Huế: 20 năm nỗ lực trùng tu, bảo vệ Quần thể di tích
- Cập nhật: Thứ hai, 23/9/2013 | 2:21:13 PM
Trong suốt 20 năm từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, TP Huế đã nỗ lực không ngừng để gìn giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa của các di tích.
Cố đô Huế luôn được quan tâm đầu tư trùng tu để gìn giữ và phát triển di sản văn hóa của nhân loại. (Ảnh: VnE)
|
Tính đến năm 2013, quần thể di tích cố đô Huế đã tròn 20 năm nắm giữ danh hiệu là di sản văn hoá thế giới. Cho đến ngày hôm nay, quần thể di tích cố đô Huế đã trở thành một địa chỉ du lịch xứng tầm trong khu vực và trên thế giới đối với những du khách muốn đến tìm hiểu về một giai đoạn phát triển của lịch sử Việt Nam.
Với hàng trăm công trình, cụm công trình di tích trên một diện tích rộng lớn, có thể thấy, việc bảo vệ tính toàn vẹn của di sản này là nỗ lực của cả người dân và chính quyền địa phương.
Đông Khuyết Đài là một trong 4 khuyết đài được vua Gia Long cho xây dựng ở bốn mặt của Hoàng thành Huế, phục vụ cho việc quan sát và phòng thủ. Toàn bộ quy trình phục dựng đều được lập hội đồng khoa học thẩm định và áp dụng kỹ thuật xây dựng, vật liệu, mỹ thuật, nghệ thuật trang trí truyền thống của triều Nguyễn. Công trình được thi công trong 16 tháng, nhưng trước đó, cả một quá trình lâu dài thám sát khảo cổ để tìm ra hình dạng di tích.
KTS Nguyễn Văn Bình, Ban Quản lý dự án di tích cố đô Huế cho biết: “Chúng tôi căn cứ trên nguồn sử liệu hiện có và điều rất quan trọng là chúng tôi phải khảo cổ để tìm lại vết tích nền móng. Trên cơ sở đó nội suy ra độ lớn của cột, chiều cao của cột, cấu trúc của cái nhà đó”.
Trong suốt 20 năm qua, có thể nói, chưa khi nào quần thể di tích cố đô Huế không có công trình trùng tu. Gần đây nhất, dự án trùng tu tổng thể kinh thành Huế với tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng được Chính phủ phê duyệt mở ra triển vọng phục hồi toàn diện hệ di sản độc đáo này. Tính đến năm 2013, đội ngũ chuyên gia trong Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã lên tới con số 700 người.
Không dừng lại ở phạm vi trùng tu di tích không gian hẹp, những nhà bảo tồn của Huế còn tính đến việc bảo vệ cảnh quan của kinh đô lịch sử. Nhờ chính sách nhất quán trong bảo tồn, mà di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp – cụm từ mà Unesco dành cho Huế những năm 1980
“Năm nào UNESCO cũng gửi lời chúc mừng đến chính quyền địa phương và đơn vị bảo tồn di sản về thành tích bảo tồn xuất sắc di sản Huế. Có thể nói đây là sự ghi nhân đáng tự hào của di tích cố đô Huế trong việc bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hoá”, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết.
Nguyên tổng giám đốc UNESCO, ông Amardou Mahtar M’Bow đã dành cho Huế những lời ngợi ca “TP Huế là một kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị”. Những tác phẩm của người dân lao động và thợ thủ công khéo tay nhất trong nước vẫn đang được thế hệ ngày nay giữ gìn, trân trọng… để những nền móng, di tích, đền đài còn nguyên giá trị lịch sử.
(Theo VTV)
Các tin khác
Ở Chicago bạn có thể ngồi hàng giờ trước Cloud Gate, dưới một thảo nguyên mây bồng bềnh trôi trên nền trời xanh thẫm và ngắm nhìn một thành phố Chicago khác bên trong hạt đậu (*).
Những hàng cây ngân hạnh cổ thụ chạy dài thẳng tắp, đã xuất hiện trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Bản tình ca mùa đông”, làm đảo Nami trở nên nổi tiếng khắp châu Á.
Thu hút hơn 15.000 người từ khắp nơi trên thế giới, đỉnh núi Sơn Đông (Trung Quốc) đã trở nên rực rỡ sắc màu trong lễ hội cắm trại quốc tế 2013 mới đây.
Vấn đề phát triển du lịch ở các thành phố lớn trên thế giới là chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 2 của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), cơ quan thuộc Liên hợp quốc, về du lịch đô thị, khai mạc ngày 20/9 tại thủ đô Moskva, Liên bang Nga.