Yên Bái: Du lịch, OCOP - sự "cộng sinh" tuyệt vời!

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/10/2022 | 2:09:49 PM

YênBái - Sản phẩm du lịch làm OCOP để chuẩn hóa, du lịch cần OCOP để có sản phẩm đặc trưng, thu hút khách du lịch; OCOP cần du lịch để trở thành kênh quảng bá, tiêu thụ hiệu quả. Tất cả đã và đang kết nối, tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển - một mối quan hệ “cộng sinh” nhiều triển vọng.

Sản phẩm OCOP 4 sao - Không gian văn hóa trà Suối Giàng thu hút đông đảo khách du lịch.
Sản phẩm OCOP 4 sao - Không gian văn hóa trà Suối Giàng thu hút đông đảo khách du lịch.

Tấm giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao được đặt trang trọng và đầy tự hào tại Không gian văn hóa trà Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn bởi đây là căn cứ tin cậy để du khách được sử dụng dịch vụ và các sản phẩm có tiêu chuẩn. 

Anh Đặng Thái Sơn - Quản lý Khu du lịch Không gian văn hóa trà Suối Giàng bày tỏ: "Chúng tôi hiểu được rằng, sản phẩm du lịch có tính chất vô hình và đặc trưng. 2 tính chất này sẽ được chứng nhận khi được chứng nhận OCOP. Bởi vậy, sản phẩm du lịch càng cần được chứng nhận OCOP bởi tiêu chuẩn OCOP sẽ nâng cao giá trị cho sản phẩm du lịch, giúp sản phẩm du lịch phát triển bền vững và trở thành địa chỉ tin cậy cho khách du lịch”. 

Quả thực, hiện nay, Không gian văn hóa trà Suối Giàng đang là một điểm đến nổi bật, thu hút một lượng lớn khách du lịch cả quốc tế và nội địa. Ngoài phong cảnh, thiên nhiên, khí hậu trời ban, ở đây đặc sắc bởi sự khéo léo tận dụng những vật liệu địa phương trong kiến trúc từ phòng nghỉ cho đến khu vực nhà hàng: tường đá, ván pơ mu, cột chống và bàn ghế bằng những chất liệu gỗ, tre, trúc được thiết kế theo phong cách đơn giản nhưng lại hết sức tiện nghi và hiện đại. 

Đặc biệt, là khoảng không gian có tầm bao quát rộng có thể nhìn ra 4 hướng với những đỉnh núi xa mờ, những áng mây trôi hờ hững hòa cùng những bản người Mông ẩn hiện dưới tán chè cổ thụ. Ngoài ra, ở đây còn có các địa điểm thăm quan, dịch vụ tiện ích và trải nghiệm đầy thú vị như: tổ chức sự kiện, ẩm thực địa phương, văn hóa đồng bào Mông, cắm trại và đặc biệt là nghệ thuật về trà: hái chè, thăm cây chè cổ, lớp học về trà, thưởng trà. Tất cả đã được chuẩn hóa theo các quy trình.

Có thể thấy, sản phẩm du lịch không tồn tại ở dạng vật chất, không thể  kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi mua, gây khó khăn cho việc chọn sản phẩm. Do đó, khách du lịch chỉ có thể đánh giá chất lượng sản phẩm qua các yếu tố như tính đặc trưng của điểm đến, người phục vụ, thông tin cung cấp…

Trong khi để được công nhận OCOP, sản phẩm du lịch phải trải qua các đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí về: tổ chức dịch vụ, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng, chất lượng sản phẩm, trang thiết bị, tiện nghi, kiến trúc, người quản lý và nhân viên…  


Khai thác hiệu quả du lịch sẽ trở thành kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP tiềm năng. (Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm, văn hóa, du lịch Mường Lò). 
 
Xác định càng có nhiều sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP sẽ thúc đẩy việc chuẩn hóa, phát triển sản phẩm du lịch, khẳng định lợi thế, tiềm năng du lịch của tỉnh nhà, từ năm 2020, tỉnh Yên Bái đã giao chỉ tiêu cụ thể để các ngành chức năng phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ các chủ thể hình thành và phát triển sản phẩm du lịch OCOP theo từng năm. 

Nhờ đó, đến nay, tỉnh có 13 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm 24,6% các sản phẩm OCOP thuộc nhóm này của cả nước. Khi chất lượng các sản phẩm du lịch được khẳng định thì du lịch rất cần thêm những sản phẩm đặc trưng hấp dẫn để làm mới, thu hút khách du lịch; trong khi sản phẩm OCOP cần mở rộng thị trường, tạo sự lan tỏa, quảng bá sâu rộng đến người tiêu dùng. 

Nhận diện được lợi ích từ sự cộng sinh này, tỉnh đã và đang định hướng xây dựng các sản phẩm OCOP hợp lý để kết hợp hài hòa cả hai yếu tố này. Trong các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh, bên cạnh việc ra mắt các sản phẩm du lịch OCOP, phát triển sản phẩm đặc trưng đạt tiêu chuẩn OCOP phục vụ khách du lịch cũng là một nhiệm vụ được tỉnh quan tâm triển khai. 

Tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng bố trí, xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch nổi bật của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục lựa chọn, vận động các hộ gia đình duy trì hoạt động, dịch vụ chế biến các món ăn truyền thống để giới thiệu cho khách du lịch thưởng thức và trải nghiệm cách chế biến; khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm đồ lưu niệm, đặc sản địa phương, nhất là các sản phẩm được chứng nhận OCOP giới thiệu, bày bán sản phẩm tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh. 

Đến nay, Yên Bái xây dựng được 138 sản phẩm OCOP. Ngoài 13 sản phẩm thuộc nhóm ngành dịch vụ - du lịch, nhiều sản phẩm còn lại có tiềm năng lớn để phục vụ du lịch. Tiêu biểu như: du lịch Văn Yên thì có đa dạng các sản phẩm từ quế như: trà, tinh dầu; du lịch hồ Thác Bà có các loại cá sấy, bưởi Đại Minh; du lịch Mường Lò có gạo Séng cù, lạp sườn, thịt sấy; du lịch Văn Chấn có gạo nếp Tú Lệ, chè Shan tuyết, cam... Đây đều là những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, được nâng tầm về chất lượng, mẫu mã, bao bì, có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và quà biếu của khách du lịch. 

Chị Đỗ Như Yến - du khách đến từ Hà Nội tâm sự: "Mỗi khi đi du lịch, tôi rất thích tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương để sử dụng cũng như biếu tặng người thân, bạn bè. Tôi luôn ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có nhãn mác, bao bì và được cơ quan chức năng chứng nhận vừa để tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vừa có mẫu mã, bao bì, đóng gói đẹp mắt, dễ bảo quản và di chuyển. Bởi vậy, trong chuyến du lịch Suối Giàng, tôi rất an tâm chọn mua các sản phẩm chè của thương hiệu Đại lão vương trà - một sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao”. 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hỗ trợ thành lập 8 điểm trưng bày, giới thiệu, bày bán sản phẩm OCOP để du khách trực tiếp trải nghiệm và sử dụng các sản phẩm đặc sản chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng của địa phương.

Anh Liễu Ngọc Mậu - Quản lý Trung tâm Giới thiệu sản phẩm, văn hóa, du lịch Mường Lò (UBND thị xã Nghĩa Lộ) chia sẻ: "Sau một thời gian dài hoạt động du lịch bị đóng băng thì nhờ các hoạt động lễ hội, lượng khách du lịch đổ về đây tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của khách du lịch, chúng tôi đã chủ động bố trí, sắp xếp lại việc trưng bày sản phẩm cho gọn gàng, bắt mắt; tuyên truyền, vận động chủ thể có sản phẩm chuẩn bị hàng hóa để sẵn sàng cung ứng; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá để tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của thị xã trong đợt này. Đây chính là thời điểm vàng để chủ thể tiêu thụ sản phẩm bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống”.

Việc thúc đẩy các sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP là hướng đi đúng để chuẩn hóa và phát triển. Du lịch đi cùng với OCOP làm tăng sức hút cho các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, kéo dài thời gian trải nghiệm, gia tăng mức chi tiêu, mua sắm của du lịch; thông qua hoạt động du lịch cũng tăng sức lan tỏa, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP, từ đó, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa phát triển. Với mục tiêu đón trên 1,5 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 1.500 tỷ đồng vào năm 2025, việc tiếp tục khai thác triệt để sự cộng sinh của OCOP và du lịch chính là một giải pháp hữu ích.

Hoài Anh

Tags Du lịch OCOP thị trường quảng bá Yên Bái Suối Giàng bưởi Đại Minh Mường Lò gạo Séng cù Không gian văn hóa trà Suối Giàng

Các tin khác
Lễ khai mạc Lễ hội Quế Văn Yên lần thứ III. năm 2019 với chủ đề

Với chủ đề "Quế Văn Yên - Thương hiệu vươn xa”, Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ IV - năm 2022 sẽ diễn ra trong 2 ngày 14 – 15/10.

Mỗi ngày có hàng nghìn du khách đổ về Mù Cang Chải chụp ảnh, ngắm mùa lúa chín vàng

Tháng 9, 10 cũng là thời điểm những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) chuyển sang màu vàng vóng, thu hút hàng nghìn khách du lịch tới thăm.

Festival dù lượn trên đỉnh đèo Khau Phạ sẽ được khai mạc trong sự kiện du lịch “Mùa nước đổ” năm 2022.

Theo thống kê 9 tháng năm nay của Sở Kế hoạch-Đầu tư Yên Bái, toàn tỉnh đón hơn 1,3 triệu lượt khách, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu từ du lịch ước đạt gần 900 tỷ đồng, tăng 105%.

Xòe Thái, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã trở thành thương hiệu cho du lịch Yên Bái .

Bên cạnh các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng vốn đã trở thành thương hiệu của tỉnh Yên Bái, du lịch mạo hiểm đang là xu hướng phát triển mới của địa phương này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục