Sẽ có một công trình chứng tích chiến tranh

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/7/2013 | 3:35:27 PM

YBĐT - Tháng 7 năm nay vừa tròn 48 năm ngày đế quốc Mỹ đánh phá thị xã Yên Bái trong chiến dịch leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ nhất. Mục tiêu của chúng tập trung đánh vào các công trình giao thông, cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình văn hoá xã hội là nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện…

Dải đất phía trước khu vực chuẩn bị xây dựng di tích Trường Y tế tỉnh Yên Bái nếu được đầu tư tôn tạo sẽ là điểm vui chơi, luyện tập sức khỏe rất hấp dẫn cho đông đảo người dân quanh khu vực này.
Dải đất phía trước khu vực chuẩn bị xây dựng di tích Trường Y tế tỉnh Yên Bái nếu được đầu tư tôn tạo sẽ là điểm vui chơi, luyện tập sức khỏe rất hấp dẫn cho đông đảo người dân quanh khu vực này.

Thị xã Yên Bái bấy giờ không rộng lớn như thành phố Yên Bái ngày nay mà chỉ có 5 khu phố chủ yếu nằm ở phường Hồng Hà và một phần nhỏ thuộc vùng giáp ranh của phường Nguyễn Phúc, phường Nguyễn Thái Học, phường Yên Ninh ngày nay.

Các cơ quan đầu não của tỉnh, các cơ sở sản xuất công nghiệp, trường học, bệnh viện đều nằm ở địa bàn này. Hơn nữa, thị xã Yên Bái lại là đầu mối giao thông đường bộ ở Tây Bắc, nhất là tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Trung Quốc, tuyến vận tải đường thủy sông Hồng từ Vân Nam (Trung Quốc) vào Việt Nam về Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ.

Toàn bộ hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt này giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tiếp nhận viện trợ kinh tế, quân sự của nhiều nước giúp ta kháng chiến chống Mỹ. Cho nên, trong hai đợt cao điểm leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân vào các năm 1965, 1972, thị xã Yên Bái đã trở thành mục tiêu ưu tiên cho các đợt không kích của giặc Mỹ.

Chỉ riêng ngày 9/7/1965 - ngày đầu tiên oanh kích vào thị xã, máy bay Mỹ đã đánh phá rất nhiều đợt vào các mục tiêu như: Ga Yên Bái, Ty Văn hóa, Ty Lương thực, Xí nghiệp Cơ khí… gây thiệt hại rất lớn cơ sở vật chất và 58 người bị thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Đặc biệt, hai đợt oanh kích dồn dập với 8 quả bom vào Trường Y tế tỉnh tại khu vực tổ 55, phố Thống Nhất, phường Nguyễn Thái Học ngày nay đã làm chết hơn 50 cán bộ, học sinh nhà trường, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Yên Bái, Ty Y tế và nhiều người khác bị thương.

Ngót 50 năm kể từ khi xảy ra sự kiện bi thương này và chiến tranh cũng đã lùi xa nhưng bao người dân thành phố, nhất là những người ở ngành y từng chứng kiến sự kiện vẫn còn nguyên ký ức về sự khốc liệt của chiến tranh cùng khoảnh khắc đau thương giờ phút ấy và họ đều mong muốn có một công trình ghi dấu lại tội ác của giặc Mỹ đã gây ra cho nhân dân thị xã bấy giờ. Đồng thời, công trình này còn mang ý nghĩa an ủi hương hồn của những người dân vô tội đã ngã xuống dưới bom đạn của giặc Mỹ và giáo dục cho các thế hệ mai sau nhận thấy tội ác của chiến tranh để gìn giữ hòa bình.

Xuất phát từ yêu cầu đó, việc xây dựng khu “Di tích Trường Y tế tỉnh Yên Bái- Ghi lại tội ác chiến tranh của giặc Mỹ ngày 9/7/1965” đã được UBND tỉnh, Thành ủy - UBND thành phố Yên Bái mà trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh  Phạm Duy Cường đặc biệt quan tâm, giao nhiệm vụ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung điều tra nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích. Cùng với việc xếp hạng di tích, dự án xây dựng khu di tích này cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí bồi thường hoa màu cho một số hộ dân đang sinh sống tại mặt bằng khu di tích này và xây dựng khu di tích. UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Yên Bái bố trí đất tái định cư cho các hộ dân di dời hiến đất xây dựng di tích.

Việc quy hoạch mặt bằng, thiết kế tổng thể khu di tích, đặt tên cho khu di tích này… được Ban giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tích cực triển khai và đưa ra phương án xây dựng di tích tập trung vào tái hiện lại hố bom giặc Mỹ ném xuống Trường Y tế, những đoạn đường hào tránh bom và xây dựng bia ghi lại sự kiện ngày 9/7/1965 trên diện tích đất khoảng 300m2.

Với những hạng mục công trình như thế, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu khoa học và ý nghĩa lịch sử của một khu di tích mang tính chất chứng tích chiến tranh. Tuy nhiên, qua quá trình tiếp cận thực tế và tham khảo tài liệu đã cho thấy nhiều khu di tích chứng tích nạn nhân của bom Mỹ, ngoài việc xây dựng văn bia thường có các tượng đài, phù điêu mang tính biểu tượng cho sự kiện.

Bác Phạm Tiến Thọ ở tổ 55, phường Nguyễn Thái Học đang cư trú tại khu vực xây dựng Di tích Trường Y tế chỉ cho phóng viên xem những dấu tích còn lại của hố bom ném xuống khu vực Trường năm xưa.

Chẳng hạn, đài tưởng niệm ở khu phố Khâm Thiên (Hà Nội) - nơi ghi dấu tội ác của giặc Mỹ vào một đêm tháng 12/1972 đã dùng B52 ném bom vào khu phố này làm gần 600 người chết và bị thương cũng chỉ xây dựng khiêm nhường trong một không gian hẹp lại bao bọc xung quanh nhiều kiến trúc lớn với hình ảnh người mẹ ôm đứa con đã chết và đạp lên quả bom của kẻ thù. Ý tưởng này được lấy từ hình ảnh thật của một người mẹ cùng đứa con đã chết vì bom nhưng người mẹ vẫn trong tư thế đứng che chở cho đứa con ôm chặt vào chân mình.

Tượng đài Khu chứng tích Kinh Dớn - Hàng Gòn ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau về sự kiện ngày 11/9/1969 máy bay B52 Mỹ đã giội bom xuống khu vực này làm chết 65 người cả cụ già, trẻ thơ cùng nhiều người khác bị thương cũng xây dựng rất khiêm tốn. Hình ảnh tượng đài là ba quả bom đang nối nhau cắm xuống đất và ở phần giữa những trái bom ấy là bức phù điêu mô phỏng những thường dân chết gục, những em bé đang ôm chặt lấy mẹ giữa khói bom cuồng loạn…

Tóm lại, những tượng đài ấy không cứ phải đồ sộ nhưng nó phải mang tính biểu tượng cao mà đứng ở xa, chưa cần đọc nội dung của văn bia người ta đã nhận ra nét bi thương cũng như sự kiêu hùng, khát khao hòa bình, sức sống vươn lên của người Việt Nam mà không bom đạn nào có thể khuất phục. Đồng thời, khi đến thắp nhang hay chỉ cần đứng trước hình ảnh những tượng đài này, mỗi người đều dâng trào nỗi xúc động tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống.

Nên chăng, ở khu di tích Trường Y tế tỉnh Yên Bái cũng cần có một tượng đài như thế để nhắc nhở mọi người đây không chỉ là sự kiện riêng với  Trường Y tế mà đó là nỗi đau chiến tranh giữa lòng thành phố. Việc xây dựng một tượng đài cần có lộ trình thích hợp về thời gian nhưng trước hết nó phải có trong ý tưởng của quy hoạch tổng thể di tích. Nội dung của văn bia ghi lại sự kiện này được soạn thảo súc tích trong một đoạn văn ngắn.

Những từ ngữ trong văn bia đi thẳng vào sự kiện ngày 9/7/1965 đã làm chết hơn 5 chục người tại vị trí này cùng với thông điệp nhắc nhở mọi thế hệ luôn ghi nhớ nỗi đau này mà xây dựng cuộc sống hòa bình. Nhưng thiển nghĩ, nếu tấm văn bia này được khắc ghi bằng cả tiếng Anh nữa thì càng thêm phần ý nghĩa. Bởi lẽ, chắc sẽ có nhiều người nước ngoài đến nơi này vì công viên Yên Hoà đang được đầu tư tôn tạo thành một thiết chế vừa đẹp về cảnh quan môi trường vừa là một không gian văn hóa lớn của thành phố. Vì thế, nếu họ hiểu được sự kiện này, hiểu được cả lịch sử của thành phố Yên Bái, họ sẽ đồng cảm với tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam.

Bởi vậy, việc xây dựng các di tích ở nơi này cần phải đạt tầm một địa chỉ văn hóa. Điểm thuận lợi nhất của di tích Trường Y tế là nằm ngay bên bờ công viên Yên Hoà, liền kề với Khu di tích Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Con đường đi bộ ven hồ đang được thi công và đi liền dưới chân di tích. Nhiều người đi bộ thể dục buổi tối, buổi sáng đều chung một cảm nghĩ, khi tuyến đường ven hồ này được hoàn thành thì việc đi bộ thật là thú vị vì chu vi vòng hồ dài tới mấy cây số, môi trường trong lành.

Phía trước khu di tích Trường Y tế có một dải đất nhô ra phía lòng hồ, tuy không rộng lắm nhưng nếu được lát gạch cũng đủ cho cả trăm người tập thể dục dưỡng sinh hay ngồi bên những chiếc ghế đá hóng mát về đêm. Chếch không xa sang phía bờ hồ bên trái nhìn từ khu di tích Trường Y tế sang khu di tích Nguyễn Thái Học cũng có một bãi bằng rộng cả nghìn mét vuông đã trồng cây xanh.

Dân sống ở khu vực này khá đông nên ai cũng ao ước nếu bãi đất rộng ấy trở thành khu vui chơi, hóng mát sau giờ lao động thì quanh hai khu di tích sẽ là nơi mỗi ngày thu hút rất đông người lui tới. Cho nên, có ý kiến gợi ý rằng, nếu khu di tích Trường Y tế kết hợp xây dựng được cụm trưng bày ảnh ngoài trời hay một bức tường gắn những bức ảnh in trên chất liệu men sứ về chứng tích chiến tranh ở thành phố Yên Bái hiện vẫn còn lưu giữ được khá nhiều thì ý nghĩa tuyên truyền giáo dục tại di tích này sẽ còn được nhân lên rất nhiều lần.

Bởi lẽ, nhìn vào những hình ảnh ấy mọi người sẽ thấy sự bi thương không chỉ riêng với Trường Y tế mà cả thị xã nhỏ bé xưa kia cũng oằn mình trong khốc liệt chiến tranh. Họ càng hiểu thêm vì sao mà thị xã Yên Bái xưa kia lại là mục tiêu ưu tiên của không lực Hoa Kỳ trong cả hai lần leo thang đánh bom ra miền Bắc, vì sao trong cùng một công viên nhỏ chỉ cách nhau mấy trăm mét mà có tới hai di tích chứng tích chiến tranh lớn như vậy… Tất cả những điều đó sẽ gieo vào lòng công chúng niềm tự hào về thành phố Yên Bái anh hùng để sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ đi trước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ, dựng xây đất nước.     

 Hoàng Nhâm

Các tin khác

YBĐT - Đã nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa lũ, để đến trường hơn 200 em học sinh ở các thôn bản bên kia suối Thia thuộc xã An Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đều phải đi mảng và đu trên những sợi dây thừng để vượt suối. Ước mơ về một cây cầu chính là khát khao bao đời nay của người dân xã An Lương.

Đông đảo nhân dân tham dự phiên toà xét xử lưu động tại xã Cao Phạ (Mù Cang Chải).

YBĐT - Vùng thấp trung bình mất 2 giờ đồng hồ để xét xử 1 vụ án thì ở đây phải gấp đôi thời gian đó mà cứ 10 vụ xét xử thì có tới 8 vụ phải có thêm phần phiên dịch tiếng Mông. Mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý, mua bán người, giết người… là những hành vi nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đang có chiều hướng gia tăng ở các huyện vùng cao của tỉnh.

Lớp học tiếng Anh đặc biệt của thầy giáo Tuyến.

YBĐT - Đã mấy năm nay, mỗi ngày cứ 3 ca đều đặn, người "thầy" bị bán thân bất toại vẫn truyền đạt kiến thức cho những đứa bé nghèo ở vùng quê đầy khó khăn mà không hề toan tính chuyện tiền bạc. Người "thầy" đó đang vượt lên trên cả nỗi đau của bản thân để "gieo" những con chữ cho các học sinh nghèo này là anh Lý Xuân Tuyến ở thôn Phạ 3, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh phát biểu tại Hội nghị sơ kết giai đoạn I Dự án 600 phó chủ tịch xã của Chính phủ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Ảnh: Minh Thúy

YBĐT - Họ giàu nhiệt huyết, dám dấn thân vào thử thách và sẵn sàng mang sức trẻ đi đến những nơi rừng núi xa xôi để cống hiến... Tuy vậy, vì rất nhiều lý do, khách quan có, chủ quan cũng nhiều, để rồi những tân phó chủ tịch (PCT) xã thuộc Dự án 600 PCT xã tại 2 huyện nghèo: Trạm Tấu, Mù Cang Chải sau hơn 1 năm nhận công tác vẫn đang phải gồng mình vượt qua khó khăn trên con đường thực hiện nhiệm vụ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục