Xác định nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn, cấp ủy, chính quyền xã Phù Nham chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phối hợp với đơn vị chức năng cử cán bộ khuyến nông viên trực tiếp đến cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả canh tác, trồng trọt và chăn nuôi...
Trong đó, tập trung chủ yếu vào triển khai sản xuất các mô hình phát triển kinh tế mới hiệu quả, đem lại năng suất, thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, đóng góp xây dựng và phát triển kinh tế địa phương. Nổi bật là mô hình Tổ hợp tác trồng dưa hấu trên đất lúa kém hiệu quả.
Bà Đinh Thị Hạnh - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Năm Hăn Thượng cho biết: "Năm 2019, được sự giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn của tổ chức hội, cán bộ khuyến nông, gia đình tôi chuyển 2.600 m2 ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu. Sau mỗi vụ thu hoạch, trừ mọi chi phí còn thu về trên 45 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với cấy lúa”.
Trên cơ sở có lực lượng lao động nữ chiếm trên 80%, cấp ủy, chính quyền xã Phù Nham đã tập trung chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vận động hội viên tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; trong đó, chú trọng xây dựng các tổ hợp tác giúp nhau làm kinh tế.
"Qua 3 năm triển khai, Tổ hợp tác đã vận động được 15 hộ hội viên tham gia trồng trên 12 ha dưa hấu. Với ưu điểm cây khỏe, chống chịu bệnh tốt, cho quả đều, giá cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần trồng lúa” - bà Hoàng Thị Siêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phù Nham cho biết.
Cùng với xã Phù Nham, các xã, phường ở Nghĩa Lộ cũng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giúp người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng tại địa phương.
Điển hình như xã Nghĩa Lộ có trên 40 mô hình kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao và cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm/mô hình. Không chỉ nâng cao thu nhập, các mô hình phát triển kinh tế hiện còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã liên tục giảm qua các năm.
Giúp đỡ hộ nghèo xây dựng nhà ở, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo các xã, phường chủ động triển khai thống kê, rà soát, động viên các hộ nghèo phát huy nội lực gia đình, dòng họ và tiếp tục chủ động kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang trong và ngoài thị xã chung tay giúp đỡ hộ nghèo xây dựng nhà ở.
Điển hình như gia đình bà Lò Thị Son ở thôn Bản Khinh, xã Thanh Lương có hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều năm nay, hai mẹ con phải sống trong ngôi nhà tạm, kinh tế eo hẹp, chủ yếu trông chờ vào ít ruộng nước, nhân lực lao động không có.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, bà Son đã được Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Câu lạc bộ Nữ kinh doanh Mường Lò hỗ trợ trên 50 triệu đồng xây dựng ngôi nhà cấp 4 với diện tích 31m2 cùng sự giúp đỡ công lao động của nhân dân trong thôn. Từ sự hỗ trợ đó, năm 2022, bà Son đã vươn lên thoát nghèo.
Phong trào giúp đỡ các hộ nghèo làm nhà ở thời gian qua được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị ở thị xã Nghĩa Lộ triển khai sôi nổi, rộng khắp, góp phần giúp cho hàng trăm hộ nghèo có nhà ở. Đây cũng là cơ sở giúp thị xã Nghĩa Lộ thực hiện mục tiêu giảm 5,1% tỷ lệ hộ nghèo và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022.
Đặc biệt, thị xã còn quan tâm dành nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS, đặc biệt là đồng bào DTTS khu vực đặc biệt khó khăn, khu vực nông nghiệp.
Nhờ đó, công tác giảm nghèo ở Nghĩa Lộ năm vừa qua đạt được kết quả đáng khích lệ: đào tạo nghề cho 924 người, đạt 50,66% so với kế hoạch; giải quyết việc làm cho 1.050 người, đạt 52,5% kế hoạch; chuyển dịch 597 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đạt 51,5% kế hoạch; đã có 479 hộ thoát nghèo…
Thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo; tập trung hỗ trợ về kinh tế thông qua hỗ trợ về dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập; đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận để mỗi người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đẩy mạnh tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng chính sách, chương trình, dự án trong giai đoạn 2021 - 2025; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức cấp xã; tăng cường kiểm tra và kịp thời giải quyết kiến nghị của các xã, phường trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc...
Trần Ngọc