Phúc An có đát Ô đồ

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Khách thăm quan du lịch trên hồ Thác Bà lúc đi ngang qua xã Phúc An, đôi khi nhìn thấy thấp thoáng bóng áo chàm, áo xanh của các cô gái dân tộc Cao Lan xinh đẹp qua lại bên đát Ô Đồ (Thác Ô Đồ), ở đâu đó có văng vẳng vọng ra câu ca: Phúc An có đát Ô Đồ Có suối róc rách, bóng cô áo chàm

(Ảnh: Minh Đức)
(Ảnh: Minh Đức)

Xưa kia ở vùng đất này có con suối Ô Đồ chảy từ trên núi cao xuống tràn qua 3 cái thác, thác bên dưới gọi là đát Ô Đồ, có cái vực sâu, tương truyền là nơi trâu bạc ở. Theo Sự tích đát Ô Đồ của dân tộc Cao Lan kể thì ngày xưa cạnh miệng vực có một tràn ruộng nối liền với đồi nương của một ông già Cao Lan nghèo khổ. Một hôm ông bỗng thấy một con trâu bạc đang ăn lúa ở ruộng. Ông rình bắt thì con trâu bạc lồng lên, chạy thục mạng, nhảy xuống vực sâu mất tăm. Ông đành trở về, đến chỗ trâu ăn lúa bắt gặp một đoạn trạc trâu bị đứt rơi bên bờ ruộng, ông đem về lán, vứt ở cạnh bếp. Sáng ra, ông thấy đoạn trạc trâu đã hóa thành một dây bạc, từ đó nhà ông trở nên giàu có nhất vùng. Vua nghe tin bèn cho quân lính đến tát cạn vực nước, bắt trâu bạc. Binh lính tát nước ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng cũng thấy trâu bạc nằm ở đáy vực, nhưng không làm sao kéo lên được. Vua thân chinh đến, dừng kiệu trên đồi xem. Ba cô công chúa đòi xuống đáy vực xem trâu. Ngửi thấy mùi con gái, trâu bạc rùng mình chạy lồng lên. Thế là mương phai đập chắn bị đổ vỡ. Nước suối trên thượng ngàn đổ xuống ào ào. Binh lính và ba cô công chúa bị nước ống cuốn chìm, xác trôi ra ngoài sông Chảy. Ông già và bà con thôn bản thương tình ba cô công chúa, nhất loạt nhảy xuống sông cứu vớt, đưa xác ba cô lên chôn cất tử tế. Vua thấy vậy bèn ban ơn cho dân bản cả vùng được làm nương vườn không phải nộp thuế. Từ đó, vùng đất này được gọi tên là Vua Tha, bao gồm 3 thôn: thôn Khuôn Đát, thôn Ngòi Tha, thôn Đồng Tanh. Sau này, dưới thời Pháp cai trị, chúng đổi tên là xã Vô Tha (tức là không tha, vẫn phải nộp thuế).

Ngày nay, dưới chế độ mới, ta đổi tên là xã Phúc An. Tuy nhiên, ở vùng này vẫn còn các địa danh gọi ghép, trong đó có từ "tha". Ví dụ: hai thôn Ngòi Tha và Đồng Tanh ngày xưa được ghép thành "Đồng Tha", có Hợp tác xã Đồng Tha. Còn ở thôn Khuôn Đát có lập đền thờ cúng thác Ông Đồ (đát Ông Đồ), nơi trâu bạc ở và ba cô con gái vua chết. Hàng năm, vào dịp tháng giêng, tháng hai, dân làng còn đến cúng viếng trước ngọn thác Ông Đồ, miệng thầm gọi tên thác nước linh thiêng "Ô Đồ Đát thượng, Ô Đồ Đát hạ" và tưởng nhớ thương tiếc bà áo đỏ, bà áo xanh, bà áo vàng tượng trưng cho ba cô công chúa. Ngày nay ở chính chỗ trâu bạc nằm dưới vực đã xây dựng một trạm thủy điện nhỏ với công suất 30KW cung cấp điện cho dân xã Phúc An, do sự giúp đỡ của công nhân Nhà máy thủy điện Thác Bà.

Hoàng Việt Quân 
       

Các tin khác
Để chế biến món Pà mẳm ngon nhất thiết phải có cá ao, cá ruộng.

YBĐT - Trong rất nhiều món ăn của đồng bào Thái ở Yên Bái thì Pà Mẳm được coi là một trong những món ăn đặc sản mà đến nay còn rất ít người biết làm và chỉ được dùng trong những dịp gia đình có việc trọng đại hoặc như thiết đãi khách quý đến chơi nhà.

Thung lũng Tình yêu.

YBĐT - Từ thành phố Hồ Chí Minh, đi ô tô theo quốc lộ 20 chừng 300 km là đến Đà Lạt (thuộc tỉnh Lâm Đồng). Con đường sẽ đưa du khách lên cao dần và khi chạm vào Đà Lạt ở thác Pren thì trước mặt đã là ngút ngàn rừng thông hai lá, ba lá. Nếu đi theo đường 27 từ Phan Rang ngược sông Dinh lên, chúng ta đứng trên đèo Ngoạn Mục với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ trước mắt. Từ trên đèo Ngoạn Mục nhìn xuống, thấy bờ vực dốc đứng, sâu thẳm, lấp ló qua những rặng thông là con đường ngoằn ngoèo rắn lượn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục