Chẳng phải ngẫu nhiên mà Mù Cang Chải - mảnh đất vùng cao xa xôi nhất của tỉnh Yên Bái từng 2 lần được xướng danh là danh thắng tuyệt sắc trên thế giới, là đại diện duy nhất của Đông Nam Á góp mặt trong danh sách "những điểm đến rực rỡ nhất thế giới” do Tạp chí du lịch uy tín của Mỹ CN Traveler xếp hạng.
Nếu mùa lúa chín, Mù Cang Chải lộng lẫy, quyến rũ trong sắc vàng của tầng tầng, lớp lớp, trùng điệp những thửa ruộng bậc thang tựa như "nấc thang lên thiên đường” thì vào mùa nước đổ, non cao Mù Cang Chải lại lóng lánh hòa quyện trời nước, đẹp tựa như một bức tranh, khiến du khách đã một lần đến nơi đây đều hút hồn, mê đắm.
Đầu năm 2020, Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Nét sinh hoạt đời thường của người phụ nữ Mông cũng là hình ảnh thu hút du khách khi đến mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải.
Nhận thức rõ về sức hấp dẫn riêng biệt mà Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải mang lại, huyện Mù Cang Chải đã luôn chú trọng phát huy lợi thế về du lịch, quy hoạch các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh vùng, địa phương để thu hút du khách. Đặc biệt, đầu năm 2020, Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt chính là quyết định có tính chiến lược, đột phá, giúp định hướng đưa du lịch Mù Cang Chải nói riêng và du lịch Yên Bái nói chung có điều kiện thuận lợi để phát triển.
Màn múa xòe - điệu múa đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái vùng Mường Lò - Tây Bắc đã được Chính phủ đệ trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và màn nghệ thuật diễu diễn đường phố trong Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được coi là "đặc sản” văn hóa, là điểm nhấn hấp dẫn, thu hút du khách đến với tỉnh Yên Bái vào mỗi dịp tháng 9 mùa thu hàng năm.
Màn múa xờe trong Lễ hội văn hóa- du lịch Mường Lò mỗi dịp tháng 9 hàng năm đã trở thành "đặc sản" du lịch của mảnh đất Mường Lò.
Hòa mình vào cuộc sống thường nhật người dân bản địa, trải nghiệm các hoạt động, sinh hoạt văn hóa và thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng riêng có; nghệ thuật truyền thống do chính người dân bản địa biểu diễn cũng là những điểm nhấn ghi dấu trong lòng du khách, tạo nên sức hút của du lịch cộng đồng Mường Lò.
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn ra khoảng từ 20 đến 22 lễ hội. Trong đó, có 4 lễ hội thường niên được tổ chức tại các di tích văn hóa, di tích danh thắng và khoảng 18 lễ hội tổ chức 2 - 3 năm một lần. Các lễ hội ở Yên Bái đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 30 dân tộc anh em trên địa bàn; đồng thời, giúp cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn có điều kiện phát triển.
Trải nghiệm các hoạt động, sinh hoạt văn hóa cùng người dân bản địa là những điểm nhấn ghi dấu trong lòng du khách, tạo nên sức hút của du lịch cộng đồng.
Xây dựng sản phẩm du lịch được xác định là hướng đi bền vững, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Yên Bái. 5 năm qua, một số khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã hình thành, tạo điểm nhấn cho du lịch ở các địa phương. Homestay suối khoáng nóng Trạm Tấu; Homestay Mù Cang Chải Ecolodge; Homestay Lavie Vũ Linh; Khu nghỉ dưỡng Dragon Fly; Lechamp Tú Lệ Resort … là những cái tên nhanh chóng trở thành từ khóa hàng đầu trong tìm kiếm các tour nghỉ dưỡng, trải nghiệm cuối tuần của du khách mọi miền đến Yên Bái.
Lechamp Tú Lệ Resort đang là địa điểm nghỉ dưỡng cuối tuần hấp dẫn được nhiều du khách tìm kiếm.
Yên Bái cũng là điểm đến đặc biệt hút khách bởi du lịch tâm linh. Với 14 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia là đền Mẫu Đông Cuông và Nhược Sơn, những năm qua, huyện Văn Yên luôn coi trọng công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa vật thể, tạo điểm nhấn trong hoạt động du lịch tâm linh.
Bằng việc thường xuyên đổi mới, đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện tài nguyên và định hướng phát triển của tỉnh, ngành du lịch Yên Bái đã về đích trước 1 năm so với mục tiêu năm 2020 đón thu hút 700.000 lượt khách trong đó 40.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 350 tỷ đồng theo Nghị quyết 35 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Việc thường xuyên tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch hàng năm dựa trên lợi thế khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan với các hoạt động đa dạng, mới mẻ, các loại hình, sản phẩm du lịch mới chính là cách mà Yên Bái tạo hiệu ứng mạnh mẽ, điểm nhấn quan trọng để xây dựng "thương hiệu” riêng, để xứng đáng để Yên Bái là "nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc", độc đáo và bản sắc.
>> Bài 2: Phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn
Thanh Chi - Mạnh Cường