Làng cổ Pang Cáng có lịch sử lâu đời, cách đây hơn 200 năm, khi bà con dân tộc Mông từ các vùng khác di cư lên đây sinh sống. Ban đầu, làng chỉ có vài chục hộ dân nhưng theo thời gian, làng ngày càng phát triển và trở thành một trong những ngôi làng cổ lớn nhất của người Mông ở Suối Giàng với 175 hộ và 840 nhân khẩu.
Từ trên cao nhìn xuống, làng cổ Pang Cáng đẹp như bức tranh thủy mặc. Xen giữa những đồi chè cổ thụ, mây trắng bồng bềnh vờn trên đỉnh núi là những ngôi nhà được làm theo kiểu kiến trúc truyền thống của người Mông mà nguyên liệu chủ yếu là gỗ. Mái nhà thường lợp bằng gỗ pơ mu chẻ mỏng, song hiện cũng đã có một số nhà lợp mái fibro xi măng.
Người Mông Pang Cáng chủ yếu sống bằng nghề trồng chè Shan tuyết. Chè Shan tuyết ở đây nổi tiếng thơm ngon, được mệnh danh là "trà tiên", chè "năm cực” bởi "cực khổ” - khi trồng và thu hái; "cực sạch” - vì điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; "cực hiếm” - vì sản lượng ít, mỗi năm chỉ thu hái được vài trăm tấn chè búp; "cực ngon” - vì có đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén trà phải có: hương thơm, vị đậm, nước xanh và vì thế nên "cực đắt”! Chè Shan tuyết ở đây, trước là mọc tự nhiên, sau được các thế hệ người Mông trồng và chăm sóc nên ngày càng xanh tốt. Cây chè là biểu tượng, tài sản vô giá và niềm tự hào của người dân Suối Giàng nói chung và Pang Cáng nói riêng.
Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn có giá trị du lịch, ý nghĩa tâm linh gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Ngoài chè, người Mông ở Pang Cáng còn trồng một số loại cây khác như: lúa, ngô, khoai, sắn... để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và phát triển kinh tế.
Người Mông ở Pang Cáng có một nền văn hóa phong phú và đặc sắc, được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Một trong những lễ hội lớn nhất của người Mông ở Pang Cáng là lễ hội Gầu tào. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm. Đây là dịp để người Mông cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, năm mới sức khỏe, bình an, gặp nhiều may mắn. Lễ hội Gầu tào bắt đầu bằng nghi lễ cúng tổ tiên, sau đó là các hoạt động văn hóa, thể thao như: ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh đu, thi hát đối đáp, hát ống...
Trong những ngày hội lớn, người dân Pang Cáng thường quây quần bên nhau, nhảy múa, hát ca, ăn uống. Những điệu múa sạp, múa xòe, múa ô đã mang đến không khí vui tươi, náo nhiệt cho cả bản làng. Người dân trong bản vì thế cũng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Họ cùng nhau xây dựng, thực hiện các hương ước, quy ước của làng, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ nhiều năm trước, Pang Cáng đã được công nhận là làng văn hóa cấp huyện. Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của đồng bào Mông Pang Cáng trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú và phát triển kinh tế ổn định.
Đồng chí Giàng A Hềnh - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pang Cáng chia sẻ: "Mặc dù chịu tác động của quá trình đô thị hóa và sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa, song người dân trong làng luôn đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; trẻ nhỏ tích cực tham gia các lớp dạy tiếng Mông, dạy làm trang phục truyền thống, dạy nấu món ăn bản địa. Trong làng đã thành lập tổ hợp tác làm thổ cẩm, thành lập các đội văn nghệ, thể thao giúp nâng cao đời sống tinh thần, vật chất và gắn kết cộng đồng”.
Hiện tại, làng cổ Pang Cáng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với nhiều du khách bởi những nét văn hóa đặc sắc và thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Đến Pang Cáng, du khách có thể tham quan, tìm hiểu về văn hóa của người Mông, thưởng thức hương vị thơm ngon của chè Shan tuyết hay phiêu du dưới tán rừng nguyên sinh với phong cảnh kỳ vĩ và hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp của vùng cao Suối Giàng. Đồng thời, có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị như: hái chè, dệt vải, thổi sáo, đánh trống... để hiểu hơn về cuộc sống của người Mông vùng cao.
Chị Nguyễn Hà Anh - du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: "Làng cổ Pang Cáng là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, con người vùng cao Tây Bắc. Cuộc sống nơi đây vẫn rất đỗi bình yên và giản dị. Người dân cần cù, chăm chỉ, thật thà, mến khách. Tôi rất thích cảm giác mỗi sáng thức dậy trong làng, được ngắm nhìn những tia nắng ban mai xuyên qua kẽ lá, được chứng kiến những người đàn ông trong bản ra đồng cày cấy, những người phụ nữ lên nương hái chè, những đứa trẻ thì vui đùa, tung tăng cắp sách tới trường…”.
Để phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách, hiện ở Páng Cáng đã có một số hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng homestay, sửa sang, trang trí nhà cửa để đón khách. Đặc biệt, chính quyền địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình học làm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu, đưa Pang Cáng trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Tây Bắc.
Hồng Oanh