Chân dung nhà vô địch Rung chuông vàng năm thứ nhất
- Cập nhật: Thứ năm, 16/8/2007 | 12:00:00 AM
Thông minh, điềm tĩnh, sống khá khép kín, Lê Trung Đạo gợi ấn tượng về một sinh viên thực sự ham học và hiểu biết. Cậu sinh viên năm thứ 3, khoa CNTT, ĐH Bách khoa Hà Nội này đã trở thành nhà vô địch của chương trình Rung Chuông Vàng năm thứ nhất.
Lê Trung Đạo với niềm vui chiến thắng.
|
Tại cuộc thi Rung Chuông Vàng của trường, Đạo đã dừng cuộc chơi tại câu hỏi số 19. Nhưng như thế đã đủ để Đạo có cơ hội đại diện cho ĐHBK Hà Nội tham dự trận chung kết.
Trước khi bước vào “trận đấu” quyết định để tìm ra chủ nhân của phần thưởng trị giá 40.000 USD, Đạo chuẩn bị chiến thuật riêng của mình.
Mới nghe có vẻ như không thật, vì "đây là cuộc thi kiến thức, không biết câu hỏi, làm sao chuẩn bị được chiến thuật?".
Đạo tủm tỉm nói: “Cuộc thi này cũng giống như một cuộc chạy marathon chuyên nghiệp. Đó thực sự là “đòn cân não” về kiến thức, sự tính toán và sức khoẻ”.
Trong suốt buổi thi, Đạo chỉ ăn bánh mì, uống nước lọc và nhai kẹo café để giữ tỉnh táo.
Một điều tạo nên thành công của Đạo trong đêm chung kết là sự quyết đoán. Khi nghe xong câu hỏi, Đạo có thể nghĩ đến vài phương án trả lời. Nhưng bao giờ cũng vậy, Đạo luôn chọn câu trả lời đầu tiên xuất hiện trong đầu.
Chính Đạo cũng đã bị loại ra ngoài ở trận chung kết này. Nhưng đến khi được các thầy cô giáo “cứu trợ”, Đạo lại quay trở lại quỹ đạo tiến bước.
Đến câu 28, khi trên sàn thi đấu chỉ còn lại 2 người, khi chức vô địch có thể lọt vào tay, cũng có thể vụt mất, chưa bao giờ Đạo bình tĩnh như thế. Là một câu hỏi liên quan đến lĩnh vực Toán học – lĩnh vực Đạo không “mặn mà” cho lắm, nhưng câu trả lời của Đạo đã đánh bật đối thủ duy nhất.
Thành tích học tập của Đạo không quá nổi bật. Thành tích lớn nhất là giải Nhì cấp tỉnh môn Văn, Toán khi học lớp 5. Từ đó trở đi, cậu học trò trường huyện cứ học tập đều đều, kết quả không có gì đột biến.
Nhưng, cái khác biệt ở cậu là một người cần cù, có ý chí và ham học hỏi. Đạo có thể đạp xe 40km trong một ngày để đi học, bất kể trời nắng hay mưa. Thậm chí, để “phục vụ” cậu em trai năm nay thi ĐH, Đạo đã quyết định không ở trọ trên Hà Nội mà sẽ ở nhà để dạy em học. Điều đó cũng có nghĩa là hàng ngày, Đạo phải vượt qua chặng đường 40km cả đi lẫn về để vừa đảm bảo việc dạy em, vừa đảm bảo việc học của mình ở trường ĐH.
Bố mẹ Đạo đều là cán bộ nhà nước. Bố Đạo tham gia công tác ở Binh đoàn Tây Nguyên suốt 18 năm, còn mẹ là kỹ sư Thuỷ lợi làm việc tại huyện Quốc Oai.
Cuộc sống thường ngày, Đạo cũng như bao bạn bè khác: Thích nghe nhạc, xem phim, chơi thể thao, thích đi du lịch, biết nấu ăn và đặc biệt là mê Rock. Đạo có thể nghe Rock ở bất kì chỗ nào, có thể tìm đến nhiều quán Café Rock để thưởng thức, tham gia các rockshow để tận hưởng và thoả mãn niềm đam mê.
Một điều thú vị là cũng chính vì đam mê Rock, thần tượng ca sĩ Trần Lập nên Đạo đã đăng ký tham gia Rung Chuông Vàng. Đạo đã thuộc bài hát này từ rất lâu trước khi chính thức tham dự cuộc thi.
Hiện tại, Đạo vẫn chưa lên kế hoạch “xử lý” số tiền thưởng 40.000 USD. Trước mắt, Đạo không có ý định du học với phần thưởng của chương trình mà sẽ tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành một kỹ sư Công nghệ thông tin.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Những ngày hè xanh đã đi qua, lại trở về với nhịp sống giảng đường quen thuộc. Nhưng khi bước chân đã không dừng lại ở giảng đường, những tình nguyện trẻ hôm nào thấu hiểu biết bao điều chưa từng có trong sách vở.
YBĐT - Dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt tròn, đôi mắt sáng, nụ cười xinh xắn, dễ mến, bạn Phạm Hồng Phượng, Chi đội 7A, Liên đội trưởng Liên đội Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Yên Bái) đã thực sự chinh phục mọi người bằng một bảng thành tích thật đáng nể.
Tình cờ, tình yêu môn Văn của Nguyễn Hồng Ngọc Lam và Nguyễn Đức Phú Thọ đều bắt nguồn từ những bài viết khi còn nhỏ như "Sơn Tinh Thủy Tinh", tả cảnh cây mai... Với 9,5 điểm, họ đã trở thành thủ khoa môn Văn kỳ thi đại học năm nay.
Có điều gì đấy kỳ diệu ở những phút mới thức giấc. Ngày mới đem đến sự khởi đầu tươi mới, một cơ hội để làm điều tốt đẹp, để ngắm thế giới bằng cặp mắt trong trẻo hoặc “mới” hơn, để trò chuyện cùng nhau bằng giọng nói “mới” và thực hiện những gì mang tính tích cực.