Nhiều cơ chế hỗ trợ phục hồi du lịch Yên Bái
Để phục hồi ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỉnh Yên Bái đã triển khai kịp thời nhiều cơ chế, chính sách như: Hỗ trợ cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch; hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; hỗ trợ phát triển tài nguyên, sản phẩm du lịch. Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có gần 100 cơ sở du lịch được hỗ trợ trực tiếp với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.
Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã đón hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch, bằng 119% kế hoạch và bằng 164% so với kịch bản 9 tháng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt gần 900 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2021.
Vẻ đẹp ruộng bậc thang giúp Mù Cang Chải hấp dẫn, thu hút khách du lịch. (Nguồn: PYS Travel)
Bên cạnh các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã trở thành thương hiệu của tỉnh Yên Bái. Một vài năm trở lại đây, loại hình du lịch mạo hiểm đang dần trở thành xu hướng phát triển mới cho du lịch Yên Bái, như: Leo núi, dù lượn, chèo thuyền... Điều đó không chỉ hấp dẫn du khách mà còn thu hút các nhà đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của Yên Bái.
Từ đó, hình thành sản phẩm du lịch mới mang tầm cỡ quốc gia, thu hút đông đảo du khách về với Yên Bái, như: Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng" được tổ chức tại danh thắng quốc gia ruộng bậc thang trên đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải; lễ hội Âm vang hồ Thác Bà, huyện Yên Bình; lễ hội săn mây trên đỉnh Tà Xùa, huyện Trạm Tấu, lễ hội Về miền Đất Ngọc, huyện Lục Yên…
Đa dạng sản phẩm du lịch Yên Bái
Nhận thức rõ giá trị của thiên nhiên để phát triển du lịch, trong năm 2022, nhiều danh thắng tự nhiên nổi tiếng đã được tỉnh Yên Bái quy hoạch, bảo tồn, quản lý và hỗ trợ đầu tư hạ tầng.
Điển hình như: Khu bảo tồn Nà Hẩu, khu bảo tồn Chế Tạo, bãi đá cổ La Pán Tẩn, đỉnh núi Tà Xùa, đỉnh Lùng Cúng, đỉnh Khau Phạ, đỉnh Tà Chì Nhù... cùng hàng chục con suối với những thác nước hùng vĩ, như thác Háng Đề Chơ, thác Mơ, thác Pú Nhu, thác Khe Cam, thác Khuổi Luông...
Hiện tại, tỉnh Yên Bái đã duy trì, khôi phục và xếp hạng được 86 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, có 746 di sản phi vật thể và 574 di sản vật thể. Trong đó, các lễ hội truyền thống đóng vai trò quan trọng, hấp dẫn du khách, tiêu biểu như: Lễ hội Xòe Thái; lễ Mừng cơm mới, lễ Tết nhảy, lễ Cầu mùa, lễ hội Hạn Khuống...
Điểm bay dù lượn Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải thu hút rất đông du khách.
Tiếp đà phục hồi du lịch Yên Bái, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa, kích cầu du lịch trên cơ sở phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mới đáp ứng xu hướng của thị trường.
Đồng thời, làm tốt việc nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và dự báo, đánh giá nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện các sản phẩm du lịch thật sự đặc sắc của Yên Bái theo hướng chuyên nghiệp, bài bản.
(Theo Dân Việt)