Những Di sản thế giới của UNESCO có nguy cơ biến mất vĩnh viễn
- Cập nhật: Thứ ba, 17/3/2015 | 8:19:05 AM
Một số địa danh Di sản thế giới của UNESCO hiện đang bên bờ vực bị tàn phá, hủy hoại và biến mất vĩnh viễn. Nhân loại có thể sẽ không bao giờ còn có cơ hội được chiêm ngưỡng những di sản này một cách nguyên vẹn được nữa.
|
Trong danh sách những Di sản thế giới của UNESCO hiện nay, có tới 1007 địa danh được xếp hạng cần bảo tồn, trong đó, có những công trình kiến trúc mang đầy giá trị văn hóa - lịch sử. Tuy vậy, trong số này, có những địa danh dù là Di sản thế giới, nhưng người ta sẽ khó lòng tiếp cận để chiêm ngưỡng.
Vì những lý do khác nhau, như chiến tranh, xung đột, sự xuống cấp vì thời gian, khí hậu…, một số địa danh Di sản thế giới đang trên bờ vực bị tàn phá, hủy hoại vĩnh viễn.
Tháp giáo đường ở Jam - Afghanistan
Tháp giáo đường ở Jam được xây dựng từ thế kỷ 12.
Tháp giáo đường nằm ở tỉnh Ghor, Afghanistan, được xây dựng bằng gạch, chứa đựng vẻ đẹp tinh tế với những viên ngói xanh lục được xếp thành những chữ Ả Rập cổ.
Tháp giáo đường đã “sống sót” trải qua nhiều cuộc chiến tranh, xung đột, và cả những cuộc cướp phá, nhưng vì nằm ở vị trí xa xôi, hẻo lánh, nên công trình này đang phải đối mặt với sự xuống cấp mà không được kịp thời tu sửa, nâng cấp.
Những công việc này cần phải được thực hiện khẩn trương để vẻ đẹp của công trình cổ không bị biến mất theo thời gian, khi sự xói mòn xảy ra ở một con sông gần đó khiến tháp dần bị nghiêng, một hiện tượng giống như tháp nghiêng Pisa.
Tòa tháp cao 65m được xây dựng từ năm 1194, là một công trình kiến trúc cổ quý giá nhưng có rất ít du khách đến chiêm ngưỡng, bởi nơi đây nằm cách xa khu dân cư sinh sống, lại nằm sâu trong khu vực do phiến quân Taliban nắm giữ, khiến những chuyến hành trình đến đây trở nên nguy hiểm khôn lường.
Thành phố cổ Samarra - Iraq
Giáo đường lớn được xây dựng theo hình xoáy ốc này là một trong những công trình kiến trúc ấn tượng nhất nằm trong thành phố cổ Samarra. 80% diện tích của thành phố này vẫn chưa được tiến hành khảo cổ, nơi đây còn ẩn chứa rất nhiều bí mật.
Thành phố khảo cổ Samarra nằm ở miền Bắc Iraq là một địa danh từng phát triển cực thịnh nền văn hóa đạo Hồi, nắm giữ vị trí trung tâm quyền lực hồi thế kỷ thứ 9.
Thành phố này giàu giá trị văn hóa - lịch sử, nhưng hiện đang nằm trong vùng xảy ra chiến sự, xung đột, trong đó có sự đe dọa từ phiến quân IS. Việc bao giờ thành phố Samarra được trả lại sự yên bình, để các nhà khảo cổ có thể trở về đây nghiên cứu, vẫn là một viễn cảnh xa xôi.
Thành phố cổ Aleppo - Syria
Thành phố Aleppo từng được vinh danh là “Thành phố Văn hóa Hồi giáo năm 2006”, nhưng ngày nay người ta sẽ chẳng tìm thấy một bóng du khách nào ở thành phố này.
Thánh đường lớn ở Aleppo hiện đang có nguy cơ bị phá hoại vì những cuộc xung đột vẫn diễn ra liên miên, phủ lên đất nước này một tai họa chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Thành phố Aleppo - một địa danh di sản văn hóa quý giá của Syria - có rất nhiều những công trình lịch sử, những thánh đường, cung điện Hồi giáo, những con phố mang nét kiến trúc Hy Lạp - La Mã cổ xưa, những dấu hiệu của nền văn minh tồn tại từ thế kỷ 10 trước Công nguyên…
Tuy vậy, đất nước Syria hiện đang trải qua một cuộc nội chiến đẫm máu chưa có dấu hiệu chấm dứt, vì vậy, các du khách được khuyến nghị không nên mạo hiểm đặt chân tới Syria.
Nhà thờ Giáng sinh - Thành phố Bethlehem
Nhà thờ Giáng sinh nằm ở khu Bờ Tây, thuộc cộng đồng người Palestine.
Thành phố Bethlehem được cho là nơi Chúa giáng sinh.
Thành phố Bethlehem nằm cách thành phố Jerusalem khoảng 10km, đây là nơi các tín đồ Thiên Chúa tin rằng Chúa đã giáng sinh. Ở Bethlehem có Nhà thờ Giáng sinh - nhà thờ cổ nhất thế giới hiện còn đang hoạt động.
Những địa danh mang đậm giá trị tôn giáo ở Bethlehem vẫn ngày ngày thu hút dòng tín đồ hành hương sùng đào. Tuy vậy, nơi đây thực tế vẫn đang nằm trong vùng căng thẳng chính trị và được khuyến nghị với các du khách rằng sự an toàn của họ không được bảo đảm.
Hiện tại, Nhà thờ Giáng sinh cũng đang phải đối diện với sự xuống cấp trầm trọng, cấu trúc phần mái đã rất yếu, nhưng từ lâu không được quan tâm sửa chữa, tu bổ. Vì vấn đề giao thông đi lại, ô nhiễm môi trường, những bức tường cổ xung quanh nhà thờ cũng đã bị hư hại nhiều.
Việc bảo tồn công trình phải dựa trên sự hợp lực của chính phủ Israel và Palestine, khiến việc này vẫn là một thách thức chưa tìm ra giải pháp khả thi.
Thành phố Timbuktu - Mali
Thành phố Timbuktu được hình thành từ thế kỷ thứ 5 và phát triển cực thịnh vào khoảng thế kỷ 15-16.
Hiện tượng sa mạc hóa đã khiến nhiều công trình lịch sử ở Timbuktu bị hư hại. Sự mất ổn định chính trị cũng khiến việc phát triển du lịch trở nên khó khăn.
Thành phố cổ Timbuktu nằm ở khu vực hẻo lánh, đã trở thành “bất khả xâm phạm” trong vài thế kỷ trở lại đây. Từng một thời được coi là trung tâm của học vấn và tôn giáo ở châu Phi hồi thế kỷ 15-16, giờ đây, Timbuktu lại trở thành một vùng biệt lập, hẻo lánh.
Được hình thành từ thế kỷ 5, Timbuktu từng một thời có nền kinh tế - văn hóa phát triển rực rỡ, bất kể việc nằm ở một vị trí biệt lập. Những thánh đường, đền thờ Hồi giáo vẫn mọc lên, Timbuktu từng là trung tâm truyền giáo của Châu Phi.
Nằm ở vị trí lối ra vào sa mạc Sahara, những thánh đường và thư viện cổ kính ở Timbuktu hiện đang trong tình trạng xuống cấp vì những thay đổi của khí hậu và hiện tượng sa mạc hóa, đồng thời, sự mất ổn định chính trị cũng khiến hoạt động du lịch không thể diễn ra, càng khiến những kế hoạch cải tạo thành phố cổ trở nên bất khả thi.
Vương quốc Chimu - Peru
Vương quốc Chimu, nằm trong khu di chỉ khảo cổ Chan Chan, từng phát triển cực thịnh ở thế kỷ 15.
Những công trình cổ nằm trong thành phố rộng lớn này chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử.
Trong khi khu tàn tích Machu Picchu nổi tiếng trên khắp thế giới, thì khu di chỉ khảo cổ Chan Chan cũng không kém phần đặc biệt. Những công trình kiến trúc cổ xây bằng đất nằm ở thành phố cổ Chan Chan, với những đền đài, nhà ở, kênh mương, nghĩa trang… hiện đang phải đối mặt với sự bào mòn khắc nghiệt của thời gian và khí hậu.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Kanazawa là thành phố cổ nổi tiếng của Nhật Bản với những tòa lâu đài khổng lồ cũng như thực phẩm và hàng thủ công truyền thống.
Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời", ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Văn joas-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hoàng Tuấn Anh cho rằng, quy mô và tần suất tổ chức lễ hội hiện nay vẫn còn hơi cao, dày, vì vậy, hướng sắp tới là giảm quy mô, tần suất lễ hội.
Cứ đến mỗi dịp xuân về, các lễ hội của dân tộc lại luôn là mối quan tâm lớn của người dân, du khách và dư luận cả nước. Chẳng thế mà năm nay chỉ trong gần một tháng diễn ra lễ hội, trực tiếp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã có tới 4 chuyến đi kiểm tra đột xuất công tác quản lý, tổ chức tại một số lễ hội.
Lần đầu tiên một dạ nhạc tiệc quy mô lớn cho lượng thực khách gần 1.000 người được tổ chức trong Đại Nội, thành phố Huế.