"Pizza bánh tráng nướng" - đặc sản Đà Lạt ở Sài Gòn
- Cập nhật: Thứ năm, 26/9/2013 | 2:14:54 PM
Cái tên nửa Tây nửa ta này do nhiều bạn trẻ đặt ra, bắt nguồn từ những biến tấu hết sức thú vị của món ăn chơi có xuất xứ từ Đà Lạt này. Phần nhân của bánh tráng nướng rất phong phú, nếu không nói là đặc sắc hơn pizza rất nhiều.
|
Mới chỉ có mặt ở trước số nhà 61 đường Cao Thắng (quận 03) từ gần hai năm nay, món bánh tráng nướng độc đáo do cô chủ quán tự sáng tạo dựa trên phiên bản bánh tráng nướng Đà Lạt thu hút đông đảo giới trẻ.
Cô chủ quán cho biết, chỉ ăn một lần loại bánh tráng nướng ở Đà Lạt, cô mê luôn nên về Sài Gòn là mở ngay quán bán món này.
|
Tuy nhiên khác với rất nhiều quán vỉa hè, hàng rong bán món này ở mức đơn giản, nơi thì thịt bằm, nơi là con tép trộn với trứng cút... nên cô quyết định “nâng cấp” bằng cách tạo nên nhiều loại nhân cho “sang” hơn.
Những loại nhân chính cho món bánh tráng nướng của quán này gồm có: xúc xích, gà xé (của nhà tự làm), khô bò, hải sản, trứng gà, phô mai... Nguyên liệu đắt tiền nên giá một chiếc bánh tráng nướng ở đây cũng dao động từ 5.000 đồng đến 22.000 đồng/cái.
Đặc biệt nước sốt ăn kèm có hai loại rất hấp dẫn là tương ớt và sốt me. Khi ăn, cầm hai chai sốt này xịt vài vòng lên chiếc bánh giòn tan thì vị tổng hòa cuối cùng quả là đặc biệt.
Loại bánh tráng làm món này phải cất công lấy từ Đà Lạt chứ không dùng được bánh tráng từ nơi khác, càng không thể là chiếc bánh tráng cuốn chả giò thông thường. Những hôm nào không lấy được hàng bánh tráng này, cô chủ quán thà nghỉ bán chứ không lấy loại khác vì không đạt yêu cầu.
Ngoài bánh tráng nướng, quán vỉa hè này còn bán món bạch tuộc nướng và hồ lô cũng rất thú vị. Lúc mới bán món này, quán chỉ có chiếc lò bé nhỏ đơn sơ. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, cô chủ đã “nâng cấp” thành một chiếc lò nướng rất chuyên nghiệp và nướng bánh ngon hơn hẳn.
Bánh tráng nướng, dù là phiên bản gốc hay phiên bản "Sài Gòn hóa" đều có những nét hấp dẫn riêng. Thưởng thức món này khi đêm về, lúc tiết trời lành lạnh thì không còn gì hấp dẫn bằng. Một chấm phá đầy tinh tế trong đời sống ẩm thực Sài Gòn.
(Theo TNO)
Các tin khác
Khu di tích lịch sử Lam Kinh gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.
Tiềm năng du lịch cộng đồng ở Lai Châu khá lớn song để phát huy cần phải có một “cú hích" bởi nơi đây còn thiếu cơ sở hạ tầng và các vật phẩm du lịch đặc trưng, người dân bản địa cũng thiếu kỹ năng kinh doanh du lịch.
YBĐT - Nhịp “Xuân thu nhị kỳ” của đất trời trong một năm có gì đó rất hợp với câu tục ngữ tương truyền: Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ. Tháng tám giỗ Cha, mà trong quan niệm dân gian đó là vua cha Ngọc Hoàng, vua cha Bát Hải Đại Vương và Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương. Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được thờ ở đền Tuần Quán từ rất lâu. Từ năm 2005, cùng với việc phục hồi lễ giỗ Mẫu thì nghi lễ giỗ Cha được tổ chức long trọng đúng vào ngày mất của ngài 20 tháng 8 âm lịch...
Biết đến đảo Nang Yuan từ lâu qua những bức hình trên trang quảng bá du lịch của Thái và lời giới thiệu của mấy người bạn địa phương, nhưng phải lần thứ ba tới Thái Lan tôi mới có dịp đến hòn đảo nhỏ bé nhưng hết sức dễ thương này.