Nhà máy đánh thức vùng nguyên liệu
- Cập nhật: Thứ ba, 7/12/2010 | 8:57:08 AM
YBĐT - Thực hiện chủ trương đưa kinh tế đồi rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư và vận động nhân dân các dân tộc trồng và phát triển rừng kinh tế.
Sản phẩm giấy đế của Nhà máy Giấy đế Minh Quân thuộc Công ty cổ phần Chế biến Nông lâm sản Yên Bái.
|
Nhờ vậy, diện tích rừng của tỉnh ngày một tăng. Đến nay toàn tỉnh đã có trên 200 ngàn ha rừng kinh tế, mỗi năm cho khai thác trên 200 ngàn m3 gỗ các loại, 150 ngàn tấn tre, vầu, nứa và 30 ngàn ha rừng quế đặc sản, đó là nguồn nguyên liệu cho chế biến lâm sản, nhất là giấy và bột giấy. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua nguồn nguyên liệu này mới chỉ được chế biến thô và bán nguyên liệu cho các nhà máy dưới xuôi là chính, dẫn đến giá trị kinh tế không cao.
Để nâng cao giá trị kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày một cao về giấy và bột giấy, ngày 17/10/2010, Công ty cổ phần Công nghiệp Giấy Miền Bắc đã khởi công xây dựng Nhà máy giấy Minh Quân. Nhà máy được xây dựng tại lô A5, thôn Hòa Quân, trong Khu công nghiệp Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái với tổng số vốn đầu tư trên 1.033 tỷ đồng, công suất 50 ngàn tấn sản phẩm/năm.
Trong đó, đầu tư giai đoạn I là 300 tỷ đồng, với công suất 20 ngàn tấn sản phẩm/năm. Đây là nhà máy chế biến bột giấy có vốn đầu tư cũng như công suất lớn nhất và thu hút nhiều lao động nhất từ trước đến nay tại Yên Bái. Nhà máy được đầu tư công nghệ sản xuất bột giấy tiên tiến nhất hiện nay và ứng dụng nhiều sáng tạo khoa học kỹ thuật, giảm thiểu tối đa tác hại và ô nhiễm môi trường như: sử dụng dây chuyền công nghệ được thiết kế khép kín theo công nghệ sạch hơn, tận dụng tối đa nguồn nhiên liệu, nhiệt liệu và năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả, khoa học (sử dụng hệ thống nồi hữu ích trạm phát điện 6MW/h, sau đó mới sử dụng hơi thứ cấp nấu bột, tẩy trắng, xeo giấy và thu hồi kiềm…).
Đặc biệt, dây chuyền còn lắp đặt hệ thống tự động hoá đo lường và kiểm tra các thông số kỹ thuật hoạt động của các trang thiết bị và chất lượng sản phẩm. Lựa chọn công nghệ nấu nồi đứng và hệ thống thu hồi kiềm, khả năng thu hồi đạt trên 90% lượng kiềm đầu vào, hệ thống nước thải tuyển nổi với công nghệ hiện đại, đảm bảo đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Dự kiến, Nhà máy đầu tư xây dựng trong vòng 18 tháng, khi đi vào hoạt động sẽ thu hút 650 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/người/tháng cho lao động phổ thông và 3,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng cho lao động kỹ thuật.
Bột giấy được sản xuất từ các nguyên liệu xơ thô, là các cây họ tre và gỗ lá rộng. Khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, Công ty tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2 với tổng số vốn 730 tỷ đồng và tiếp tục sử dụng hệ thống nồi nấu liên tục theo công nghệ (PANDIA), hệ thống thu hồi kiềm 5 vạn tấn/năm theo phương pháp truyền thống có sử dụng hệ thống phát điện, tẩy trắng bột theo phương pháp không sử dụng khí Clo, hóa chất tẩy trắng chính là CIO2 giúp giảm thiểu ô nhiễm mỗi trường. Khi nhà máy có đủ nguyên liệu chạy ổn định 50 ngàn tấn/năm, doanh thu hàng năm đạt trên 650 tỷ đồng, nộp ngân sách 40 tỷ đồng/năm.
Khi nói về quá trình đầu tư xây dựng dự án tại Yên Bái, ông Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: “Trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, Công ty luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điện tốt của các ngành chức năng Yên Bái. Ngay từ khi làm các thủ tục hành chính, thực hiện theo cơ chế “Một cửa liên thông” tại Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái.
Ngoài ra, Công ty còn được hưởng các chính sách về ưu đãi giá thuê đất, hỗ trợ 50% kinh phí giải phóng mặt bằng và san tạo mặt bằng, hỗ trợ lãi suất đầu tư, hoạt động xúc tiến đầu tư và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, Nhà máy luôn nhận được sự hợp tác của ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Tỉnh cũng có cơ chế thuận lợi cho việc ký kết, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng cho chế biến”. Trong quá trình xây dựng nhà máy, Công ty đã tiến hành phối hợp, ký kết và khuyến khích người dân phát triển vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài cho nhà máy hoạt động hiệu quả.
Hiện nay, Nhà máy đã san gạt xong mặt bằng và bắt đầu xây dựng, lắp đặt các hạng mục đầu tư, phấn đấu đến tháng 5/2012 đi vào hoạt động ổn định. Việc đầu tư xây dựng nhà máy góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân quanh vùng từ khâu trồng rừng, chăm sóc, thu hoạch, đến khâu sản xuất bột giấy, cùng với đó là xây dựng ngành công nghiệp và các dịch vụ đi kèm. Quan trọng hơn Nhà máy giấy Minh Quân sẽ đánh thức vùng nguyên liệu rừng kinh tế.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Việc đẩy nhanh xây dựng các hạng mục của Dự án cũng như việc chuẩn bị tốt về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ là động lực quan trọng đưa Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đạt chuẩn quốc gia và trở thành một trong những trường đào tạo nghề có uy tín trong khu vực.
YBĐT - Sau khi hoàn thành, dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Côn Minh đi qua địa phận tỉnh Yên Bái không chỉ rút ngắn một nửa thời gian chạy xe, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên hành trình mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ tại địa phương.
YBĐT - Chính quyền tỉnh Yên Bái cam kết sẽ luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tới đầu tư, kinh doanh tại khu vực.
YBĐT - Nắm lấy cơ hội làm ăn ở Yên Bái, FOREXCO đã ra đời và ý tưởng xây dựng một nhà máy chế biến gỗ rừng trồng quy mô lớn, hiện đại với công suất 100.000 m3/năm, tổng mức vốn đầu tư 410 tỷ đồng đã được các cấp, các ngành phê duyệt và tạo mọi điều kiện để triển khai.