Cái được lớn nhất trong thực hiện Chương trình XDNTM ở Văn Chấn trong những năm qua không phải là 5 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) mà chính là sự vào cuộc của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; đặc biệt, có sự vào cuộc của "4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông).
Nhận thức của người dân về chương trình XDNTM đã có sự thay đổi mạnh mẽ, người dân đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia XDNTM. Người dân đã tích cực đóng góp ý kiến tham gia vào việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đóng góp tiền, ngày công và hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở; chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình; bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới, giao thông đi lại thuận lợi hơn, tỷ lệ đường bê tông hóa tăng lên rõ rệt. Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân.
Bên cạnh đó, Văn Chấn cũng đã biết khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế riêng của mình như cánh đồng Mường Lò để sản xuất lúa gạo hàng hóa. Phát triển đa dạng các loài cây trồng, vật nuôi, trong đó có một số loại đặc sản như: chè Suối Giàng, cam thị trấn Nông trường Trần Phú, gạo nếp Tú Lệ... mang lại hiệu quả cao.
Tổng nguồn vốn huy động trong XDNTM năm 2017 đạt gần 33 tỷ đồng, trong đó vốn dành cho xây dựng cơ bản trên 26 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn xã NTM là Đại Lịch, Phù Nham, Thượng Bằng La, Thanh Lương, Nghĩa Tâm; 14/28 xã đạt từ 5-10 tiêu chí, 7/28 xã đạt từ 10 - 18 tiêu chí, số xã đạt dưới 5 tiêu chí chỉ còn 2 xã.
Cái tưởng như khó khăn nhất là mạng lưới giao thông thì sau 6 năm triển khai thực hiện, Văn Chấn đã làm nên một mạng lưới giao thông khá hoàn thiện đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Toàn huyện có 574,86 km đường giao thông nông thôn, đến nay đã bê tông hóa được 120,26 km, rải cấp phối 186,35 km, đường mở mới 179,85 km. Đến hết năm 2017 có 13/28 xã đạt tiêu chí về giao thông.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn vui mừng cho biết: "Cái được lớn nhất trong XDNTM là bộ mặt nông thôn các xã được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Trong sản xuất, đã xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao như vùng lúa, vùng chè, vùng cây ăn quả. Hình thành nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm từ vùng thấp đến vùng cao, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo”.
Đặc biệt, năm qua, Văn Chấn đã tổ chức thực hiện mô hình cánh đồng một giống với quy mô 100 ha (xã Thanh Lương 60 ha và Phù Nham 40 ha) bằng giống lúa thuần chất lượng cao Séng cù. Việc xây dựng mô hình cánh đồng một giống tại cánh đồng Mường Lò là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán và trình độ canh tác của người dân địa phương.
Mặc dù, đây mới là năm đầu triển khai với diện tích 100 ha ở 8 thôn, bản của 2 xã cùng 369 hộ tham gia, nhưng đã đạt được những thành công nhất định, năng suất toàn mô hình đạt trên 50tạ/ha, tổng thu nhập đạt 55 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng các giống lúa khác 8 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn là mô hình giúp người dân tiếp xúc với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa.
Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2018 Văn Chấn phấn đấu có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Hạnh Sơn, Tân Thịnh, Chấn Thịnh; số xã đạt từ 8 đến 10 tiêu chí là 6 xã, số xã đạt 10 tiêu chí trở lên là 16 xã. Giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí ở 5 xã đạt chuẩn NTM.
Để đạt mục tiêu này, huyện chỉ đạo các xã: Hạnh Sơn, Tân Thịnh, Chấn Thịnh hoàn thiện những tiêu chí đang triển khai; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nông dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua XDNTM. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về XDNTM để nhân ra diện rộng.
Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở mỗi địa phương, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện phương châm "mỗi làng một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, bao gồm cả nông nghiệp công nghệ cao. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chương trình XDNTM; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã, trong đó ưu tiên nhiều hơn cho các xã dưới 5 tiêu chí; chú trọng đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi); hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.
Thanh Phúc