Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về công tác này trong nửa nhiệm kỳ qua.
P.V: Trong nửa nhiệm kỳ qua, Hội LHPN tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai công tác hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Hội LHPN tỉnh đã tăng cường chỉ đạo triển khai các cuộc vận động, các phong trào như: "Phụ nữ giúp nhau sáng tạo khởi nghiệp phát triển kinh tế”, "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”;... tập trung khai thác các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ cho hoạt động đạt hiệu quả; hỗ trợ hội viên phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế với nhiều hình thức như: vận động chị em thực hiện tiết kiệm để giúp nhau về vốn trong phát triển kinh tế; ủy thác tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên...
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm- Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái
Hội LHPN tỉnh đã tranh thủ vận động các nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ các mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Hàng năm, các cấp Hội LHPN đã tiến hành khảo sát, rà soát các hộ có hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn, khảo sát nguyên nhân nghèo để có kế hoạch giúp đỡ. Phong trào "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, hàng năm đã có 100% hộ nghèo có phụ nữ được các cấp hội giúp đỡ bằng các hình thức khác nhau, như: giúp nhau ngày công lao động, cây, con giống, tiền mặt không lấy lãi, tiếp cận vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, vận động nguồn lực làm nhà "Mái ấm tình thương”.
P.V: Vậy, kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Trong nửa nhiệm kỳ qua, các cấp hội LHPN đã giúp đỡ 1.922 hộ có phụ nữ thoát nghèo, cận nghèo. Đồng thời tiếp tục vận động, tuyên truyền thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho 867 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; vận động thành lập mới 25 hợp tác xã, 20 doanh nghiệp có phụ nữ tham gia quản lý; tiếp tục phát động và triển khai các hội thi "Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp”; đã có trên 60 ý tưởng tham gia cấp tỉnh và Trung ương, hiện nay đang có 2 ý tưởng tham gia dự thi cấp quốc gia.
Các Phong trào "Phụ nữ giúp nhau sáng tạo khởi nghiệp phát triển kinh tế”, "Phụ nữ làm kinh tế giỏi” được các cấp hội, Hội Nữ doanh nhân tích cực triển khai. Đến nay, toàn tỉnh có trên 7.670 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 200 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm. Điển hình như: Mô hình Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Minh Tiến, xã Y Can (Trấn Yên) do chị Nguyễn Thị Mến làm Giám đốc; Hợp tác xã chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương do chị Đoàn Thị Lương làm Giám đốc, Hợp tác xã Chế biến nông lâm sản xã Lang Thíp, huyện Văn Yên do chị Vũ Thị Linh Nhâm làm Giám đốc và nhiều hợp tác xã khác.
Các chị đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm tốt công tác giảm nghèo và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các mô hình đã phát huy các giá trị sản phẩm bản địa, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây trồng vật nuôi có năng suất, thu nhập cao vào sản xuất, từ đó nhân rộng ra địa bàn, tạo sức lan tỏa đến cộng đồng. Hiệu quả của mô hình được cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể và người dân đánh giá cao.
P.V: Xin bà cho biết, các cấp Hội LHPN trong tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả hơn việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phát huy nội lực, dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên thoát nghèo và huy động sự tham gia của cộng đồng, đa dạng các hình thức giúp, huy động sự tham gia của các hộ giàu, khá có vốn, có kinh nghiệm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; vận động hộ nghèo tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương trong việc tiếp nhận các nguồn lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thoát nghèo. Hỗ trợ học nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn, giới thiệu việc làm có thu nhập ổn định cho hội viên phụ nữ.
Duy trì có hiệu quả và nhân rộng mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, tích cực vận động phụ nữ đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giúp chị em tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên trong cuộc sống, từng bước nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
P.V: Trân trọng cảm ơn bà!
Thu Hạnh (thực hiện)