Hội xuân Khả Lĩnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/2/2014 | 12:50:12 PM

YBĐT - Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân, nhân dân vùng bưởi Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình lại nô nức mở hội xuân Đình Khả Lĩnh để tưởng nhớ công ơn vị thành hoàng Thượng Đẳng Thần Cao Sơn Đại Vương đã có công khai đất mở làng.

Đây đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Khả Lĩnh, thể hiện ước mơ ngàn đời cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Nghi thức đặc biệt trong lễ hội Đình Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là lễ rước nước từ giếng nước Mỏ Cò vào đình, đây là nghi lễ đầu tiên mở đầu cho lễ hội Đình Khả Lĩnh.

Nghi lễ đi rước nước từ giếng nước Mỏ Cò vào đình là nghi lễ đầu tiên mở đầu cho lễ hội Đình Khả Lĩnh

Nước ở giếng thần được mang về để phục vụ việc tế lễ

                   Nghi lễ lấy nước từ giếng thần về Đình

Theo dòng lịch sử, Đình Khả Lĩnh thờ một vị quan tải lương nhà Mạc, là người đã có công khai phá, vỡ đất, dựng ấp lập làng. Khi tướng quân mất, để tưởng nhớ công ơn khai hoang của ngài, dân làng đã lập đình thờ và tôn tướng quân là thành hoàng Thượng Đẳng Thần Cao Sơn Đại Vương.

Cũng vào năm đó hạn hán kéo dài, người dân trong làng đổ đi khắp nơi tìm nguồn nước, đến một cánh đồng rộng thấy có một mô đất hình mỏ cò cỏ mọc xanh tươi, từ đâu, bỗng có đôi cò trắng bay tới, lượn quanh rồi vút lên trời cao. Thấy lạ, dân làng cho đó là điềm lành nên làm lễ tạ và xin được đào giếng. Quả nhiên, khi vừa đặt những nhát cuốc đầu tiên thì thấy nước dưới lòng đất, một dòng nước trong vắt chảy ra tưới mát cả một vùng. Mảnh đất hạn hán bao ngày bỗng xanh tươi trở lại, cây cối đâm chồi nảy lộc. Từ đó dân làng gọi đây là giếng Mỏ Cò và người dân coi giếng nước như là giếng thần nên nước giếng chỉ để phục vụ cho việc tế lễ. Mạch nước này cho mùa màng bội thu, cho bưởi Khả Lĩnh bao đời thơm ngon.

Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân, nhân dân trong vùng lại nô nức mở hội tưởng nhớ công ơn vị thành hoàng Thượng Đẳng Thần Cao Sơn Đại Vương đã có công khai đất mở làng. Và những mâm lễ dâng cúng bao giờ cũng có hương hoa bưởi và quả bưởi đẹp nhất được dân làng lựa chọn để dâng lên Thành hoàng làng.

Nghi thức tế lễ trong hội Đình Khả Lĩnh

Sau nghi thức dâng nước lên Thành hoàng làng, đội tế lễ gồm 13 người là những người khỏe mạnh sẽ làm lễ dâng hương, dâng rượu và dâng lễ vật. Phần lễ được diễn ra trong không khí trang trọng, tôn nghiêm thể hiện được ước nguyện của dân làng mong một năm mới mạnh khỏe, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ...

Sau phần lễ là phần hội vui nhộn với nhiều trò chơi dân gian truyền thống của vùng sông Chảy như đánh cờ, kéo co, chọi gà, bóng chuyền... Ngoài ra, các em học sinh trong làng còn thể hiện màn đồng diễn sôi động và các thanh niên tham gia múa sạp, mang đến không khí vui tươi, phấn khởi cho lễ hội.

Phần hội diễn ra vui nhộn với nhiều trò chơi dân gian của vùng sông Chảy

Lễ hội đình Khả Lĩnh không chỉ là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân thôn Khả Lĩnh mà còn là nơi ghi dấu những giá trị đạo đức lớn lao, giáo dục cho con cháu mai sau nhớ về tổ tiên, cội nguồn.

Trong tiết trời xuân ấm áp, hòa mình vào chốn linh thiêng nơi Đình Khả Lĩnh đã trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa của người dân Khả Lĩnh, thể hiện ước mơ ngàn đời cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Thanh Chi - Thanh Tân

Các tin khác
Tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Giáo dục

Nét mới đáng ghi nhận khi đến Yên Tử năm nay là hơn 40 hàng quán, lều bạt nhếch nhác trên tuyến đường từ chùa Hoa Yên lên chùa Đồng đã không còn tồn tại.

Đi giữa những vườn hoa mận nở trắng.

Sắc xuân đang thắm trên những cánh hoa đào và từng chùm mận nở trắng trong những khu vườn hàng rào xiêu vẹo, nắng sớm trong làn sương mỏng manh đất Mộc Châu.

Hội thi cấy lúa nhanh trong lễ hội Xuống đồng
xã Quy Mông.

YBĐT - Trong không khí vui tươi, phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua chào mừng kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, đón mừng xuân mới, sáng ngày 5/2/2014 (tức ngày mùng 6 tết Giáp Ngọ), xã Quy Mông (huyện Trấn Yên) đã tưng bừng tổ chức lễ hội Xuống đồng.

Lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương.

Hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt đối với Đồng Dương, Phật viện lớn nhất Đông Nam Á hồi thế kỷ thứ 9 (tại xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình) đã được UBND tỉnh Quảng Nam đệ trình lên Bộ VH-TT-DL, đề nghị thỏa thuận để xúc tiến công nhận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục