm vụ của các tân PCT xã như phát triển kinh tế, giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, bảo vệ an ninh – trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch, đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài... đều là những chính sách lớn, rất cần kinh nghiệm thực tiễn và hiểu biết xã hội tổng hợp. Vì thế, việc tự học, tự bổ sung kiến thức đối với các PCT xã là điều tiên quyết, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn công việc chứ không thể “ung dung ngồi hưởng lương” được. Vấn đề này lại là một câu chuyện dài kỳ khác cần sự vào cuộc mạnh mẽ, có sự kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả công việc thường xuyên từ Ban quản lý Dự án đối với các đội viên.

Cần chủ động tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh nhằm giúp các trí thức trẻ tháo gỡ khó khăn, đồng thời phân công cán bộ thường xuyên theo dõi dự án, có những đề xuất phù hợp, nhất là hỗ trợ, động viên các trí thức trẻ khắc phục khó khăn về nơi ở, nơi làm việc; quan tâm công tác phát triển Đảng đối với những đội viên của Dự án. Bên cạnh đó, cần tổ chức các diễn đàn "Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó" để lắng nghe những ý kiến trao đổi, chia sẻ, qua đó, tập trung giải quyết khắc phục tồn tại, đồng thời giới thiệu các mô hình hay hiệu quả để nhân rộng...

Thiên Cầm

Các tin khác
Những vườn chè năng suất 30 - 40 tấn/ha ở Thái Lão.

YBĐT - Nếu có câu hỏi, chè ở đâu năng suất và chất lượng búp tốt nhất Yên Bái thì câu trả lời chắc chắn là Đồng Lú, Thác Hoa thuộc thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn). Người dân nơi đây có quyền tự hào bởi những nương chè xanh tốt của mình nhưng đằng sau nó còn biết bao câu chuyện khác nữa...

Người tiêu dùng rất khó nhận biết về rau an toàn.

YBĐT - Dùng thuốc kích thích sinh trưởng để phun cho rau, chè khi dư lượng chưa phân hủy đến ngưỡng cho phép đã thu hoạch đưa ra thị trường; sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng; dùng chất hóa học làm giá đỗ, bảo quản rau, quả, tẩy trắng bún... những sản phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn tiếp tục được đưa ra thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang trước chất lượng thực phẩm hiện nay.

Treo băng rôn và trang trí kỳ đài phục vụ buổi lễ.

YBĐT - Sau mỗi buổi lễ, trên khoảng sân vắng lặng, họ lại cần mẫn tháo từng chiếc băng rôn, khuân vác từng chiếc loa, từng tấm biểu ngữ đưa về vị trí trong kho, thu dọn sân khấu, sân trường, quét tước vệ sinh gọn gàng để cho ngày mai, mọi thứ lại được trả về với những gì vốn có của nó.

Dù tuổi đời rất trẻ, mới chỉ ngoài 30 nhưng nhiều người đã lên chức ông bà

YBĐT - Quan niệm kết hôn sớm để gia đình có người làm nương, sớm có cháu nối dõi là những tập tục đã ăn sâu bén rễ trong đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu từ bao đời nay. Phong tục này đã khiến các em bé đang ở lứa tuổi cắp sách 15, 16 sớm bị “kéo” về. Vấn nạn tảo hôn nơi vùng cao Trạm Tấu vẫn đang diễn ra với những câu chuyện “cười ra nước mắt”…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục