Dự án 200 triệu USD tại Việt Nam của “Bill Gates châu Á”

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/6/2008 | 12:00:00 AM

Khoảng 300.000 ha đồi núi trọc tại Việt Nam sẽ được phủ xanh nhờ một dự án trồng rừng được đánh giá là có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Dự án do Steve Chang, người được mệnh danh là Bill Gates châu Á, khởi xướng và đã nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ Việt Nam.

Ông Dean Wu
Ông Dean Wu

Ông Dean Wu, Tổng Giám đốc InnovGreen - Tập đoàn lãnh sứ mệnh trồng rừng tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới về dự án này.

Từ đâu mà các ông có ý tưởng lập dự án trồng rừng ở Việt Nam?

Khi đến Việt Nam, chúng tôi nhìn thấy Việt Nam có nhiều đất rừng để trống không dùng đến. Việt Nam còn có nhiều nguồn tự nhiên không được tận dụng và thiếu nguồn vốn để đầu tư vào lĩnh vực này.

Chúng tôi nhìn thấy có 3 ưu điểm để lựa chọn Việt Nam cho dự án này, đó là khí hậu tốt, nhiều đất rừng chưa sử dụng, nguồn lao động dồi dào.

Chúng tôi cũng nhận thấy, môi trường thế giới đang nóng dần lên, thiếu cây xanh, nhưng ở nhiều nước phát triển, nơi có nhiều nguồn vốn phong phú thì họ lại đầu tư số tiền này để xây dựng nhà máy, phân xưởng.

Do đó, chúng tôi muốn trở thành hình mẫu của một doanh nghiệp làm xanh môi trường.

Mục đích của dự án là gì? Dự án này được triển khai ở địa phương nào? Tại sao lại chọn địa phương này để triển khai thưa ông?

Chúng tôi lựa chọn những vùng còn nhiều đất trống, đồi núi trọc, chưa được khai thác, để đầu tư. Chúng tôi sẽ trồng rừng tại 5 địa phương là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nghệ An, KonTum, Quảng Nam. Năm 2007 đã triển khai trồng rừng bạch đàn ở Quảng Ninh. Kết quả rất khả quan, hiện nay một số cây trồng đã cao trên 5m.

Một vườn ươm rộng trung tâm 40 ha với công suất hàng năm là 5 triệu cây con đang dự kiến xây dựng tại đây. Trong năm 2008, chúng tôi sẽ triển khai trồng cây trên cả 5 địa phương.

Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu một số giống cây hỗn hợp nữa và sẽ đưa vào trồng đại trà, nhưng chủ yếu vẫn là keo, thông, bạch đàn.

Mục đích của dự án này là tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương, tăng thêm thu nhập cho họ. Tại Quảng Ninh, trong mùa trồng rừng đầu tiên chúng tôi đã tạo việc làm cho khoảng hơn 1.000 người lúc nông nhàn.

Các dự án sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa, chế biến bột giấy, giấy và bìa kinh doanh xuất nhập khẩu cũng sẽ tạo thêm việc làm cho dân địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện môi trường và giảm nhẹ thiên tai.

Ba mươi năm qua, ông Chủ tịch tập đoàn của chúng tôi, Steve Chang, đã theo đuổi và thành công trong lĩnh vực bảo vệ môi trường an ninh mạng, bây giờ ông ấy muốn thử sức ở lĩnh vực bảo vệ môi trường tự nhiên.

Năm ngoái, lợi nhuận của tập đoàn Trend Micro là 300 triệu USD. Nếu dựa vào trồng rừng thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới thu được mức lợi nhuận như vậy. Mục đích của chúng tôi là xây dựng một doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp xanh để bảo vệ môi trường, chứ không phải đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu.

Rừng bạch đàn có chiều cao trung bình 5,2m tại Quảng Ninh

Có nhiều ý kiến khoa học cho rằng, trồng rừng đơn cây là nguyên nhân làm giảm đa dạng sinh học của vùng đất đó. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này? Dự án của các ông có  đóng góp gì cho sự đa dạng sinh học của Việt Nam?

Tôi cho rằng ý kiến đó đúng. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng phát triển theo chiều hướng đa dạng. Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia về lĩnh vực bảo vệ môi trường để họ giúp đỡ chúng tôi trong vấn đề này. Họ cũng giúp chúng tôi phát triển nhiên liệu sinh học, cải thiện hệ sinh thái và xây dựng các vùng nông lâm đa dạng sinh học.

Ban đầu chúng tôi định sử dụng máy móc trong việc trồng rừng, nhưng rồi chúng tôi đã quyết định không hoàn toàn dùng máy móc mà sẽ sử dụng những biện pháp khác để không ảnh hưởng tới môi trường. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhập những thiết bị kỹ thuật mới trong thi công rừng…

Được biết, một số công nghệ hiện đại sẽ được áp dụng trong dự án này. Xin ông cho biết cụ thể đó là công nghệ gì? Cái mới và những ích lợi khi áp dụng công nghệ này trong trồng rừng?

Chúng tôi đang sử dụng công nghệ mới nhất của hệ thống thông tin địa lý (GIS) và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để giám sát và quản lý rừng trồng. Ảnh chụp vệ tinh, kỹ thuật cảm biến sẽ giúp tập đoàn theo dõi và kiểm soát một cách thuận tiện và chính xác mức độ tăng trưởng của cây, đánh giá được trữ lượng cũng như những nguy cơ sâu hại và cháy rừng.

Hiện, chúng tôi đang đào tạo nhân viên ở Quảng Ninh dùng hệ thống định vị GPS. Ngoài ra chúng tôi còn gắn chip cho những cây trồng thực nghiệm. Thiết bị này cho phép theo dõi sự tăng trưởng của cây một cách khoa học.

Những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới cũng được áp dụng tại vườn ươm cây của chúng tôi. Như sử dụng ống bầu bằng chất vải không dệt và chất liệu nhẹ, cho phép áp dụng kỹ thuật xén rễ cây con trước khi trồng bằng chân không nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi dỡ ống bầu lại vừa nâng cao tỷ lệ sống của cây trồng.

Đây là ngân hàng gien và là nơi nghiên cứu phát triển công nghệ nhân giống vô tính và sản xuất cây con từ cấy mô và hom. Sau khi vườn ươm trung tâm này đi vào hoạt động ổn định, InnovGreen sẽ xây dựng những vườn ươm vệ tinh ở các tỉnh khác.

Cám ơn ông!

(Theo TPO)

Các tin khác

Tại Hội nghị về vận tải xe hơi Trung-Việt tổ chức ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, Việt Nam và Trung Quốc đã lên kế hoạch mở 9 tuyến đường mới để vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới kiểm tra thực tế tại xã Hồng Ca(Trấn Yên, Yên Bái) năm 2007. Ảnh: TT.

YBĐT - Hồng Ca là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trấn Yên(Yên Bái), đời sống nhân dân còn khó khăn, chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Được sự đầu tư của Dự án Giảm nghèo, Ban phát triển xã đã triển khai thực hiện kế hoạch, quản lý các hợp phần được giao tại cơ sở, phát huy được tác dụng, hiệu quả, tạo đà cho kinh tế- xã hội phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

Đó là dự án sẽ được triển khai ngay tại trung tâm khu đô thị mới Văn Phú (Hà Đông), nơi có vị trí đắc địa, chỉ cách Ngã Tư Sở (Hà Nội) khoảng 4 km. UBND tỉnh Hà Tây vừa chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư cho công ty TNHH Inpyung (Hàn Quốc) - chủ đầu tư.

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm tới nay đã lên tới 14,7 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục