Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thông tin, đến 4 giờ sáng nay (19/7), vùng áp thấp ở vào khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc-104,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Việt Bắc.
Trước đó, vào chiều tối ngày 18/7, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 1 - bão Talim) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn.
Theo Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, không loại trừ khi dải hội tụ nhiệt đới sau cơn bão số 1 có khả năng cuối tuần này hoặc đầu tuần sau có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão số 2 trên Biển Đông.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, bão số 1 không tác động trực tiếp đến khu vực Hà Nội, khu vực này chỉ ảnh hưởng bởi những hiện tượng dông lốc từ xa và xuất hiện mưa lớn.
Ngoài ra, bão số 1 hoạt động trên dải hội tụ nhiệt đới, không phải cơn bão độc lập nên ngoài gây mưa trong thời điểm bão còn tiếp tục gây mưa sau hoàn lưu bão. Mặc dù bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cảnh báo trong ngày 19/7, hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa to cho nhiều khu vực ở miền Bắc.
Tiếp đến, ngày 20/7, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đặc biệt, các sông suối nhỏ ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ lớn cục bộ.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, cơn bão số 1 là một cơn bão hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, sau đó di chuyển tương đối ổn định, chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc.
Bão số 1 sau khi quét qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) sẽ di chuyển lệch Bắc nhiều hơn và đi vào phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) là kịch bản mà cơ quan khí tượng đã lường tới khi bão mới hình thành.
"Quỹ đạo của bão/ATNĐ thường do trường dòng dẫn ở các tầng khí quyển chi phối, theo đó, hướng di chuyển của bão số 1 chủ yếu do áp cao cận nhiệt đới ở khoảng mực 5km chi phối. Tùy mức độ phát triển và mở rộng của áp cao cận nhiệt đới về phía tây mà bão số 1 sẽ có hướng và tốc độ di chuyển khác nhau” - ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lý giải.
Nếu áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây với cường độ trung bình, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng.
Nếu cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây mạnh, bão sẽ di chuyển lệch về phía Nam nhiều hơn và đi vào khu vực phía Nam của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Trong trường hợp cao cận nhiệt đới hoạt động yếu, bão sẽ di chuyển lệch Bắc nhiều hơn và đi vào phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), với kịch bản này, bão số 1 suy yếu nhanh do ma sát với địa hình, vì vậy gió bão yếu hơn và mưa cũng không nhiều. Tác động của bão cũng nhẹ nhất. Đây là một trong những kịch bản mà cơ quan khí tượng đã lường tới khi bão mới hình thành.
Trước đó, tại cuộc họp ứng phó với bão số 1 sáng 17/7, Tổng cục Khí tượng thủy văn đưa ra nhận định, sau khi bão vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) sẽ hướng thẳng vào khu vực giữa Quảng Ninh - Hải Phòng (xác suất 80%). Tuy nhiên, đây là cơn bão mạnh và có hoàn lưu rộng nên phạm vi ảnh hưởng bao trùm cả Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.
Tuy nhiên cũng có phương án (khả năng thấp) là bão đi lệch lên phía Bắc bán đảo Lôi Châu và sau đó men dọc theo đất liền Trung Quốc thì mưa. Với phương án này, tác động mưa gió ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam sẽ ít hơn.
Do tác động của El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương), số lượng bão hoạt động trên Biển Đông cũng như tác động đến đất liền Việt Nam ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Tuy nhiên, theo thống kê, những năm chịu ảnh hưởng của El Nino là những năm có các cơn bão mạnh, đường đi phức tạp, mưa lớn xảy ra cực đoan. Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương; cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.
(Theo kinhtemoitruong.vn)