Những thửa ruộng "tình thân"

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/7/2013 | 9:23:51 AM

YBĐT - Ngày mùa về, trên khắp cánh đồng của huyện Trạm Tấu, nơi đâu cũng nhộn nhịp. Nơi gặt lúa, nơi tuốt lúa, nơi be bờ, nơi nhổ mạ, nơi tiếng trâu lội bì bõm, nơi ruộng đã xanh những hàng lúa thẳng tắp xanh non mỡ màng. Tiếng nói, tiếng cười làm tan đi cái không khí oi bức thất thường tháng 7.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, huyện Trạm Tấu thăm diện tích chuyển đổi từ lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi tại xã Trạm Tấu.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, huyện Trạm Tấu thăm diện tích chuyển đổi từ lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi tại xã Trạm Tấu.

 Niềm vui được nhân lên gấp bội trên những thửa ruộng được san sẻ theo Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Yên Bái về quy hoạch đất đai ở vùng cao - một nghị quyết mang tính nhân văn sâu sắc đã đánh thức tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân tộc Mông. Lần đầu tiên ở vùng cao, hàng trăm héc-ta đất sản xuất được người dân san sẻ cho nhau và sau 4 năm thực hiện Nghị quyết này, những người nghèo vì thiếu đất sản xuất khi xưa, nay cuộc sống đã no đủ hơn nhờ những mảnh đất được người thân san sẻ.

Đã 4 năm qua đi mà với gia đình anh Hờ A Trư ở thôn Km21, xã Trạm Tấu, mọi chuyện vẫn như một giấc mơ. Vốn là hộ nghèo không có đất sản xuất nên cuộc sống của gia đình anh chỉ trông chờ vào gạo cứu đói và tiền công đi làm thuê cho người khác. Năm 2009, Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Yên Bái về quy hoạch đất đai được triển khai đến xã Trạm Tấu.

Sau mấy buổi họp thôn, anh Trư đã được gia đình ông Cứ A Sang - người cùng bản san sẻ cho 1.000m2 ruộng nước và 4.000m2 ruộng nương. Vậy là 4 năm qua, một năm hai vụ lúa nước cộng với hai vụ ngô trên diện tích đất nương, cuộc sống của gia đình Hờ A Trư đã sang trang.

Anh Trư chia sẻ: "Trước đây, không bao giờ tôi nghĩ sẽ được người khác cho đất vì đất đai vốn rất quý. Cũng vì thiếu đất sản xuất nên nhà tôi hầu như năm nào cũng bị đói. Khi được ông Sang san sẻ cho mảnh đất này, gia đình tôi rất vui. Bốn năm nay có đất làm ruộng, có thêm thóc gạo, gia đình đã không còn thiếu ăn nữa. Tôi cũng không phải đi làm thuê nữa. Cảm ơn Nghị quyết 06 nhiều lắm!".

Giống như anh Hờ A Trư, gia đình anh Cứ A Di có 8 khẩu, trước đây cuộc sống chỉ trông vào vài mảnh nương cằn cỗi. Để có cái ăn, anh Di và gia đình phải đi làm thuê cho những người cùng bản. Năm 2009, niềm vui đã đến với gia đình anh khi được ông Cứ A Sang san sẻ 2.000m2 đất nương. Trên diện tích ấy, hàng năm, anh đã cấy lúa, mỗi vụ cũng cho thu hoạch từ 12 - 15 bao thóc.

Anh Cứ A Di bày tỏ: "Nhờ có diện tích lúa nương này mà cuộc sống của nhà tôi đã bớt khó khăn hơn rất nhiều. Vụ sau, gia đình sẽ thử trồng ngô đồi".

Còn với ông Cứ A Sang, người đã hiến gần 1ha đất của mình để cho những người thân thì hôm nay vui ra mặt. Ông Sang nói: "Lúc đầu, mình cũng không muốn san sẻ đất đâu vì đây là phần đất mình phải mất rất nhiều công sức mới khai phá được. Nhưng Nghị quyết 06 có lý có tình quá, nhà mình thì nhiều đất trong khi anh em không có đất làm, thiếu đói suốt nên mình đã san sẻ đất cho họ có đất làm, có thóc, có gạo, không phải đi vay. Mà mình cũng không thiệt thòi gì vì Nhà nước đã đền bù rồi. Nhìn thấy anh em, con cháu nhà mình có ngô, có lúa, mình cũng thấy phấn khởi cho họ".

Cũng giống như tâm trạng của ông Cứ A Sang, vì cái có lý có tình của Nghị quyết 06 mà 63 hộ nhiều đất ở xã Trạm Tấu đã tự nguyện san sẻ cho 86 hộ nhận đất với diện tích 44,72ha - một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, để có được kết quả ấy là cả nỗ lực tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền địa phương.

 

Nương lúa nhà Cứ A Di (trái) được ông Cứ A Sang san sẻ.

Đồng chí Mùa A Páo - Phó chủ tịch UBND xã Trạm Tấu cho biết: "Ngay sau khi Nghị quyết 06 về đến nơi, xã đã thành lập đoàn công tác và liên tục hàng tháng trời đốt đèn dầu tổ chức họp dân ở các thôn, bản để tuyên truyền, phổ biến nội dung. Bắt đầu từ sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên đến sự nghiêm túc trong vận động con cháu, anh em hiến đất cho người thân của đội ngũ già làng, trưởng bản, Nghị quyết đã được thực hiện thành công. Ngay sau khi có đất sản xuất, người dân đã phấn khởi và tích cực gieo trồng cây lương thực. Mặc dù có hộ vẫn chưa thoát nghèo nhưng nhờ diện tích đất được san sẻ, cuộc sống của họ đã bớt khó khăn hơn rất nhiều".

Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu khẳng định: "Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 06, huyện Trạm Tấu có 280 hộ cho đất và 338 hộ nhận đất với diện tích 156,15ha. Trong số những người cho đất, có người là cha cho con, anh cho em, bà cho cháu, anh em họ cho nhau, hơn cả là người cùng bản cùng chia sẻ. Cuộc sống của người nghèo vùng cao đã ổn định nhờ có đất sản xuất. Nghị quyết 06 đã đánh thức tình thân, tình người trong cộng đồng xã hội. Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết, đồng bào vùng cao vẫn nhắc đến Nghị quyết này như ông Bụt trong truyện cổ tích, mang cuộc sống tươi mới tới cho những người nghèo. Đặc biệt là đã ngày càng củng cố niềm tin của đồng bào vùng cao vào sự lãnh đạo của Đảng".
Ở xã Bản Công những ngày này cũng rộn ràng khí thế làm mùa. Trên những thửa ruộng "tình thân" được san sẻ theo Nghị quyết 06, người dân hăng say thi đua lao động, sản xuất. Gia đình anh Thào A Lồng ở thôn Sán Trá phấn khởi lắm vì vụ lúa này, năng suất cao hơn vụ trước. Trên thửa ruộng 500m2 được gia đình bà Giàng Thị Mo san sẻ từ năm 2010, anh đã thu được gần chục bao thóc Nhị ưu 838. Ngay sau khi gặt xong, anh lại cùng vợ con gieo mạ và tiến hành gieo cấy lúa mùa.

Anh Thào A Lồng vui mừng: "Khi được bà Mo cho đất, mình vui lắm! Cho nhau bao nhiêu gạo thóc cũng không quý bằng cho nhau mảnh đất để canh tác lâu dài. Đã 3 năm nay, mình trồng lúa hai vụ trên diện tích này và đã không còn nỗi lo thiếu đói lúc giáp hạt".

Chung niềm vui với gia đình anh Thào A Lồng, anh Hảng A Vảng ở thôn Kháu Chu cũng đang hoàn tất việc thu hoạch trên thửa ruộng gần 500m2 được anh Hảng A Tủa san sẻ cho từ năm 2010. Gia đình anh vốn là hộ nghèo, vì thiếu đất ruộng sản xuất nên đến nửa năm thiếu ăn. Niềm vui rạng rỡ vẹn nguyên trên gương mặt anh Hảng A Vảng: "Mình chịu khó gieo cấy trên thửa ruộng này một năm hai vụ cũng đã cho nhiều thóc gạo. Chưa thoát nghèo đâu nhưng có thửa ruộng này đã giúp gia đình mình ổn định cuộc sống, không phải vay thóc gạo để ăn nữa".

Là một huyện thuần nông, cuộc sống của người Mông Trạm Tấu chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Do hệ lụy bao chiếm đất đai của những người dân khai hoang phục hóa trước đã khiến đời sống của nhân dân có sự phân biệt rõ rệt. Người lên trước, khai hoang trước thì có nhiều ruộng đất; người đến sau đã hết chỗ màu mỡ để khai hoang thì chỉ biết trông vào đất nương và làm thuê cho những người nhiều đất. Nghị quyết 06 được triển khai tại huyện Trạm Tấu đã trở thành một "cuộc cách mạng" ruộng đất, đem lại niềm vui cho người nghèo, thắt chặt tinh thần đoàn kết cộng đồng, tạo sự bình đẳng về ruộng đất, người cho người nhận đều chung một niềm vui.

Ngày mùa ở vùng cao Trạm Tấu, trên những thửa ruộng “tình thân” ấm nồng tinh thần đoàn kết và sự sẻ chia tương trợ của cộng đồng, đồng bào nơi đây tiếp tục thực hiện mong muốn xây dựng quê hương vùng cao Đảng mạnh, dân giàu.

Phương Thùy - Lộc Chầm

Các tin khác
Phụ huynh chờ đến lượt nộp hồ sơ cho con trong ngày tuyển sinh mầm non công lập.

YBĐT - Mong muốn xin gửi con vào trường mầm non công lập (MNCL) - đó là một nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, do dân số cơ học tăng nhanh trong khi tình trạng thiếu trường, thiếu lớp đang nan giải hiện nay nên ở một số khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, mỗi khi bước vào mùa tuyển sinh năm học mới lại khó tránh khỏi tình trạng nhiều phụ huynh đôn đáo, cố gắng xoay xở bằng mọi cách để có được một suất cho con vào trường MNCL…

Dải đất phía trước khu vực chuẩn bị xây dựng di tích Trường Y tế tỉnh Yên Bái nếu được đầu tư tôn tạo sẽ là điểm vui chơi, luyện tập sức khỏe rất hấp dẫn cho đông đảo người dân quanh khu vực này.

YBĐT - Tháng 7 năm nay vừa tròn 48 năm ngày đế quốc Mỹ đánh phá thị xã Yên Bái trong chiến dịch leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ nhất. Mục tiêu của chúng tập trung đánh vào các công trình giao thông, cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình văn hoá xã hội là nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện…

YBĐT - Đã nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa lũ, để đến trường hơn 200 em học sinh ở các thôn bản bên kia suối Thia thuộc xã An Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đều phải đi mảng và đu trên những sợi dây thừng để vượt suối. Ước mơ về một cây cầu chính là khát khao bao đời nay của người dân xã An Lương.

Đông đảo nhân dân tham dự phiên toà xét xử lưu động tại xã Cao Phạ (Mù Cang Chải).

YBĐT - Vùng thấp trung bình mất 2 giờ đồng hồ để xét xử 1 vụ án thì ở đây phải gấp đôi thời gian đó mà cứ 10 vụ xét xử thì có tới 8 vụ phải có thêm phần phiên dịch tiếng Mông. Mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý, mua bán người, giết người… là những hành vi nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đang có chiều hướng gia tăng ở các huyện vùng cao của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục