Hương sắc vùng cao
- Cập nhật: Thứ năm, 8/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại huyện vùng vùng cao Mù Cang Chải khi xuân sớm vừa tô thắm những cánh rừng đại ngàn, những triền ruộng bậc thang của đồng bào Mông. Lất phất những hạt mưa xuân khiến cho không khí đón xuân của đồng bào vùng cao như có phần rộn rã.
Phiên chợ vùng cao
|
Từ thành phố Yên Bái, qua bao núi bao đèo, chiếc xe khách chòng chành, ì ạch mất hơn 5 giờ đồng hồ mới tới được thị trấn Mù Cang Chải. Khí hậu vùng cao này thật khắc nghiệt, đang tạnh khô vậy mà mưa có thể đến bất chợt. Tới chân đèo Cao Phạ giữa trưa mà mây mù đã giăng kín, càng lên cao mây mù càng nhiều, mây mù quyện với sương tạo nên những cơn mưa bất chợt, mưa mỗi lúc một nặng hạt, không khí lạnh dường như cũng đậm hơn. Dù đã quàng lên người những chiếc áo dày nhất vậy mà tôi vẫn phải rùng mình vì cái lạnh mỗi khi có cơn gió len qua cửa xe. Phải mất hơn tiếng đồng hồ chiếc xe khách mới ra khỏi vùng mây mù dày đặc ấy để tiếp tục cuộc hành trình đưa chúng tôi tới thị trấn Mù Cang Chải.
|
Tới thị trấn thì trời đã xế chiều, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân tới huyện vùng cao này khắc hẳn với những năm trở về trước. Mù Cang Chải hôm nay đã đổi thay nhờ luồng gió mới của Đảng và Nhà nước. Điều đó được minh chứng bằng những ngôi nhà xây mới khang trang, đường làng lối xóm đã trải nhựa, bê tông hóa rộng thênh thang mở ra cuộc sống mới cho người dân vùng cao này. Ngoài phong cảnh sơn thủy hữu tình thật đẹp, thật thơ mộng thì buổi chiều cuối đông ở nơi đại ngàn này dường như cũng êm ả, ánh chiều như chậm và tĩnh lặng hơn. Từ phía chân trời xa xa mây mù quyện với những làn khói lam chiều đã giăng kín trên những nếp nhà sàn xinh xắn của đồng bào Mông. Thoảng trong gió núi tiếng hát trong trẻo, tiếng sáo gọi bạn tình thiết tha của những chàng trai, cô gái người Mông sau phiên chợ chiều, cùng những điệu cười e ấp ửng hồng trên đôi má thiếu nữ miền sơn cước khi bắt gặp một vài ánh mắt mê mẩn của những người khách lạ. Tất cả như đang tạo nên một nét riêng, một bản tình ca về hương sắc vùng cao.
ấn tượng nhất ở thị trấn vùng cao này có lẽ là buổi chợ phiên cuối năm. Ngay từ sáng sáng sớm, người dân đã nô nức đi chợ sắm tết, người vác kẻ thồ tấp nập khiến cho cái rét của buổi sáng mùa đông dường như được xua tan. Các chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong những trang phục thổ cẩm lộng lẫy cùng nhau đi chợ. Một trong những điều khác biệt của những phiên chợ vùng cao này là người dân không biết nói thách, không có sự mặc cả. Ngoài những mặt hàng truyền thống như ngô, lúa gạo, thổ cẩm thì những mặt hàng khác phục vụ tết cho đồng bào vùng cao cũng phong phú không kém như các mặt hàng điện tử, điện gia dụng... Giao thông thuận tiện, thông thương hàng hoá từ miền xuôi lên, miền ngược về đã góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vùng cao với vùng thấp. Tuy vậy những mặt hàng truyền thống như thổ cẩm vẫn mang một nét đặc trưng không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào vùng cao.
Cùng với bà con dân bản, năm nay gia đình trưởng bản Mùa Cháng Mang xã Kim Nọi ăn tết to lắm, những người dân cùng bản cho hay. Được biết trước kia, gia đình Mùa Cháng Mang đông con nghèo đói nhất nhì xã, đời cha, ông của Mang đều nghiện. Đến đời mình, Mùa Cháng Mang nghe theo Đảng và Nhà nước phá bỏ cây thuốc phiện, vận động dân bản định cư, làm lúa nước và trồng ngô, sắn để chăn nuôi. Cần cù chịu khó, đến nay gia đình ông đã có bát ăn bát để dựng vợ gả chồng cho con cái. Trong buổi chợ phiên cuối năm này, ông cùng vợ con xuống chợ từ sáng sớm, ngoài những vật dụng sắm tết năm nay, ông còn mua thêm chiếc máy xay sát về phục vụ bà con trong bản.
Thật vậy, cuộc sống người dân vùng cao giờ đây đã đổi thay, từ những con đường, công trình, những bản làng trù phú, nhà cửa xây dựng khang trang. Các dự án đầu tư vào các hạng mục: giao thông, thuỷ lợi, điện lưới quốc gia, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được triển khai ở tất cả 13 xã, thị trấn trong huyện, các chương trình trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhận dân phát triển kinh tế- xã hội, xoá đói giảm nghèo đã mở ra cuộc sống mới cho người dân vùng cao. Hiện nay 100% các xã của huyện Mù Cang Chải đã có đường ô tô đến trung tâm, có điện thoại để liên lạc, có trạm y tế, trường học là nhà xây kiên cố cùng nhiều công trình thủy lợi, thủy điện. Sản xuất nông lâm nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với chuyển dịch cơ cấu giống trong sản xuất lương thực, các cây công nghiệp như đậu tương, chè Shan, trồng rừng kinh tế đã được đưa vào để sản xuất hàng hoá. Chăn nuôi cùng được chú trọng phát triển theo hướng bán công nghiệp. Những cánh rừng, nương chè, ruộng bậc thang đang vào vụ trải dài tít tắp như hứa hẹn một sức sống mới nơi vùng cao đại ngàn.
Thị trấn Mù Cang Chải về đêm lung linh ánh điện của những cột đèn cao áp, phấp phới trên nóc Huyện ủy cờ Đảng, cờ Tổ quốc cùng những băng rôn, biểu ngữ "Mừng Đảng, mừng xuân" đỏ thắm tung bay trong gió xuân, hòa trong bản nhạc lời ca ơn Đảng phát ra từ đài phát thanh của huyện. Một mùa xuân mới đang về trên mọi nẻo đường thôn xóm. Huyện vùng cao Mù Cang Chải đang bừng sáng đón xuân trong khí thiêng của đất trời.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Trời đã sắp sang xuân.Trên cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn) đã buông nhẹ những hạt nắng vàng làm vơi bớt cái giá lạnh và xua đi tiết trời u ám. Vùng thấp thì vậy nhưng xã vùng cao Suối Giàng thì khác; ngược dăm cây số lên Suối Giàng thời tiết, khí hậu rét vẫn cắt da, cắt thịt. Trong sương giá ấy, những cành chè khẳng khiu, rêu phong bán ủ đã nảy lên những lộc biếc. Hoàn toàn có lý khi nói: “Chè Shan tuyết Suối Giàng được chắt lọc từ các tinh túy nhất của trời và đất”.
YBĐT - Trong những tập tục và quan niệm sống của người Mông thì rượu còn là một thức uống, người bạn gần gũi và không thể thiếu trong đời sống của họ.
YBĐT - Năm 2006, doanh thu từ dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 224 tỷ đồng. Riêng doanh thu từ các cơ sở lưu trú đạt 45 tỷ đồng. Tổng số khách đón và phục vụ trên 170.000 lượt, tăng 31% so với năm trước.
YBĐT - Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Hiểu và đánh giá đúng vị trí của chuối trong đời sống của mình mà người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon – bánh chuối - chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.