Ngày xuân lên Lào Cai đi lễ hội

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tuy có nhiều ý nghĩa, mục đích, nội dung khác nhau mang đặc trưng của từng dân tộc, nhưng tất cả đều có điểm chung là hoạt động vui xuân cộng đồng, với niềm tin và những hy vọng về một năm mới "mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa".

"Hùng khí Hoàng Liên

 

Đất thiêng Ái Bắc

 

Trời Lào Cai rực rỡ sắc hoa

 

Sông Hồng Hà phù sa cuộn chảy

 

Thắp hương, nghiêng mình ơn đức ông cha

 

Châm nến, cúi đầu, phụng thờ công lao tiên tổ"

 

Lời khởi đầu của chúc thư cũng là ý nghĩa sâu thẳm của lễ hội Xuân Đền Thượng. Hàng năm, hội xuân Đền Thượng được tổ chức vào thời gian từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng, kỷ niệm ngày Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo tới đây xây dựng và củng cố biên cương. Từ năm 1996, Đền Thượng được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia, là chứng tích văn hóa truyền thống của người Việt ở sát nơi biên giới. Đó là một di sản văn hóa, tọa lạc uy nghi trên đỉnh Mai Lĩnh, nhìn xuống dòng sông Thi uốn lượn, với hệ thống "Tam Quan Ngoại", "Tam Quan Nội", "Hậu cung" và các nhà "Tả Vu", "Hữu Vu". Trên đỉnh đồi, phía sau hậu cung còn có nhà "Phượng Đình" có 8 con rồng thời Trần chầu xung quanh. Nổi bật ở giữa có tấm bia khắc về sự tích ngôi đền thờ Đức Thánh Trần. Gần đến Đền Thượng là Đền mẫu thờ bà chúa Thượng Ngàn cùng các vị thánh Đạo Mẫu, tạo thành một quần thể di tích. Tô điểm cho quần thể kiến trúc là cây đa cổ thụ sum xuê uy nghi mấy trăm năm tuổi nhưng vẫn xanh cao với núi sông, là biểu tượng sức sống của Lào Cai. Sau nghi lễ rước kiệu, dâng hương cầu người yên, vật thịnh vượng đến phần chính của lễ hội là các trò chơi: Thi nấu cơm, ném còn, kéo co, vật, cờ tướng, đẩy gậy, đánh đu, thể thao, văn hóa văn nghệ dân gian… Nhưng thú vị hơn cả có lẽ vẫn là được thưởng thức văn hóa ẩm thực của các dân tộc. Dù chưa một lần đến Lào Cai, chưa một lần đến các bản làng, song tới lễ hội Xuân Đền Thượng, du khách sẽ được tận hưởng những món đặc sản của đồng bào các dân tộc thiểu số mang đến. Khi thì ngây ngất trong men say của rượu Sán Lùng (Bát Xát), rượu ngô Bản Phố (Bắc Hà) với món "Thắng cố" vùng cao Si Ma Cai, Bắc Hà. Lúc nhấm nháp vị dẻo thơm của món cơm lam, bánh dầy ngũ sắc của dân tộc Tày (huyện Bảo Yên). Cứ thế, dư âm về nét đẹp văn hóa của lễ hội Xuân Đền Thượng vẫn còn vang vọng mãi trên các rẻo núi, bản làng, trong lòng mỗi du khách dự hội.

 

Trong hành trình đi lễ hội mùa xuân ở Lào Cai, thật đáng tiếc nếu không đến với lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Mường Khương. Theo tiếng quan thoại, Gầu Tào còn gọi là "Say Sán" hoặc "Sải Sán", có nghĩa là "đi chơi núi". Lễ hội được tổ chức hàng năm trong khoảng từ mùng 3 đến mùng 6 Tết âm lịch tại khu vực cụm xã Pha Long. Với hai phần chính là phần lễ và phần hội, lễ hội Gầu Tào không chỉ tụ họp rất đông đồng bào dân tộc Mông trong vùng và các xã lân cận, mà còn thu hút cả những du khách thập phương đến tham dự. Sau phần lễ được tiến hành mang đậm nét văn hóa tâm linh là đến phần hội, với 9 hoạt động chính gồm: múa khèn, hát đối, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đu quay, ném còn, đánh én, múa sinh tiền. Trong những hoạt động này, tất cả mọi người già, trẻ, gái, trai và cả những khách thập phương đều tham gia rất nhiệt tình. Các chàng trai, cô gái hát đối, ném còn, say đắm tung cho nhau những quả pao đỏ, xanh, vàng trong tiếng khèn, tiếng đàn môi gọi bạn tình… Dọc các bìa rừng hoặc trên các sườn núi, các cô thiếu nữ người Mông xúng sính trong bộ váy áo thổ cẩm rực rỡ vẫn còn thơm mùi chăn. Lũ trẻ con thì náo nức, rộng ràng trong những trò chơi kéo co, đẩy gậy, đu quay. Mỗi khi kết thúc một trò chơi, những tiếng reo hò cổ vũ, những trận cười giòn nắc nẻ vọng lên tít đầu ngọn núi và vang xa vào tận rừng xanh.

 

Vốn được mệnh danh là "thành phố trong mây", nhắc đến Lào Cai, người ta thường hay nhớ đến một Sa Pa huyền thoại có "bốn mùa trong ngày", với Thác Bạc, cầu Mây bồng bềnh sương giăng. Không chỉ tận hưởng phong cảnh tuyệt sắc vào mùa hè, đến Sa Pa vào mùa Xuân, du khách không quên tham dự lễ hội Roóng Poọc của người Giáy ở Tả Van. Trong những năm gần đây, lễ hội đã lan rộng trở thành lễ hội chung cho cả vùng thung lũng Mường Hoa, để mọi người cùng vui chơi, cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận gió hòa. Từ sáng sớm, làn sương còn giăng mù mịt, từng đoàn người đã tíu tít cười nói trong mây, hồ hởi về dự hội. Người Mông từ Hầu Thào, Lao Chải dồn xuống, người Dao từ Bản Hồ, Bản Phùng ngược lên, du khách từ thị trấn Sa Pa cũng tới dự làm cho lễ hội càng thêm đông vui. Hội thường được tổ chức tại một khu đất bằng phẳng phía đầu bản. Ở giữa có một cây còn cao vút làm bằng cây mai có một vòng tròn trên ngọn. Vòng tròn đó có một mặt dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, một mặt dán giấy vàng tượng trưng cho mặt trăng. Khi lễ cúng kết thúc, dàn trống, chiêng, điệu kèn pí lè đồng loạt tấu lên thông báo các trò chơi mang tính nghi lễ tượng trưng bắt đầu. Mở đầu là trò chơi ném còn. Những người cao tuổi, nam một bên, nữ một bên lấy 6 quả còn cùng ném tượng trưng 3 lần khai mạc, rồi sau đó mọi người cùng vào chơi. Những quả còn tua xanh đỏ vun vút lao lên, phông bị ném thủng là báo hiệu cho một năm mùa màng tốt tươi. Cứ thế các trò chơi rộn vang trong tiếng xuýt xoa reo hò cổ vũ. Ngày hội rồi cũng đến hồi kết thúc, các già làng làm lễ khấn và hạ cột còn, hai thanh niên khỏe mạnh cùng 2 con trâu mộng được chọn cầy 5 đường "xuống đồng" tượng trưng cho mùa vụ mới bắt đầu.

 

Tiết trời ấm dần lên, hoa đào ngày một tươi thắm hơn, đánh dấu năm cũ qua đi, năm mới đã đến, cuộc sống tiếp tục đâm chồi nảy lộc. Chia tay các lễ hội trong niềm nuối tiếc, bởi dư âm về nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Lào Cai vẫn còn vang vọng mãi trên các rẻo núi, bản làng, trong lòng mỗi du khách dự hội.

 

 Thu Minh

                        (Báo Lào Cai)

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Sáng 16/5, UBND thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị về thúc đẩy phát triển du lịch thị xã.

Nghi thức tế lễ tại Lễ hội giỗ Mẫu đền Tuần Quán

Thành phố Yên Bái là nơi chứa đựng nhiều di tích văn hóa tâm linh có từ nhiều thế kỷ với tín ngưỡng dân gian phong phú, đặc sắc, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu với nhiều lễ hội, nghi lễ và lễ tục đẹp, góp phần tạo điểm nhấn bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới đây.

Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được tổ chức vào đúng dịp Tết Đoan Ngọ năm nay. Đây là lần đầu tiên Lễ hội trái cây quy mô cấp vùng được tổ chức tại Tiền Giang.

Ghềnh Đá Đĩa - địa điểm du lịch Phú Yên nhất định phải đến một lần

Nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông du lịch Việt Nam, TikTok Việt Nam sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện chương trình truyền hình thực tế “Nét đẹp Việt mùa 2”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục