Là huyện giáp ranh, chạy dọc theo hai bờ sông Hồng, do vậy khi lưu lượng nước sông tăng cao đột biến, phần lớn các xã, thị trấn của huyện Trấn Yên chìm trong biển nước, chỉ có thể tiếp cận bằng đường thủy. Khi ấy, toàn huyện có tới gần 4.000 nhà bị chia cắt và cô lập, cần phải cứu trợ khẩn cấp về các nhu yếu phẩm trong thời gian từ 5 - 7 ngày.
Để xe cứu trợ có thể thuận lợi tiếp cận, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái, huyện Trấn Yên đã nhanh chóng khảo sát, xin ý kiến, thống nhất với đơn vị chức năng mở đường từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc Km 128 + 500 qua địa phận xã Y Can vào vùng ngập. Công tác này được thực hiện xuyên đêm cho tới 4 giờ sáng ngày 11/9 thì hoàn thành, phá vỡ thế cô lập cho huyện. Lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông cũng ứng trực tại đây để hướng dẫn phân luồng cho các đoàn xe chở nhu yếu phẩm cung cấp cho người dân.
Tại điểm tập kết cũng có lán trại để bảo quản nhu yếu phẩm, khu vực dừng đỗ cho các phương tiện. Ngay khi tuyến đường được thiết lập, trong điều kiện thời tiết mưa dày và nặng hạt, song hàng chục chuyến xe cứu trợ từ khắp mọi miền Tổ quốc mang theo nhu yếu phẩm: áo phao, nước sạch, lương thực... đã đến điểm tập kết.
Chị Phạm Thị Thu - người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình chia sẻ: "Nghe tin đã có đường đến vùng bị cô lập của huyện Trấn Yên, mấy chị em trong xã đã cùng nhau nấu 300 suất xôi cùng với mì tôm, nước lọc nhanh chóng vận chuyển đến đây. Của ít lòng nhiều, hy vọng có thể hỗ trợ đồng bào mình lúc khó khăn này”.
Ngoài nhu yếu phẩm, xuồng, thuyền cũng được các đơn vị, nhà hảo tâm gửi tới, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng cứu hộ tại địa phương. Anh Phạm Minh Việt - thành viên Đội xuồng hơi cứu hộ và cứu nạn Đà Nẵng chia sẻ: "Chúng tôi đã mang tới 4 xuồng hơi gắn máy, áo phao, vật dụng cứu hộ… và 6 thành viên đều là những người có kinh nghiệm trong công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển nên hoạt động của Đội diễn ra rất nhanh chóng, kịp thời, chuyên nghiệp, an toàn. Đội đã tổ chức hỗ trợ vận chuyển hàng trăm chuyến xuồng chở người và tài sản của nhân dân đến vùng an toàn; hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm đến các khu vực bị cô lập. Quan điểm của chúng tôi là khi nào nước rút thì mới di chuyển và vẫn sẽ tiếp tục hành trình đến các địa điểm bị ngập sâu khác để hỗ trợ người dân miền Bắc đợt thiên tai này”.
Lực lượng vũ trang Quân khu 2, tỉnh Yên Bái cũng hỗ trợ thêm cho Trấn Yên các thuyền cỡ lớn, thuyền nhỏ để dễ dàng di chuyển đến các khu vực bị ngập sâu, bị cô lập nhằm tiếp tế các nhu yếu phẩm thiết yếu, hỗ trợ di chuyển người già, phụ nữ, trẻ em, người bị bệnh đến khu vực an toàn. Các thuyền được bố trí người lái thuyền có đầy đủ giấy phép, có trình độ, kinh nghiệm điều khiển phương tiện trong điều kiện dòng nước lớn, chảy siết và đảm bảo an toàn tính mạng người trên thuyền.
Công an huyện cũng đã huy động toàn bộ lực lượng gần 200 chiến sĩ, gần 20 xuồng, tàu vỏ sắt; Công an huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ đã đưa hơn 20 chiến sĩ để cùng với Công an huyện Trấn Yên thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ. Có nhu yếu phẩm, có phương tiện vận chuyển, huyện Trấn Yên cũng đã huy động tối đa các lực lượng phân đi các địa điểm để ứng cứu người dân.
Thượng tá Trần Trọng Sáng - Trưởng Công an huyện Trấn Yên cho biết: "Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nỗ lực cao nhất để tiếp cận người dân vùng cô lập, thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ cũng như cứu trợ, đưa các nhu yếu phẩm đến tay nhân dân”. Cũng ngay đêm 11/9, đồng chí Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Trần Anh Tuấn cho biết: "Nguồn nhu yếu phẩm trên địa bàn huyện đã cơ bản đủ và xin nhường sự cứu trợ cho các địa phương khác khó khăn hơn”.
Hiện nay, nước lũ đã rút, người dân Trấn Yên đang từng bước kiến thiết lại cuộc sống với một lòng biết ơn sâu sắc, chân thành sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay trợ giúp của cả cộng đồng.
Hoài Anh