Cú huých lớn nhất chính là xuất phát từ nhận thức. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy xã, sự điều hành linh hoạt, đúng pháp luật của chính quyền đã đưa chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia đi vào cuộc sống và người Mông Gốc Sấu cũng thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, như: chủ động nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng máy cày, máy bừa, máy phát cỏ, máy bào vỏ quế.
Người dân khai thác tối đa các diện tích đất đồi rừng sản xuất trồng quế gen bản địa, mở hàng quán cung ứng hàng hóa thiết yếu, tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, cho con đi học các trường chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Một số hộ mạnh dạn dùng nguồn tiết kiệm của gia đình để mua thêm đất đai sản xuất tại thôn Giàn Dầu, thôn Trung Tâm. Với tinh thần người không nghỉ, đất không nghỉ, rồi cứ theo đó, cụm Gốc Sấu ngày một thay đổi, khang trang, giàu đẹp hơn. Từ chỗ 100% là hộ nghèo những năm 2010, đến nay, cụm dân cư Gốc Sấu chỉ còn 4/37 hộ nghèo, có tới 60% là hộ khá, giàu. Điển hình như hộ các ông: Vàng A Sâu, Ly Seo Pùa, Cư A Pao, Cư A Chỉnh có tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng.
Khi kinh tế khá giả, nhiều hộ đã chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất, nhất là kỹ năng, kinh nghiệm canh tác nông - lâm nghiệp, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Từ đây, nhiều hộ đã cho con theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Đây vừa là nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển kinh tế địa phương vừa là những quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng.
Theo đó, sau khi sáp nhập thôn Gốc Sấu và Khe Ngõa thành thôn Trung Tâm với 121 hộ, Chi bộ thôn có 15 đảng viên thì riêng cụm dân cư Gốc Sấu chiếm 37/124 (29,8%) về số hộ và chiếm 4/15 (26,7%) về số lượng đảng viên, là hạt nhân dẫn dắt mọi hoạt động, phong trào như: chung tay xây dựng nông thôn mới, "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, "Mỗi ngày, mỗi người một việc giúp làm sạch môi trường sống”...
Người Mông Gốc Sấu không chỉ phát triển kinh tế hộ mà còn chung tay vì cộng đồng, sẵn sàng hiến hàng nghìn mét vuông đất hưởng ứng phong trào dịch rào, hiến đất mở mới tuyến đường Mỏ Vàng - Viễn Sơn năm 2021 và năm 2023 tiếp tục mở rộng.
Điển hình như hộ các ông: Ly Seo Chúng, Ly Seo Xì, Ly Seo Vảng, Cư A Chỉnh, Ly A Phềnh, Cư A Phán. Tổng giá trị đất đai, tài sản người dân đã hiến mở mới và mở rộng tuyến Mỏ Vàng - Viễn Sơn ước khoảng trên 8 tỷ đồng.
Ông Ly Seo Chúng chia sẻ: "Tuyến đường Mỏ Vàng - Viễn Sơn là mơ ước của cả đời tôi. Tôi không muốn con cháu mình lại tiếp tục phải đi trên những con đường lầy lội nữa”.
Với người Mông cụm Gốc Sấu họ chỉ nghĩ đơn giản, việc gì có lợi cho dân tức là lợi cho mình, người thân, dòng tộc, cộng đồng dân cư sống quanh mình, lợi cho nước thì hết sức làm, còn việc gì có hại thì hết sức tránh.
Ông Đỗ Cao Quyền - Bí thư Đảng ủy xã Mỏ Vàng cho biết: "Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ lấy mô hình cụm dân cư Gốc Sấu làm mẫu để nhân rộng trên địa bàn, trước tiên là đối với thôn Khe Lóng 2, thôn Khe Lóng 3 và cụm dân cư Gốc Sung thuộc thôn Khe Đâm. Đây là những cụm dân cư, thôn có 100% là người Mông sinh sống, có các điều kiện tương đồng về thành phần dân tộc, văn hóa, phong tục, tập quán, song mức độ thuận lợi cho phát triển chưa bằng Gốc Sấu. Chính quyền địa phương cũng như mỗi người dân đều nỗ lực để người Mông trên địa bàn có cuộc sống hạnh phúc”.
Anh Dũng