Thạc sĩ tuổi 20
- Cập nhật: Thứ hai, 11/2/2008 | 12:00:00 AM
Mới 20 tuổi, nhưng Nguyễn Hải Ly đã chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ của ĐH Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ.
Hải Ly rất yêu trẻ.
|
Cuối năm 2003, khi mới học lớp 10 tại trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) được 3 tháng thì Hải Ly theo ba mẹ sang Moscow (LB Nga). Do Hải Ly được tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ khi còn rất nhỏ nên gia đình đã cho cô học tại trường International School Tomorrow - một trường quốc tế của Mỹ tại thủ đô nước Nga.
Khi vào trường, căn cứ theo độ tuổi, Hải Ly được xếp vào học lớp 9. Tuy nhiên sau khi xem qua chương trình, "em đã lên gặp trực tiếp hiệu trưởng và bày tỏ mong muốn được học lớp cao hơn", Hải Ly nhớ lại. Lúc đó vị giáo sư người Mỹ đã khá ngỡ ngàng trước một học sinh châu Á nhỏ xíu mà tự tin đến vậy. Cuối cùng, ông cũng đồng ý để Hải Ly học lớp 10 với điều kiện phải hoàn thành 24 pace (tương đương 24 tín chỉ) của chương trình lớp 9. Và Hải Ly đã nhanh chóng vượt qua các bài test đó.
Chương trình trung học của trường International School Tomorrow bao gồm 124 pace. Kết thúc mỗi pace có 3 bài test nhỏ và 1 bài test lớn. Thông thường, mỗi học sinh chỉ hoàn thành từ 2-3 pace/tuần nhưng với Hải Ly thì chừng đó quá ít. "Do hứng thú với phương pháp giảng dạy mà ở đó giáo viên chỉ là người hướng dẫn, học sinh phải tự học, tự nghiên cứu nên hằng tuần em dễ dàng vượt qua 12 pace với 48 bài test", Hải Ly kể. Cứ như vậy, chỉ sau 1 năm, khi mới 16 tuổi Hải Ly đã hoàn thành chương trình trung học với số điểm trung bình 99,75/100 - một kết quả cao chưa từng có trong lịch sử 10 năm hoạt động của trường International School Tomorrow tại Moscow.
Khi được hỏi về bí quyết học tập, Hải Ly đáp ngay: "Em chẳng có bí quyết gì cả, chỉ học với khả năng của mình. Nói thật, kết quả trên có được là nhờ một phần vào sự... cay cú". Hải Ly kể tiếp: "Là trường quốc tế nên học sinh đến từ 25 quốc gia trên thế giới. Trước khi em vào học, chưa có học sinh châu Á nào dẫn đầu kết quả học tập của trường. Trong mắt học sinh các nước khác, học sinh châu Á rất bình thường. Tự nhiên em có cảm giác mình phải làm một cái gì đó để thay đổi suy nghĩ trên". Không chỉ là người thay đổi quan niệm của học sinh trong trường với thành tích học tập đáng nể, đầu năm 2004 Hải Ly còn được mời tham gia Hội nghị Lãnh đạo trẻ toàn cầu do Mỹ tổ chức với tư cách là đại diện cho học sinh, sinh viên LB Nga.
Năm 2004, Hải Ly trúng tuyển ngành Quản trị kinh doanh trường Touro (trường Đại học của Mỹ tại Nga). Vừa học được một học kỳ và hoàn thành trước 6 môn học thì Hải Ly phải theo gia đình về nước. Trở về Việt Nam, Hải Ly vượt qua kỳ thi IELTS của Hội đồng Anh với số điểm 7,0 và được nhận vào học tại Đại học RMIT Việt Nam (có chương trình đào tạo tương đương Touro). Do được miễn một số môn đã học tại Nga nên thời gian học tập ở RMIT của Hải Ly được rút ngắn chỉ còn hơn 2 năm. Ngày ấy, hình ảnh một sinh viên Việt Nam thường xuyên tranh luận "tới bến" với các giáo sư của RMIT không còn xa lạ và điểm học lực của Hải Ly được xếp vào top 15% của sinh viên RMIT toàn cầu.
Không dừng lại đó, cuối năm 2006, ngay khi vào làm việc tại Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), Hải Ly tiếp tục theo học thạc sĩ chuyên ngành Tài chính ngân hàng của chương trình hợp tác đào tạo giữa ĐH Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ và trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Chỉ vài tháng nữa Hải Ly sẽ hoàn tất chương trình thạc sĩ, nhưng "em đang suy nghĩ xem có nên học tiếp để lấy bằng tiến sĩ hay không. Thú thực là em vẫn ưu tiên phương án vừa học vừa làm. Biết đâu trong tương lai em sẽ trở thành một CFO (giám đốc tài chính) trẻ nhất Việt Nam", Hải Ly tự tin cho biết.
(Theo TTO)
Các tin khác
YBĐT - Tôi đã một phen hú vía khi vào thăm trang trại của anh với con đường đất ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, toàn dốc cao và dựng đứng. Ấy vậy mà với “con ngựa sắt" Loncin, chàng thanh niên dáng người dong dỏng, nước da ngăm đen ấy vẫn ngày đêm lên chăm sóc đồi quế.
YBĐT - Với trên 23.700 đoàn viên, thanh niên, Huyện Đoàn Văn Chấn (Yên Bái) đã phát huy sức mạnh tập hợp đoàn kết tuổi trẻ, xây dựng và triển khai các phong trào thi đua rộng khắp, góp phần xây dựng quê hương.
YBĐT - Năm 2007, đánh dấu một năm của Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Yên Bái hoạt động sôi nổi và đạt nhiều kết quả cao nhất từ trước đến nay nhờ những nỗ lực trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên lao động sáng tạo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Thầy Trần Hoài Linh, hiện là thầy giáo, Phó Trưởng khoa Điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội, được phong tặng chức danh PGS vào năm 2007, khi 33 tuổi. Vậy anh đã phải làm việc và lao động miệt mài như thế nào để "chạy đua" với thời gian ngắn ngủi, đạt được các tiêu chuẩn xét phong chức danh PGS ở tuổi 33?