Khởi sắc Phù Nham

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/1/2018 | 1:46:50 PM

YBĐT - Việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp ở Phù Nham đang có chiều hướng tích cực, công tác chuyển dịch giống cây trồng được đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung.

Nông dân thôn Bản Chanh làm đường giao thông nông thôn.
Nông dân thôn Bản Chanh làm đường giao thông nông thôn.

Sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí, tháng 10/2016, Phù Nham là xã đầu tiên của huyện Văn Chấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Phát biểu tại buổi lễ đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phù Nham tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp trên, khai thác triệt để mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có kế hoạch với lộ trình, bước đi và giải pháp hợp lý trong phát triển sản xuất, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nhằm tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, phấn đấu xây dựng xã Phù Nham ngày càng giàu đẹp, dân chủ, văn minh và nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Kể từ đó, cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong xã đã không ngừng phấn đấu, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Phùng Văn Đồng: "Đến nay quy hoạch tổng thể của xã được điều chỉnh đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn; kết cấu hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư. Trong năm 2017, tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án và huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân được hàng trăm triệu đồng tiền mặt, hàng ngàn lượt ngày công, phương tiện vận tải để làm mới 2,8km đường giao thông tại các thôn bản: Bản Khộn - Cốc Củ, bản Năm Hăn 3, Bản Ó, Bản Chanh; mở mới được 1,9km đường giao thông nông thôn, rải cấp phối 3,4km đường trục thôn, tu sửa được trên 3,6km đường giao thông các loại. Nhiều công trình thủy lợi được quan tâm tu sửa đảm bảo phục vụ sản xuất; hạ tầng điện lưới quốc gia không ngừng được quan tâm đầu tư nâng cấp, số hộ được dùng điện đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đạt 98,7%; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng toàn bộ đường làng ngõ xóm tại 04 thôn bản do nhân dân tự đóng góp kinh phí...".

Đi dọc trục đường chính đã được trải nhựa, nối vào nó là các nhánh đường bê tông rẽ về 18 thôn bản mới thấy hết sự khởi sắc của vùng quê trên đà đổi mới. Nhiều ngôi nhà xây mọc lên với đủ kiểu dáng: nhà sàn dân tộc Thái, nhà vườn và thấp thoáng vài biệt thự cao tầng hiện đại. Hai bên đường ngút ngát màu xanh của ngô đông, rau màu các loại.
 
Việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp ở Phù Nham đang có chiều hướng tích cực, công tác chuyển dịch giống cây trồng được đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung. Tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm là 575,2ha thì đã có trên 100ha thực hiện dự án cánh đồng một giống với giống lúa Séng Cù bản địa chất lượng cao.
 
Nếu so với năm 2016, diện tích lúa có giảm 12,8ha do chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như: dưa lê, dưa hấu, chanh, quất... Nhất là đã trồng được 5 ha bưởi da xanh, bưởi Diễn trên diện tích đất cải tạo vườn tạp, đưa tổng diện tích cây ăn quả đạt 50,85ha. Riêng cây ngô diện tích gieo trồng thực hiện 397,1ha, sản lượng đạt 1.429,6 tấn nhưng giá trị thương phẩm thì cao hẳn vì bắp hạt lẫn thân cây đều có thị trường tiêu thụ. Với thế mạnh nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò, Phù Nham đang hướng tới xây dựng vùng chuyên canh với thương hiệu rau sạch.
 
Cây rau màu hiện có khoảng 110ha, sản phẩm cung cấp cho thị xã Nghĩa Lộ, các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Xã đã và đang triển khai xây dựng 01 mô hình liên kết trồng rau sạch tại bản Noong Ỏ với diện tích ban đầu là 1ha theo mô hình liên kết "bốn nhà" do Doanh nghiệp kinh doanh chuỗi siêu thị Cường Thanh đầu tư và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Cách làm này cũng góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.
 
Một số mô hình tiêu biểu được người dân trong xã biết đến và học tập như trang trại nuôi 40 con bò 3B của ông Hoàng Đình Huy ở thôn Suối Quẻ; trang trại ngót ngàn con vịt trời của anh Hà Mạnh Toàn, Nguyễn Văn Hảo ở Bản Quân; mô hình nuôi cá với diện tích vài héc-ta của các ông Nguyễn Văn Duyên, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Cường. Vì thế mà tổng đàn trâu trong xã đã có 1.186 con, bò 219 con, tổng đàn lợn 4.341 con cùng gia cầm, thủy cầm ước khoảng 46.000 con.
 
Năm vừa qua, thu nhập bình quân đầu người cũng được nâng lên, đạt trên 26 triệu đồng/năm, tăng trên 4 triệu đồng so với năm 2016. An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, công tác xóa đói giảm nghèo luôn đạt kết quả đáng phấn khởi, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,03% (giảm 1,77% so với năm 2016), tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên luôn đạt trên 90%.

Ở Phù Nham, không người dân nào là không nhớ quê mình đã từng là nơi đặt trụ sở của Khu ủy Tây Bắc từ tháng 11/1953 đến cuối năm 1954. Cũng ở đây văn công quân đội đã khai thác điệu múa sạp truyền thống của người Mường, người Thái mà nâng lên tầm nghệ thuật thành điệu múa nổi tiếng trong ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.
 
Chính vì thế hoạt động văn hóa, nghệ thuật trở thành nếp và nhu cầu thường xuyên của nhân dân. Do vậy, địa phương rất chú ý xây dựng các thiết chế văn hóa. Hầu hết các thôn bản đều có nhà sinh hoạt cộng đồng và đều do nhân dân tự nguyện đóng góp đầu tư nâng cấp. Đây là nơi sinh hoạt đoàn thể, tổ chức tuyên truyền về nông thôn mới, giao lưu thể thao, văn nghệ...
 
Cũng trong năm 2017 vừa qua, đã có 1.850 hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa, đạt 88,7%; tổ chức ra mắt 2 làng văn hóa giai đoạn 2017 - 2019 và đã có 15/18 thôn bản được công nhận Làng Văn hóa. Đi liền với đó, công tác xã hội hóa giáo dục không ngừng được phát huy.
 
Cơ sở vật chất của các đơn vị trường học trên địa bàn xã tiếp tục được chỉnh trang đảm bảo khang trang; duy trì 02 đơn vị trường mầm non và tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên, duy trì xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đạt chuẩn giáo dục THCS, tỷ lệ học sinh học hết bậc THCS học lên THPT và đào tạo nghề đạt trên 81%.

Rời Phù Nham, ấn tượng sâu đậm trong tôi là phong cách làm việc của lớp cán bộ trẻ đầy năng lực. Đó là các anh Phùng Văn Đồng - Chủ tịch UBND; Bí thư Đảng ủy xã Quách Xuân Thưởng; Phó chủ tịch UBND xã Lò Tiến Hoàn... Những công bộc của dân ấy đã và đang hết mình cho sự nghiệp XDNTM. Họ đang cùng toàn thể nhân dân tiếp tục chung tay tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng xã đạt chuẩn NTM, tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu.

Thế Quynh 

Các tin khác
Nhân dân xã Phú Thịnh tham gia bê tông hóa giao thông nông thôn.

YBĐT - Làng quê đổi mới, cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang, sản xuất phát triển không ngừng, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên. Đó là những thành quả mà người dân Phú Thịnh, huyện Yên Bình đã và đang được hưởng nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây xây dựng nên.

YBĐT - Mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và huyện Trấn Yên đạt huyện NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

YBĐT - Năm 2017, huyện Văn Chấn huy động và tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư từ trung ương, địa phương cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) với tổng số kinh phí đầu tư gần 33 tỷ đồng.

Nhân dân xã Hoàng Thắng, chăm sóc rau màu vụ đông.

YBĐT - Đến nay Hoàng Thắng đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục