Gặp “cậu bé vàng” của Việt Nam
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/8/2007 | 12:00:00 AM
Trong suốt lễ bế mạc trao giải cuộc thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 48, Phạm Duy Tùng rất ít khi cười dù được vinh danh với tấm HCV danh giá. Gặp Tùng sau cuộc thi, trái với ấn tượng ban đầu, nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt thông minh cho biết “cậu bé vàng” là một người cởi mở...
Duy Tùng trong lễ trao giải.
|
Không cười vì là… chủ nhà
“Em không dám cười nhiều vì muốn thể hiện sự nghiêm túc của nước chủ nhà” - Tùng giải thích lý do cho vẻ nghiêm nghị của mình trong buổi lễ bế mạc và nhận HCV.
Mọi người thường gọi đùa Tùng là “bộ sưu tập giải thưởng” cũng không sai bởi những giải thưởng mà em đã giành được từ hồi tiểu học là kha khá, mà đặc biệt phần nhiều là giải nhì.
Tùng đến với Toán học từ năm lớp 4 khi thầy giáo tự nhiên gọi cậu vào đội tuyển học sinh giỏi của trường đi thi thi quận. Khi ấy Tùng đang học trường Đặng Trần Côn B (Thanh Xuân, Hà Nội). “Và đó là lần đầu tiên em được nhận giải nhì quận”.
Năm nào cũng thi và năm nào cũng đạt giải. Những giải nhì tới tấp đến với Tùng. Năm lớp 5 là giải nhì trong cuộc thi toán thành phố, lớp 7, 8 là giải nhì quận, đến lớp 9 lại là giải nhì thành phố…
Tốt nghiệp THCS, Tùng đỗ cả 3 trường THPT danh tiếng ở Hà Nội (Hà Nội - Ams, Khối chuyên Toán ĐH Sư phạm Hà Nội, Khối chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội). Cuối cùng, Tùng đã lựa chọn trường em đang học bây giờ là khối chuyên của ĐH Khoa học Tự nhiên.
Và đột phá đầu tiên, lần đầu tiên là trong cuộc thi Olympic Toán ở trường Hà Nội - Amstesdam năm lớp 10, Tùng đã đạt giải nhất. Năm nay, Tùng đã mang vinh quang về cho đất nước với tấm huy chương vàng đầy thuyết phục: “Trong 6 bài thi thì em giải trọn vẹn được 4 bài. Có 2 bài rất khó là bài 3 và bài 6. Bài số 6 thì sức em chưa giải được, nên em tập trung vào kiếm điểm ở bài số 3. Số điểm kiếm được đủ để em đạt HCV”.
HCV là kết quả hơn cả dự tính của Tùng nhưng là kết quả nằm trong mong muốn và quyết tâm của em. Vượt lên những “giải nhì” của chính bản thân mình, Tùng đã chinh phục được đỉnh cao của vinh quanh, em nói: “Em rất tự hào nhưng đó chưa phải là tất cả”.
Dự định trước mắt của Tùng sẽ là hoàn thành tốt năm học lớp 12, rồi em sẽ du học ở một trường đại học nào đó trên thế giới về chuyên ngành CNTT mà em yêu thích…
Môn học gì cũng mê
“Em học toán bằng niềm say mê. Nhưng ngoài toán ra em còn thích nhiều môn khác. Ví dụ địa lý, ngoại ngữ… vì nó là cánh cửa giúp em ra với thế giới”.
Sau những giờ “vật lộn” nghiêng ngả với những bài toán khó, Tùng cũng bắn game online như một xạ thủ điêu luyện. Các môn thể thao như: cầu lông, bóng bàn, cờ vua, bơi lội… nhất là tập tạ cái gì cũng biết, cũng khá.
Khác với vẻ nghiêm nghị trên “chiến trường”, vẻ hồn nhiên vô tư ở lớp, ở nhà Tùng là một ông anh trai rất tâm lý.
Nhà có 2 anh em, cậu em trai đang học lớp 7 và không khá toán bằng Tùng. Không ít lần cậu bé cảm thấy buồn, tủi thân vì hay bị mọi người đem ra so sánh với “ông anh tài giỏi”.
Nhưng Tùng có cách riêng để động viên cậu em mình: “Em luôn bảo em trai em rằng, em có những thế mạnh riêng và sẽ thành công bằng con đường, bằng sự nỗ lực và khả năng của nó”.
Hồn nhiên và tinh nghịch, nhưng Tùng đang ấp ủ rất nhiều dự định cho tương lai. Mong rằng sau này, Tùng cũng sẽ vẫn là “cậu bé vàng” của Việt Nam.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
“Nhờ công chị gái kèm cặp bài vở hồi bé cả đấy...” - người cha của thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Đăng Chuẩn ngập ngừng thổ lộ.
YBĐT - Ngược dốc cuốc bộ cả tiếng đồng hồ trên con đường đất trơn trượt, nhão nhoét nhưng Hải Yến vẫn xốc ba lô cùng những chiến sĩ Đội Tình nguyện cấp tỉnh số 4 trên con đường hành quân lên bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha, Mù Cang Chải…
YBĐT - Cùng với sự bùng nổ thông tin và sự phát triển vượt bậc của tiến bộ khoa học kỹ thuật, sự cạnh tranh của cơ chế thị trường thì một bộ phận không nhỏ người trẻ tuổi đang dần làm mai một lối sống tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của dân tộc Việt Nam mà điều đáng nói nhất là vấn đề giao tiếp trong lối sống hàng ngày.
Đôi khi để làm những điều cần thiết trong cuộc sống, con người ta luôn phải vắt kiệt sức mình. Tìm được giây phút bình yên, thanh thản cho tâm hồn không phải là điều dễ dàng, nhất là khi cả thế giới quanh ta đang cuốn vào một guồng quay không hạn định. Nhưng khó chứ không phải không thể.