Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì giá trị độc lập - tự do - hạnh phúc là nội dung cốt lõi. Trong đó, giá trị về hạnh phúc luôn được Người đánh giá cao - đó là tiêu chí, thước đo về sự tiến bộ của nhân dân và là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh đưa vào để triển khai đó là chỉ số hạnh phúc người dân.
Nhằm cụ thể hóa, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, ngay từ đầu nhiệm kỳ, căn cứ vào Chương trình hành động của Tỉnh ủy hàng năm, Sở GD&ĐT đều xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ chính. Đáng chú ý là việc toàn ngành giáo dục Yên Bái đã tập trung triển khai xây dựng mô hình "trường học hạnh phúc” một cách đồng bộ, bài bản.
Theo đó, Sở GD&ĐT tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử; bổ sung 5 chuẩn mực về con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” trong bộ quy tắc ứng xử của mỗi nhà trường; Bộ Tiêu chí "Trường học hạnh phúc” được ngành GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh gồm 20 tiêu chí chia thành ba nhóm: môi trường nhà trường, tổ chức dạy học, hoạt động dạy học và các mối quan hệ trong nhà trường).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của các thầy giáo, cô giáo, đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: "Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”. Vận dụng tư tưởng đó, ngành GD&ĐT tỉnh xác định thầy cô là nhân tố quan trọng, thiết yếu trong xây dựng trường học hạnh phúc. Bắt tay vào xây dựng trường học hạnh phúc, toàn ngành phát động phong trào thi đua "thầy cô thay đổi vì một trường học hạnh phúc”.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Các đơn vị, nhà trường đã cụ thể hóa việc hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực làm thay đổi rõ nét từ tư duy, thái độ, hành động của thầy cô giáo với trường, lớp học và học sinh nhằm tạo ra môi trường hạnh phúc và học sinh thật sự hạnh phúc.
Qua thực hiện phong trào có sự thay đổi từ cảnh quan nhà trường; xây dựng được mối quan hệ yêu thương và tôn trọng giữa các đồng nghiệp, giữa thầy cô và học trò; thay đổi đối với cán bộ quản lý, giáo viên từ chính mình, thay đổi thái độ đối với đồng nghiệp, đối với học sinh, phụ huynh; đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, đánh giá, giáo dục học sinh; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thay đổi nhận thức để có các mối quan hệ tích cực, thân thiện; thay đổi để quản lý cảm xúc tiêu cực trong đối thoại, tương tác, giao tiếp và làm việc với học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh. Thay đổi cách thức tổ chức hoạt động giáo dục; thay đổi phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh để hướng tới môi trường "Yêu thương, an toàn và tôn trọng”. Công tác giáo dục ở Yên Bái đã không còn là việc truyền đạt kiến thức mà còn là việc nuôi dưỡng tình cảm, ý chí và phẩm chất đạo đức của con người.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn tạo nên một xã hội văn minh, ở đó con người phải có tri thức, có đạo đức, văn minh, sống và làm việc theo pháp luật. Người đã thấy được bản chất của việc dạy và học là muốn hiệu quả, thực chất, phải tập trung phát triển năng lực sẵn có của người học đó là huấn luyện khả năng tư duy của con người, phát huy năng lực riêng có của mỗi người.
Soi vào hành trình xây dựng trường học hạnh phúc ở Yên Bái quả đúng như vậy khi học sinh là trung tâm của giáo dục nói chung, là động lực để xây dựng trường học hạnh phúc nói riêng. Các cơ sở giáo dục đã đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng một môi trường học tập thân thiện và động viên tinh thần sáng tạo của học sinh.
Tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, cuộc thi văn hóa, thể thao đến việc tạo điều kiện cho học sinh tham gia các câu lạc bộ và tổ chức tự quản… đã khuyến khích sự phát triển toàn diện của học sinh. Điều này giúp học sinh phát huy tối đa năng lực bản thân, rèn luyện kỹ năng xã hội và trở thành những công dân có ý thức và trách nhiệm.
Cùng với việc xây dựng môi trường học tập thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh, Yên Bái cũng đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức đã được áp dụng một cách sáng tạo và hiệu quả trong các trường học của tỉnh. Giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn giúp học sinh xây dựng ý thức về đạo đức, đức tin và lối sống lành mạnh. Các hoạt động như giảng dạy môn học về đạo đức, tổ chức cuộc thi về văn hóa đạo đức và tạo ra các ví dụ minh họa thực tế đã giúp học sinh hiểu rõ về giá trị đạo đức và áp dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày.
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục ở Yên Bái xây dựng trường học hạnh phúc. Xây dựng trường học hạnh phúc tự thân nó sẽ đạt được hệ quả tất yếu là nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần thực hiện triết lý phát triển riêng của tỉnh, đó là hướng đến sự hài lòng và hạnh phúc của người dân.
Sự thành công của Yên Bái trong việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng trường học hạnh phúc không chỉ được định hình bởi chất lượng giáo dục mà còn bởi sự hài lòng của học sinh, phụ huynh và cộng đồng địa phương. Những học sinh tại Yên Bái không chỉ học tập trong một môi trường tốt mà còn được truyền cảm hứng và động viên để phát triển toàn diện. Từ đó, có thể rút ra bài học về tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng trường học hạnh phúc.
Sự lãnh đạo và tư duy sáng tạo của các nhà quản lý giáo dục, sự đồng lòng và hợp tác của giáo viên, phụ huynh và cộng đồng địa phương đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Chỉ khi chúng ta đặt tư tưởng và triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trung tâm, chúng ta mới có thể xây dựng được các trường học hạnh phúc, nơi mà học sinh có thể phát triển toàn diện và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Thanh Ba