Nguồn sáng diệu kỳ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2010 | 3:03:33 PM

YBĐT - Xuân này về Tân Hương, dòng điện đã lung linh toả sáng từng nếp nhà sàn ở bản người Dao Khe Mạ, Khe Moóc, Khe May... Niềm vui hiển hiện trên gương mặt từ cụ già đến các em nhỏ khi lần đầu tiên được biết không khí đón Tết trên mọi miền đất nước qua chiếc ti vi đặt ở giữa nhà.

Dòng điện sáng mang đến một mùa xuân ánh sáng thoả ước vọng sau bao năm chờ đợi, khát khao của đồng bào. Cuộc sống giờ đây đã mở ra một trang mới với những đổi thay hiện hữu.

Ngày bản làng đón nguồn sáng diệu kỳ ấy đã trở thành ngày hội với người dân nơi đây. Đường làng ngõ xóm đông vui nhộn nhịp, mọi câu chuyện dường như dành cho chủ đề mua sắm đồ điện sinh hoạt trong gia đình từ chiếc ti vi đến nồi cơm điện, bếp từ, hay máy bơm nước...

Một vài đại lý ở Yên Bình, Yên Bái còn năng động chở cả xe ô tô nào ti vi, đầu đĩa đến các loại đồ điện gia dụng vào phục vụ bà con. Vài chục chiếc ti vi được tiêu thụ mỗi ngày đủ thấy khát khao của đồng bào bao lâu nay.

Ông Đặng Văn Thanh - Bí thư chi bộ thôn Khe May cho biết: Có điện người dân mừng lắm, cuộc sống của bà con từ đây đã đổi thay cơ bản. Thôn Khe May có 75 hộ thì đã có 68 hộ mua sắm được ti vi và đồ điện dân dụng.

Được xem truyền hình, bà con được mở mang kiến thức xã hội, được hiểu về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; được thấy những cách làm ăn hiệu quả của đồng bào ở các địa phương khác mà học tập...

Và cuộc sống sinh hoạt cũng văn minh hơn, đỡ vất vả hơn khi máy bơm nước thay sức người, rồi tiện ích của nồi cơm điện hay việc học tập của các cháu nhỏ cũng trở nên thuận lợi...

Em Lục Thị Hà - học sinh lớp 7C, Trường THCS Tân Hương vui lắm bởi từ nay em cũng như bao bạn nhỏ khác trong làng đã không còn phải nhoà mắt học bài dưới ánh đèn dầu tù mù nữa.

Niềm hân hoan được mở trang vở dưới nguồn sáng diệu kỳ ấy hy vọng sẽ là động lực giúp các em giành thành tích học tập cao hơn. Những bóng điện tự chế từ chiếc đèn pin, rồi đèn dầu phục vụ cuộc sống sinh hoạt của bà con bao đời nay đã được xếp gọn vào góc nhà, hoàn thành sứ mạng của mình.

Với gia đình anh Bàn Văn Hanh và chị Đặng Thị Trình ở Khe Mạ thì  dòng điện đã mang lại cho gia đình anh chị những đổi thay lớn lao hơn ngoài việc phục vụ cuộc sống sinh hoạt đơn thuần. Anh chị đã làm ngay hợp đồng được sử dụng điện 3 pha để phục vụ sản xuất. Hơn chục triệu đồng đã được đầu tư để lắp đặt hệ thống máy xay xát, máy nghiền, cán liên hoàn về làm dịch vụ thay cho chiếc máy xay xát cũ chạy máy nổ vẫn làm trước đó.

Anh chị phấn khởi cho biết: Trước dùng máy nổ thì mỗi lần khởi động máy cứ phải quay hết hơi, có khi 2 người quay mà còn chưa nổ được máy để làm, giờ thì nhàn rồi chỉ cần một cái đóng cầu dao điện thôi cô ạ là máy đã nổ giòn giã. Không chỉ có gia đình anh Hanh, chị Trình mà Bí thư Đảng uỷ xã Thạch Ngọc Chức cho hay: Từ khi có điện một số hộ gia đình trên địa bàn đã xây dựng ý tưởng để làm ăn lớn như: mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng, sơ chế sắn, chè...

Đó sẽ là những hướng đi mang lại diện mạo mới cho bộ mặt kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Dao của xã mà Đảng uỷ, chính quyền địa phương đang khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển. Khi những ý tưởng đó trở thành hiện thực sẽ là cơ sở để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, cũng là cơ hội để giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Xuân này, niềm vui của bà con còn như được nhân đôi trước một vụ sắn được mùa, được giá. Giá sắn cao giữ ở mức trên 1 nghìn đồng/kg (vụ sắn năm 2008 chỉ có 300 đồng/kg) đã mang lại nguồn thu đáng kể. Hộ nào cũng trồng sắn, nhà trồng ít cũng thu cả chục triệu đồng. Nhiều hộ như gia đình anh Đặng Văn Ba, Lý Văn Nam thôn Khe Mạ trồng 3 -  4 ha sắn đã thu về 40 - 50 triệu đồng.

Cùng với đó, đồng bào đã chú trọng phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế. Và sự đầu tư của nguồn điện hôm nay sẽ là điều kiện thuận lợi để đồng bào mở rộng phát triển sản xuất, hiện đại hoá với ngành nghề mới đẩy nhanh cái đói, cái nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương. Để mỗi mùa xuân mới lại vui như mùa xuân đón điện này.

Ngọc Tú

Các tin khác
Trường tiểu học Mông Sơn được đầu tư xây dựng khang trang phục vứue nghiệp phát triển giáo dục.

YBĐT - Sáng 29/1, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên năm 2008 – 2009 và tình hình triển khai các Dự án bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Đồng chí Phạm Duy Cường – Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Năm 2009 đã có 188 công trình được đầu tư xây dựng tại 63 xã và các thôn, bản đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí đầu tư 73,25 tỷ đồng.

YBĐT - Năm 2009, Chương trình 135 giai đoạn II đã đầu tư 102,043 tỷ đồng trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Năm 2009, tổng số các hạng mục của các chương trình, dự án thực hiện ước giá trị đạt 124.567 triệu đồng, bằng 100,42% kế hoạch (KH); giải ngân được 109.948 triệu đồng (88,6% KH).

YBĐT - Năm 2009, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do tình hình lạm phát trong nước, song lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản của thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm trước và vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND đề ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục