Nắm bắt được những tiềm năng, lợi thế đó, trong những năm qua, nhân dân trên địa bàn xã đã thay đổi tư duy, nhận thức tập trung đầu tư xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, vào thời điểm này, chị Sùng Thị Xày ở thôn Pang Cáng còn lo toan công việc đồng áng và chăn nuôi lợn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với mong muốn gìn giữ, quảng bá hình ảnh con người, văn hóa Mông đến với bạn bè trong và ngoài nước, từ tháng 6/2019, chị Xày đã mạnh dạn đầu tư, tu sửa nhà cửa, mua sắm nhiều trang thiết bị xây dựng mô hình du lịch cộng đồng nên sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, mô hình Homestay của gia đình chị đã đón 5 đoàn với 60 lượt khách.
"Trên cơ sở nhà cũ, gia đình tôi vay mượn vốn để sửa chữa, trang trí phòng sạch, đẹp. Du khách đến đây chủ yếu là người nước ngoài, họ rất bình dị, thích khám phá về văn hóa truyền thống của dân tộc Mông và các món ăn đặc sản. Tuy mới đi vào hoạt động nhưng mô hình du lịch Homestay đã đưa lại nguồn thu nhập khá cho gia đình tôi” - chị Xày chia sẻ.
Còn anh Giàng A Súa ở thôn Giàng B, từ năm 2017 đã đầu tư xây dựng điểm du lịch Cốc Tình với diện tích 4ha. Tận dụng địa hình, địa vật tự nhiên, bằng sức sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, anh Súa đã tạo cảnh quan bằng lối đi men theo hệ thống vách đá, những gốc cây cổ thụ và hệ thống hang động nằm sâu dưới lòng đất để quy hoạch và chia thành từng khu vực tạo sự hấp dẫn, kỳ thú cho điểm du lịch.
Anh Nguyễn Văn Hoàn - du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Trước đây tôi đã lên Suối Giàng nhiều lần nhưng người dân nơi đây chưa mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch. Lần này trở lại, tôi thấy đồng bào Mông đã biết phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là du lịch cộng đồng, như mô hình khám phá vẻ đẹp về thiên nhiên, cảnh quan môi trường của anh Súa là một điển hình”.
Với ý tưởng táo bạo, giữ cảnh quan môi trường, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, điểm du lịch Cốc Tình của anh Súa đã đón hàng ngàn lượt du khách, thu nhập bình quân đạt 70 triệu đồng/năm.
Anh Súa cho biết: "Lúc đầu bắt tay vào làm tôi gặp nhiều khó khăn, gia đình không đồng ý, vốn ít, chưa có mô hình nào tương tự làm mẫu. Nhưng để gìn giữ cảnh quan môi trường, tạo điều kiện cho du khách đến khám phá, chiêm ngưỡng vẻ thiên nhiên hoang dã, tôi đã mạnh dạn đầu tư điểm du lịch Cốc Tình này”.
Đến với Suối Giàng, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động cùng đồng bào bản địa như hái chè, sao chè và thưởng thức hương vị đậm đà của chè Shan tuyết Suối Giàng, cùng ăn bữa cơm với các món ẩm thực độc đáo của người Mông hay tận hưởng không khí trong lành của miền rừng cổ tích...
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua, xã Suối Giàng đã tập trung tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Năm 2016, từ một vài hộ dân ban đầu, đến nay toàn xã Suối Giàng đã có 30 hộ người Mông đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Anh Vàng A Giao - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: "Để người dân chuyển đổi, đầu tư mô hình du lịch cộng đồng lúc đầu rất khó khăn, bởi đồng bào còn nhiều hạn chế, chưa am hiểu về cách thức làm du lịch. Tuy nhiên, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động, phối hợp mở các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng để khai thác thế mạnh của địa phương nên đã dần thay đổi nhận thức trong cách làm ăn của đồng bào. Chính họ đang là cầu nối, điểm nhấn đưa du khách đến với Suối Giàng để tham quan, khám phá những điểm du lịch hấp dẫn, nét văn hóa ẩm thực truyền thống, thú vị của dân tộc Mông”.
Sự thay đổi về tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm trong khai thác các thế mạnh của địa phương gắn với phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng đi mới của đồng bào dân tộc Mông Suối Giàng, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Văn Tuấn