Gương mặt thủ khoa Đại học Huế: Học giỏi để cứu người
- Cập nhật: Thứ hai, 6/8/2007 | 12:00:00 AM
Họ là năm đồng thủ khoa của ĐH Huế với điểm 29,5, cùng chọn vào ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược.
Đặng Như Thành
|
Trong số đó có ba người là bạn thân cùng học ở Trường THPT Quốc học, Huế, một cậu trò nghèo ở Hội An (Quảng Nam) và một học sinh giỏi của Trường Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi). Cả năm thủ khoa đều chung một ý nguyện: làm bác sĩ để cứu người.
Bộ ba Nguyễn Khánh Huy, Cung Văn Dũng và Đặng Như Thành, cùng học chung Trường THPT Quốc học, Huế. Trong đó Huy học lớp 12 chuyên toán, còn Dũng và Thành cùng học lớp 12/1.
Họ kết thân nhau từ lâu, sau rất nhiều lần cùng đọ sức trong các cuộc thi học sinh giỏi: thi học sinh giỏi toán, thi máy tính bỏ túi cấp thành phố, tỉnh, và quốc gia.
Và cả ba đều “chia nhau” hàng chục giải thưởng lớn trong các cuộc thi ấy. Họ cho biết ngoài khối B vào ĐH Y dược, bộ ba còn thử sức thêm khối A, và Huy đã đứng thứ ba ngành toán ĐH Sư phạm Huế với 27,5 điểm; Thành thủ khoa của khối A Trường ĐH Kinh tế Huế với 27,5 điểm; Dũng thì đậu ĐH Bách khoa TP.HCM với 28 điểm.
Các thủ khoa đều có chung một phương pháp học tập: “Tự học, học chắc, dứt điểm từng vấn đề. Tập trung học vào những lúc cảm thấy hứng thú nhất, học liền mạch những vấn đề khó, và đừng thức quá khuya”.
Thủ khoa Trần Đức Chánh, lớp 12 C1 Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi, cũng chia sẻ cách học giỏi tương tự. Chánh nói trong học tập nếu mình không chịu khó tư duy, tự lực vươn lên thì khó có kết quả học tập tốt được. Trong đợt thi này Chánh đạt luôn á khoa Trường đại học Sư phạm Huế (khối A ngành sư phạm hóa) với 28 điểm.
Năm chàng trai quả quyết sẽ chọn ngành y dù vẫn có nhiều cơ hội khác. Nguyễn Khánh Huy tâm sự: “Mình sống ở vùng biển Điền Hải bên kia phá Tam Giang, y tế thiếu thốn mọi bề, nhất là bác sĩ. Từ nhỏ, mình bị ám ảnh khi nhiều lần chứng kiến cảnh chết người trên đường đưa đi cấp cứu do không điều trị tại chỗ được”. Đó là lý do để Huy quyết theo ngành bác sĩ. Cung Văn Dũng, Đặng Như Thành, Trần Đức Chánh thì muốn nối nghiệp của bố hoặc mẹ bởi ý nghĩa sâu xa của hai từ “y đức”.
(Theo TTO)
Các tin khác
Thả một hòn sỏi vào trong nước: một tiếng bắn toé lên, rồi chìm nghỉm. Nhưng để lại vô số gợn sóng lăn tăn xoay tròn. Lan toả từ trọng tâm, tràn ra biển cả.
Trong suốt lễ bế mạc trao giải cuộc thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 48, Phạm Duy Tùng rất ít khi cười dù được vinh danh với tấm HCV danh giá. Gặp Tùng sau cuộc thi, trái với ấn tượng ban đầu, nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt thông minh cho biết “cậu bé vàng” là một người cởi mở...
“Nhờ công chị gái kèm cặp bài vở hồi bé cả đấy...” - người cha của thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Đăng Chuẩn ngập ngừng thổ lộ.
YBĐT - Ngược dốc cuốc bộ cả tiếng đồng hồ trên con đường đất trơn trượt, nhão nhoét nhưng Hải Yến vẫn xốc ba lô cùng những chiến sĩ Đội Tình nguyện cấp tỉnh số 4 trên con đường hành quân lên bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha, Mù Cang Chải…