Xây dựng môi trường thông thoáng, hấp dẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/12/2010 | 9:57:13 AM

YBĐT - Vấn đề đặc biệt quan tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường thông thoáng, hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiến hành công tác khảo sát, xây dựng và triển khai các dự án phát triển vùng.

Phó thủ tướng Chính Phủ Trương Vĩnh Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng đoàn công tác thăm mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại vùng chè Mộc Châu (tỉnh Sơn La).
Phó thủ tướng Chính Phủ Trương Vĩnh Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng đoàn công tác thăm mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại vùng chè Mộc Châu (tỉnh Sơn La).

Ngày mai, 10/12/2010, Diễn đàn xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc năm 2010 sẽ chính thức khai mạc. Xung quanh Diễn đàn, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Khả Đấu – Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, Phó ban Tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc năm 2010. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

- Đây là lần thứ hai tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc, theo đồng chí, Diễn đàn lần này có gì mới?

Ông Lê Khả Đấu – Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, Phó ban Tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc năm 2010.

Diễn đàn xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc năm 2010 được rút kinh nghiệm sau kết quả tổ chức thực hiện Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc năm 2008. Cùng với việc giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của vùng và lắng nghe ý kiến của các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư để đổi mới công tác quản lý, cải tiến thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, chúng tôi mong muốn thông qua diễn đàn lần này sẽ tạo tiền để thiết lập các mô hình liên kết, hợp tác cụ thể, bền chặt theo vùng, theo lĩnh vực để phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế của các chủ thể, các đối tác.

Đó là quan hệ liên kết giữa các địa phương trong vùng để triển khai các dự án có liên quan đến nhiều tỉnh; liên kết giữa vùng Tây Bắc với các trung tâm phát triển trong nước, giữa các địa bàn sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm... Phạm vi kêu gọi đầu tư lần này được mở rộng ra 12 tỉnh trong vùng, là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, sẽ tạo điều kiện tốt hơn để triển khai các quan hệ liên kết.

- Theo định hướng phát triển kinh tế khu vực Tây Bắc, những lợi thế nào cần được quan tâm khai thác, thưa đồng chí?

Việc kêu gọi đầu tư lần này được ưu tiên cho các dự án chế biến nông, lâm sản gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thông qua quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông vận tải; đầu tư khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử, các dịch vụ đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất hàng hoá.

Thời gian vừa qua, đã hình thành nhiều mô hình liên kết công - nông nghiệp khá thành công, như liên kết của các cơ sở chế biến gỗ, giấy với các tổ chức và hộ nông dân trồng rừng sản xuất nguyên liệu; liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ chè có chất lượng cao như Ô Long, Bát Tiên; liên kết trồng cao su giữa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... Tôi cho rằng, những thành công đó là thực tiễn sống động, sẽ khích lệ các nhà đầu tư hăng hái tham gia vào lĩnh vực này.

Giao thông vận tải trong vùng đã được cải thiện một bước; hầu hết các trục quốc lộ hướng tâm đã hoàn thành kế hoạch đầu tư. Tuy nhiên, so với các khu vực khác và yêu cầu giao lưu hàng hoá, đây vẫn còn là “điểm nghẽn”. Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nguồn ODA, nguồn vốn từ các nhà đầu tư để phát triển mạng lưới giao thông theo Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư tại Quyết định 71/2010-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc năm 2008
được tổ chức tại tỉnh Lào Cai.

Du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử là thế mạnh của vùng, với nhiều địa danh nổi tiếng như: Sa Pa, hồ Ba Bể, công viên đá Hà Giang, Đền Hùng, Pác Bó, Tân Trào, Điện Biên Phủ..., hứa hẹn sẽ trở thành hệ thống các khu du lịch hấp dẫn. Việc đầu tư phát triển các dịch vụ dạy nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng là lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư.

- Thưa đồng chí, những vấn đề nào đang được đặt ra trong việc thu hút đầu tư vào khu vực này?

Xuất phát từ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng đối với cả nước, Đảng, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, nhằm phát huy cao độ nội lực, đẩy nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội của vùng cao hơn nhịp độ chung của cả nước. Yếu thế của Tây Bắc so với các vùng khác là hệ thống kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực đã và sẽ có những cơ chế, chính sách đặc thù để bù đắp, tạo cơ hội cho Tây Bắc hội nhập và phát triển.

Trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước, các ngành, các địa phương đã và đang tích cực nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù trên mỗi lĩnh vực, mỗi địa bàn. Vấn đề đặc biệt quan tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường thông thoáng, hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiến hành công tác khảo sát, xây dựng và triển khai các dự án phát triển vùng. Điều đáng mừng là đã có những địa phương liên tục được xếp vào tốp đầu trong danh sách đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (năm 2009, tỉnh Lào Cai xếp thứ 3, thuộc nhóm rất tốt). Với nỗ lực của các địa phương, tôi tin rằng, nhiều tỉnh khác trong vùng sẽ tiếp tục vươn lên trong các năm tới.

Cùng với các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng, Ban Chỉ đạo Tây Bắc hoan nghênh và sẵn sàng phối hợp để kết nối thế mạnh về vốn, công nghệ, thị trường của nhà đầu tư với tiềm năng về lao động, đất đai, thời tiết, khí hậu của các tiểu vùng trên địa bàn Tây Bắc. Trong quá trình đó, Ban cũng sẽ thường xuyên nắm bắt những tín hiệu từ thực tiễn để nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tây Bắc.

- Xin cảm ơn đồng chí!

P.V (thực hiện)

Các tin khác
Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái (người đứng thứ 5 từ phải sang) gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp chế biến đá ở huyện Lục Yên.

YBĐT - Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã khẳng định như thế trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái điện tử trước sự kiện Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Bắc diễn ra tại Yên Bái.

Sản phẩm giấy đế của Nhà máy Giấy đế Minh Quân thuộc Công ty cổ phần Chế biến Nông lâm sản Yên Bái.

YBĐT - Thực hiện chủ trương đưa kinh tế đồi rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư và vận động nhân dân các dân tộc trồng và phát triển rừng kinh tế.

Các nhà làm việc của giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường và phòng học thuộc Dự án đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề đang được đẩy nhanh tiến độ.

YBĐT - Việc đẩy nhanh xây dựng các hạng mục của Dự án cũng như việc chuẩn bị tốt về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ là động lực quan trọng đưa Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đạt chuẩn quốc gia và trở thành một trong những trường đào tạo nghề có uy tín trong khu vực.

Hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Yên Bái phát triển mạnh.

YBĐT - Sau khi hoàn thành, dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Côn Minh đi qua địa phận tỉnh Yên Bái không chỉ rút ngắn một nửa thời gian chạy xe, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên hành trình mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục