Thủ khoa Văn bắt nguồn từ bài viết "Thủy Tinh"
- Cập nhật: Thứ tư, 8/8/2007 | 12:00:00 AM
Tình cờ, tình yêu môn Văn của Nguyễn Hồng Ngọc Lam và Nguyễn Đức Phú Thọ đều bắt nguồn từ những bài viết khi còn nhỏ như "Sơn Tinh Thủy Tinh", tả cảnh cây mai... Với 9,5 điểm, họ đã trở thành thủ khoa môn Văn kỳ thi đại học năm nay.
Nguyễn Hồng Ngọc Lam bên góc học tập của mình.
|
Nguyễn Hồng Ngọc Lam, THPT Trưng Vương, TP HCM và Nguyễn Đức Phú Thọ, THPT Thoại Ngọc Hầu, An Giang rất tự tin sau khi hoàn thành bài thi và nghĩ có thể đạt 8-8,5 điểm. "Em hơi bất ngờ với mức 9,5 nhưng thấy cũng xứng đáng vì đã dành cho Văn nhiều thời gian và tâm huyết", suy nghĩ này của Lam đồng điệu với Thọ.
Tình yêu Văn "di truyền" từ cha
Lam thi vào khoa Xã hội học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Em gần như không mất nhiều thời gian suy nghĩ khi làm môn Văn, với gần 4 tờ A4.
Lam bắt đầu học chuyên về văn từ năm lớp 9, từng đạt hai giải nhất thi học sinh giỏi Văn cấp quận và giải 3 cấp thành phố năm lớp 12. Điểm trung bình môn này từ THCS đến THPT thấp nhất là 8,4. Riêng năm lớp 12, em được 8,9.
Em cho rằng, có lẽ tình yêu môn này "di truyền" từ người cha. Ông cũng đam mê Văn từ nhỏ và là người cung cấp thường xuyên truyện, sách tham khảo về cho em. Nhưng niềm đam mê thực sự bột phát sau một bài văn tả cảnh lớp 4, được điểm cao và cô giáo đọc, khen trước lớp.
Lam tâm sự: "Hồi đó, đề bài tả cây mai Tết, em không phải suy nghĩ nhiều mà yêu thích nó ở điểm nào thì viết ra như thế. Sau đó, được cô khen viết tốt, gây xúc động. Tự nhiên em thấy yêu môn Văn hơn, vì thấy có thể gửi gắm suy nghĩ, tình cảm của mình trong đó". Lam đặc biệt yêu thích các tác giả Việt Nam, như: Tô Hoài, Nam Cao... và dường như phong cách ít nhiều ảnh hưởng những cây bút "nhà vườn" đó.
Cô Nguyễn Thị Hoàng Lan, dạy văn THPT và bồi dưỡng thi học sinh giỏi của Lam cũng cho rằng, cách viết của em rất chân phương. Tính cách cô học trò này thế nào thì văn như thế.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Lam cho biết, thi vào ngành Xã hội học nhưng mong muốn được học về Marketing "vì ngành này có thể vận dụng được khả năng văn chương, như lên ý tưởng thiết kế các chương trình quảng bá sản phẩm, viết slogan"...
Lam chuẩn bị thực hiện dự định của mình từ năm lớp 10, với việc theo học các lớp tiếng Đức để du học.
Chàng Thủy Tinh vượt lên chính mình
Nguyễn Đức Phú Thọ cũng yêu môn Văn từ một bài kiểm tra đạt điểm cao năm lớp 6. Khi cô giáo ra yêu cầu mỗi học sinh hóa thân vào một nhân vật trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh để kể lại truyện này, các bạn trong lớp đều nhận "vai" Vua, Sơn Tinh hoặc Mỵ Nương, chỉ có Thọ chọn Thủy Tinh và đạt điểm 8, cao nhất, được cô khen sáng tạo.
Nguyễn Đức Phú Thọ bên 1 cô bạn cùng học. |
Thọ ở thành phố Long Xuyên, là thành viên của lớp chuyên Văn, THPT Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang. Mẹ mất khi vừa tốt nghiệp THCS, cả nhà lo Thọ buồn, ảnh hưởng tới việc học. Nhưng Thọ đã cố gắng vượt qua những cảm xúc bi lụy, quyết tâm thi vào trường chuyên. Em còn thuyết phục được cha cho mình học về Văn, giúp cha thay đổi quan niệm những người theo Văn sẽ vất vả, khó ổn định, con trai dễ mềm yếu. Và những năm THPT, cũng như các năm THCS, điểm trung bình môn Văn của em không khi nào dưới 8,3.
Thọ mê đọc sách, và từ nhỏ đã mê truyện chữ hơn truyện tranh, tuần nào cũng mượn thư viện 2 cuốn. Thọ cho rằng, kiến thức văn học giúp em có vốn từ phong phú và linh hoạt, tự tin hơn khi giao tiếp với bạn bè, xã hội. Và em quyết định thi vào Khoa Sư phạm, ĐH An Giang, với tâm nguyện là có thể đứng lớp, truyền giảng về những bài văn hay, như cô giáo dạy em suốt 3 năm THPT. Em còn định trong quá trình học ĐH, sẽ tìm hiểu thêm về nghề báo để có thể viết bài cộng tác với các báo, phát huy hơn khả năng viết của mình.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Có điều gì đấy kỳ diệu ở những phút mới thức giấc. Ngày mới đem đến sự khởi đầu tươi mới, một cơ hội để làm điều tốt đẹp, để ngắm thế giới bằng cặp mắt trong trẻo hoặc “mới” hơn, để trò chuyện cùng nhau bằng giọng nói “mới” và thực hiện những gì mang tính tích cực.
Họ là năm đồng thủ khoa của ĐH Huế với điểm 29,5, cùng chọn vào ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược.
Thả một hòn sỏi vào trong nước: một tiếng bắn toé lên, rồi chìm nghỉm. Nhưng để lại vô số gợn sóng lăn tăn xoay tròn. Lan toả từ trọng tâm, tràn ra biển cả.
Trong suốt lễ bế mạc trao giải cuộc thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 48, Phạm Duy Tùng rất ít khi cười dù được vinh danh với tấm HCV danh giá. Gặp Tùng sau cuộc thi, trái với ấn tượng ban đầu, nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt thông minh cho biết “cậu bé vàng” là một người cởi mở...