Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân chủ yếu sản xuất nông lâm nghiệp là chính, nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Song, với sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt, đồng bộ và sự nỗ lực, chung sức chung lòng của người dân, sau 6 năm triển khai thực hiện chương trình XDNTM, Trấn Yên đã có 10 xã/tổng số 21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 100% số xã đạt từ 9 tiêu chí trở lên.
Kết quả thực hiện chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn; đời sống của nhân dân được cải thiện tích cực; cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; đời sống văn hóa - xã hội của người dân được nâng lên, tạo được sự đồng thuận của toàn thể cộng đồng dân cư nông thôn; sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực... Đạt được những thành quả đó, trước tiên phải nói đến sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Đức Mầu cho biết: "Vấn đề cốt lõi và có ý nghĩa quyết định sự thành công của chương trình đó là, cán bộ, đảng viên và nhân dân phải nhận thức đúng về nhiệm vụ XDNTM, ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác trong XDNTM; phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, sự chủ động, sáng tạo của người dân, cách làm hay của chính người dân trong quá trình thực hiện, từ đó, huy động tốt sự tham gia đóng góp kinh phí, ngày công lao động trong XDNTM; khắc phục tính trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Cùng với đó là sự quyết tâm, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ xã, thôn phải được thể hiện rõ nét và tích cực tham gia”.
Phát huy kết quả đã đạt được, Trấn Yên phấn đấu đến năm 2020 đạt huyện NTM; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đối với 10 xã đã đạt chuẩn; xây dựng từ 1 - 2 xã đạt xã NTM kiểu mẫu; xây dựng 11 xã còn lại đạt chuẩn NTM. Phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo hệ thống giao thông từ huyện đến trung tâm xã, đường liên xã được cứng hóa đạt 100%, tỷ lệ đường thôn, liên thôn được cứng hóa đạt 75%; thu nhập của người dân nông thôn đạt 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12%; nâng cao chất lượng y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...
Để đạt mục tiêu đó, Trấn Yên sẽ tiếp tục đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Huyện ủy, giám sát của HĐND, quản lý tổ chức thực hiện của UBND huyện, phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn thể quần chúng, tập hợp, huy động sức dân cùng chung tay XDNTM. Phân công cán bộ, công chức có trình độ, năng lực chuyên trách theo dõi chương trình XDNTM trên địa bàn các xã. Phân định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, xã trong triển khai thực hiện chương trình.
Huy động tối đa các nguồn lực cho XDNTM, triển khai và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án phát triển giao thông nông thôn của tỉnh…
Tập trung các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, thiết thực với từng địa phương; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, giá trị, gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển trồng tre măng Bát độ gần 4.000 ha; trồng dâu nuôi tằm 500 ha; phát triển vùng quế 15.000 ha; trồng cây ăn quả 1.000 ha; phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết trong sản xuất…; đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, sự chủ động, sáng tạo của người dân, huy động tốt sự tham gia trong XDNTM của cộng đồng dân cư. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các khu sản xuất nông nghiệp tập trung; xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng; xây dựng, nâng cấp các công trình, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, cơ sở vật chất trường lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, bản.
Thanh Phúc