Homestay Chinh Bi - Bản Đoàn Kết, xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ thường tổ chức các tour cho du khách đi tham quan bản làng, nhất là các mô hình nông nghiệp sản xuất lúa, trồng rau, trồng bí, trồng dưa; tham quan tuyến đường hoa; trải nghiệm đánh bắt cá trên suối Thia... Những sản phẩm do chính du khách nhìn thấy, được thu hoạch, hái lượm, đánh bắt về chính là thực phẩm để chế biến ẩm thực cho du khách.
Chị Hoàng Thị Loan - chủ Homestay Chinh Bi cho biết: "Hôm đó, gia đình và các hộ dân trong bản có thực phẩm gì hoặc đánh bắt được cá gì là gia đình chế biến những món đó, tuyệt đối không mua thêm các thực phẩm ở chợ. vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, tươi ngon vừa tạo ra những trải nghiệm thú vị cho du khách”.
Gia đình chị Hoàng Thị Loan làm homestay từ năm 2017, đã đầu tư gần 100 triệu đồng vào chỉnh trang lại khuôn viên nhà cửa, nâng cấp ngôi nhà sàn mang đậm bản sắc văn hóa Mường, đáp ứng tốt dịch vụ du lịch. Bình quân mỗi tháng, gia đình đón từ 30 - 70 lượt khách, cao điểm có tháng từ 300 - 500 lượt khách, trong số đó có 50% là khách nước ngoài. Homestay của gia đình chị Loan còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho các dịch vụ khác của thôn bản như: biểu diễn văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm đánh bắt cá, thuê trang phục, mua đặc sản địa phương...
"Thường khi có khách, gia đình tôi sẽ xây dựng 1 tour ngắn giờ khoảng trên dưới 1 tiếng để khách đi tham quan và trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên và bản sắc văn hóa nơi đây. Với khách nam và trẻ, họ thích đánh bắt cá suối với người dân bản địa; khách nữ và trẻ nhỏ thích được tham gia các tour gói bánh chưng đen, tìm hiểu và mặc trải nghiệm các trang phục truyền thống” - chị Hoàng Thị Loan cho biết thêm.
MuongLo Farmstay bản Mường ở xã Phúc Sơn cũng là không gian với hướng phát triển du lịch xanh, trải nghiệm nông nghiệp gắn với bảo tồn không gian văn hóa Mường. Du khách đến đây sẽ được thưởng thức không khí trong lành với các trải nghiệm lao động, sản xuất tại khu vườn của gia đình rộng hơn 1.000 m2 chuyên trồng các loại rau và trồng cây sim rừng.
Chị Đinh Thị Đương - chủ MuongLo Farmstay bản Mường cho biết: "Trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, gia đình đã tiếp đón hơn 100 lượt khách đến du xuân. Du khách được trải nghiệm bản làng, tham quan cấy lúa, thu hoạch nông sản tại vườn của gia đình. Năm 2023 này, gia đình tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và thiết kế các tour cho du khách tham quan các mô hình nông nghiệp hữu cơ trong xã, trong bản; phát triển dịch vụ tắm thuốc của đồng bào dân tộc Mường; đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá trên trang mạng xã hội về mô hình du lịch xanh, trải nghiệm nông nghiệp này để du khách biết đến nhiều hơn”.
Cùng với việc khai thác, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương để làm du lịch, hướng kết hợp với mô hình trải nghiệm xanh, thực phẩm sạch do chính các homestay và người dân địa phương sản xuất, nhằm cung cấp các dịch vụ tốt cho du khách cũng như giúp du khách trải nghiệm chân thực đời sống của bà con bản địa là cách mà nhiều homestay ở thị xã Nghĩa Lộ đã và đang quan tâm phát triển.
Chính nhờ vậy, hiện nay, trên địa bàn thị xã có 35 hộ làm homestay hiệu quả và ngày càng phát triển mở rộng, hình thành các bản làng văn hóa truyền thống gắn với cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, như: bản văn hóa truyền thống Sà Rèn, Đêu I, Đêu II, thôn Ao Luông...
Với cách làm homestay sáng tạo, chủ động của các hộ dân, du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đang ngày càng thu hút khách du lịch.
Thu Hạnh