Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột
- Cập nhật: Thứ tư, 11/3/2015 | 2:06:02 PM
Tối 10/3, tại Quảng trường 10/3, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 - năm 2015.
Chương trình nghệ thuật mang đậm âm hưởng, sắc màu Tây Nguyên
|
Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đến dự và chúc mừng Lễ hội.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, ông Phạm Ngọc Nghị, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này với chủ đề “Hội tụ tinh hoa đại ngàn”, diễn ra từ 8/3 đến hết 12/3, có quy mô và nhiều hoạt động đổi mới hơn so với những lần trước đây.
Lễ hội gồm 17 chương trình chính thức, 05 chương trình phụ trợ: Lễ khai mạc; lễ bế mạc; hội chợ-triển lãm chuyên ngành cà phê; triển lãm ảnh nghệ thuật về cà phê; hội thảo về phát triển cà phê bền vững; chung kết Hội thi pha chế Cà phê; chung kết Hội thi Nhà nông đua tài; chương trình Đêm hội vào mùa; giải bóng chuyền bãi biển trên cao Nguyên Đắk Lắk; Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch khác.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 - năm 2015 là dịp để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk nói riêng, khẳng định vị trí quan trọng của cà phê Việt Nam trong ngành cà phê thế giới; tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu… hướng đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Đại tướng Trần Đại Quang hoan nghênh tỉnh Đắk Lắk đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5- năm 2015, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực nhằm tôn vinh những người trồng cà phê, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà chế biến, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị- xã hội đã có nhiều đóng góp cho cây cà phê phát triển, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cà phê và hình ảnh con người, vùng đất Tây Nguyên thân thiện, giàu tiềm năng đến với bạn bè quốc tế, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với xứ sở cà phê.
Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành Trung ương, nhất là với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm tốt công tác quy hoạch vùng đất trồng cà phê, đầu tư, nghiên cứu nâng cao chất lượng cây giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào việc trồng, chăm sóc, chế biến cà phê để tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm; tăng cường học tập kinh nghiệm của các quốc gia trồng cà phê từ khâu trồng, chăm sóc và chế biến để nâng cao giá trị kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiên thụ, mở rộng giao lưu, thu hút khách du lịch nhiều hơn đến với Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, các Bộ, ban, ngành Trung ương cần chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp để ngành cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Tây Nguyên và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và địa phương.
Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam phát huy vai trò là đầu mối để các địa phương trồng cà phê trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, lựa chọn cây giống, phương thức trồng, chăm sóc, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê ra các nước trên thế giới.
Ngay sau chương trình khai mạc, hàng vạn người dân và du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật chào mừng đặc sắc, mang đậm âm hưởng, sắc màu Tây Nguyên gắn với Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975) cũng như quá trình phát triển của vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Tại Hội chợ Du lịch quốc tế Berlin (ITB) đang diễn ra ở CHLB Đức từ ngày 4-8/3, những tấm bản đồ Việt Nam đã nhận được sự chú ý của nhiều bạn bè quốc tế.
Theo bình chọn của CNN, phố cổ Hội An của Việt Nam xếp vị trí thứ 4 trong Top 10 điểm đến lãng mạn nhất thế giới.
Trong hai ngày từ 6-7/3 (tức ngày 16-17 tháng Giêng âm lịch), tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, hàng vạn du khách thập phương và nhân dân trong vùng đã có mặt chứng kiến lễ hội chọi trâu được coi là cổ nhất Việt Nam.
Cờ người là trò chơi dân gian mang tinh thần thể thao và tính trí tuệ, đã trở thành điểm nhấn đặc sắc ở nhiều lễ hội Xuân của Việt Nam.