Nhật ký lòng sau tình nguyện
- Cập nhật: Thứ năm, 9/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những ngày hè xanh đã đi qua, lại trở về với nhịp sống giảng đường quen thuộc. Nhưng khi bước chân đã không dừng lại ở giảng đường, những tình nguyện trẻ hôm nào thấu hiểu biết bao điều chưa từng có trong sách vở.
Nữ thanh niên tình nguyện.
|
Cặm cụi và tỉ mẩn gọt từng thanh tre làm đũa cả, làm cán muôi… dậy sớm hơn cả đội lo bữa sáng cho anh em, tôi biết, cậu sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Yên Bái ấy không phải là một “công tử” khi ở gia đình. Nhưng với Vũ thì: “Mình vẫn thật hạnh phúc hơn rất rất nhiều người.
Không thể hình dung nổi bữa cơm của họ chỉ có cơm với muối và ớt mà vẫn ăn rất ngon lành. Mà không phải chỉ có một vài bữa. Còn nhớ anh Bí thư Huyện Đoàn Mù Cang Chải Giàng A Tông bảo, lên bản sẽ là khổ lắm đấy. Nhưng khổ thế nào bằng được người dân”. Rồi tôi đã gặp ánh mắt dõi theo lũ trẻ nhẩn nha chơi ở sân trường thật lâu, thật thật lâu của Văn Ngọc Phương - cậu tình nguyện được lũ trẻ quý mến nhất. “Mấy đứa trẻ cứ quẩn quanh với chỉ từng ấy trò chơi: ô quan, lò cò, chơi âm. Mấy đứa bé gái còn cặm cụi se vải nữa. Hôm trước chúng chơi thế, hôm nay chúng chơi thế và hẳn những ngày mai vẫn chơi thế!” - tôi đọc tiếp trong mắt cậu những điều phải nghĩ, ít ra cũng là về mấy đứa em nhỏ ở nhà. “Bọn trẻ nơi này thật khác! Không biết đến bao giờ chúng biết đến các trò xe lửa, đu quay...”.
Con đường đất lên bản những hôm mưa trơn lắm, thế mà thằng Lu hôm nào cũng đi học, không phải học ở bản, nó xuống tận xã. Chân đất. Mảnh áo mưa che mỗi từ cổ xuống. Đầu trần. Nó cứ băm băm chạy xuống con đường xuôi dốc. Như chực ngã. Mà có lúc ngã đấy. Nhưng nó quen. Cái tay lại chống ngay được xuống đất. Lại đứng dậy. Lại chạy. “Em phục nó, lại vừa thấy tội tội”. Ừ, đấy đâu phải là hình ảnh mà riêng Chinh nhớ mãi, lại càng không phải suy nghĩ của riêng Chinh. Hình như cô tình nguyện ấy tìm mua cho nó đôi dép mới để thay đôi đã đứt gần hết rồi. “Tụi em lại không thể thôi nghĩ về 6 anh em gia đình hôm đến cắt tóc”.; Hai đứa bé nhất ngoan ngoãn ngồi cho các anh chị cắt tóc. Riêng thằng lớn nhất định không. Nó mải mốt làm gì đó. Rồi đứa anh cả ấy, lưng gùi bề, mấy củ sắn bên trong. Tay dắt đứa bé thứ ba, cậu thứ hai lẽo đẽo theo sau. Chúng đi. “Là đi lên nương đấy”. Mẹ chúng bảo thế. “Thấy mà cay cay sống mũi. Bằng tuổi nó: em chơi”. Quảng, cậu tình nguyện nhà bên Lào Cai từng đứng trân trân nhìn anh thanh niên bản địa gùi tấm ngói brôximăng lên bản. Quảng biết, là họ để lợp nhà. “Cho một mái nhà, sẽ phải cần mẫn rất nhiều đợt lên xuống. Ở đây, chỉ để thay đổi ngói lợp nhà, công sức người dân bỏ ra cũng thật nhiều, thật vất vả, thật không đơn giản!”. Còn Trang, không nói nhưng tôi hiểu trong mắt cô tình nguyện không sinh ra ở đây nhưng từng học ở nơi này một điều của tương lai sau những ngày tình nguyện: Đất này, sẽ là nơi làm việc sau ngày tốt nghiệp của cô sinh viên sư phạm, như một mong muốn có thể thay đổi một điều gì đó cho những điều mà những ngày tình nguyện em thấm thía hơn bao giờ hết…
Còn nhớ, ngày xuất quân, Bí thư Hoàng Hữu Độ tâm sự: “Các bạn sẽ thấy những ngày tình nguyện là môi trường thiết thực nhất để tự rèn luyện bản thân!”. Giờ thì những tình nguyện trẻ đã thấu. Ngày đi, ba lô mang nặng một nhiệt huyết vì cộng đồng của sức trẻ. Ngày về, vẫn mũ tai bèo, vẫn áo xanh, vẫn sức xuân thanh trẻ nhưng hình như em rắn rỏi hơn, chững chạc hơn, tự lập được nhiều hơn. Em nghĩ nhiều hơn, để sẽ làm nhiều hơn . Tôi sẽ không nghi ngờ điều đó!
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt tròn, đôi mắt sáng, nụ cười xinh xắn, dễ mến, bạn Phạm Hồng Phượng, Chi đội 7A, Liên đội trưởng Liên đội Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Yên Bái) đã thực sự chinh phục mọi người bằng một bảng thành tích thật đáng nể.
Tình cờ, tình yêu môn Văn của Nguyễn Hồng Ngọc Lam và Nguyễn Đức Phú Thọ đều bắt nguồn từ những bài viết khi còn nhỏ như "Sơn Tinh Thủy Tinh", tả cảnh cây mai... Với 9,5 điểm, họ đã trở thành thủ khoa môn Văn kỳ thi đại học năm nay.
Có điều gì đấy kỳ diệu ở những phút mới thức giấc. Ngày mới đem đến sự khởi đầu tươi mới, một cơ hội để làm điều tốt đẹp, để ngắm thế giới bằng cặp mắt trong trẻo hoặc “mới” hơn, để trò chuyện cùng nhau bằng giọng nói “mới” và thực hiện những gì mang tính tích cực.
Họ là năm đồng thủ khoa của ĐH Huế với điểm 29,5, cùng chọn vào ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược.