Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, phải kể đến dịch bệnh lở mồm long móng (type O) xuất hiện tại xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu; bệnh
dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh tại 3 huyện Lục Yên, Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Gần đây nhất, từ ngày 31/7/2024 đến ngày 20/8/2024, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 21 hộ thuộc thôn Hát 2, của xã Hát Lừu huyện Trạm Tấu với tổng số lợn bị ốm, bệnh 42 con; số con chết, tiêu hủy 42 con với khối lượng 3.935 kg.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống nên các địa phương đã kịp thời bao vây khống chế được dịch bệnh, ngành chăn nuôi phát triển tương đối ổn định. Đên nay, do hậu quả của bão số 3, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đang tập trung hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục, khôi phục, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ông Ninh Kiều Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Đơn vị đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phòng chống dịch bệnh, khôi phục, bảo vệ đàn vật nuôi sau mưa lũ. Theo đó, ngành yêu cầu các địa phương thành lập các đoàn công tác đến các xã, phường, thị trấn để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh xử lý môi trường sau mưa lũ và khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cho người chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn, loa truyền thanh, truyền hình, tờ rơi tuyên truyền để người chăn nuôi nắm bắt và chủ động đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong mùa mưa lũ, phòng chống dịch bệnh khôi phục sản xuất sau bão; chủ động có phương án hỗ trợ con giống, hóa chất xử lý môi trường, tiêu hủy động vật chết, thuốc và vắc-xin phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi. Đồng thời, rà soát, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo quy định, đặc biệt đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có nguy cơ cao, lũ lụt... tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như: dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu bò, tai xanh”.
Bên cạnh hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau lũ, hiện các địa phương thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất theo Nghị định số 02 ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, ngành chức năng cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh. Thực hiện hướng dẫn của ngành chức năng và chính quyền địa phương, các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã, đang tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp khẩn trương khắc phục hư hỏng, vệ sinh chuồng trại ổn định chăn nuôi.
Anh Trần Anh Tuấn ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên cho biết: "Mưa lũ khiến nhà cửa và khu vực chăn nuôi của gia đình bị ngập, phải di dời đi nơi khác. Ngay sau khi nước rút, được sự hướng dẫn của chính quyền, bên cạnh dọn dẹp vệ sinh nhà cửa ổn định cuộc sống, gia đình cũng tiến hành khử trùng chuồng trại để khôi phục chăn nuôi”.
Tuy công tác phòng chống dịch bệnh, tái đàn đang được ngành chức năng, người dân tích cực triển khai nhưng trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh, các địa phương, hộ chăn nuôi không được phép chủ quan, lơ là, đặc biệt trong công tác giám sát dịch bệnh. Mỗi người dân khi phát hiện thấy có gia cầm, lợn, trâu bò chết bất thường phải tiến hành cách ly và báo các cơ quan chức năng, tuyệt đối không ăn thịt gia cầm, gia súc ốm chết. Bên cạnh đó, ngành chức năng các địa phương chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, hóa chất và các loại vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, tăng cường việc tập huấn kỹ thuật cho mạng lưới thú y và người chăn nuôi. Qua đó, góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan trên đàn gia súc, gia cầm và giảm thiểu rủi ro cho người chăn nuôi.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 8/2024, tổng đàn gia súc chính toàn tỉnh ước đạt 860.401 con, đạt 98,7% kế hoạch; đàn gia cầm ước đạt 7.506.200 con, đạt 99% kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 57.376 tấn, đạt 76,5% kế hoạch. Tuy nhiên, bão số 3 đã gây thiệt hại và ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất ngành nông nghiệp; trong đó, có sản xuất chăn nuôi. Tính đến sáng ngày 16/9, toàn tỉnh đã thống kê được 335.994 con gia súc, gia cầm bị thiệt hại, hàng chục nghìn hộ, cơ sở chăn nuôi bị ảnh hưởng do mưa bão.
|
Văn Thông