Chuyện dưới tán chè cổ thụ

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trời đã sắp sang xuân.Trên cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn) đã buông nhẹ những hạt nắng vàng làm vơi bớt cái giá lạnh và xua đi tiết trời u ám. Vùng thấp thì vậy nhưng xã vùng cao Suối Giàng thì khác; ngược dăm cây số lên Suối Giàng thời tiết, khí hậu rét vẫn cắt da, cắt thịt. Trong sương giá ấy, những cành chè khẳng khiu, rêu phong bán ủ đã nảy lên những lộc biếc. Hoàn toàn có lý khi nói: “Chè Shan tuyết Suối Giàng được chắt lọc từ các tinh túy nhất của trời và đất”.

(Ảnh: Thanh Phúc)
(Ảnh: Thanh Phúc)

Cụ Giàng Nhủ Phà năm nay ngoài 80 tuổi, người bản Tập Plăng kể rằng: Ngày xửa ngày xưa có một nhóm người Mông di cư trên những triền núi cao tít để tìm nơi định cư, qua bao ngọn núi, bao con suối, chịu nhiều đói khát và bệnh tật. Một ngày kia, đoàn người dừng chân bên một sườn núi có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ và có dòng suối bốn mùa nước trong xanh chảy. Giữa lúc đoàn người đang ốm đau, bệnh tật và đói khát, tộc trưởng ra lệnh cho dân làng dừng chân để nghỉ ngơi và cử những người khỏe mạnh tìm cây lá thuốc chữa bệnh. Thấy trong rừng có thứ cây lạ, trong buốt giá mà lá xanh mơn mởn, chồi non, lộc biếc tua tủa vươn lên, mọi người hái thử búp non đem đun với nước thì được một thứ nước xanh, thơm ngát, khi uống vào thấy vừa có vị chát vừa ngọt đậm. Đặc biệt hơn khi uống vào thấy cơ thể sảng khoái. Nghĩ rằng, trời đã cho dân làng một cây thuốc quý và chỉ cho mình một mảnh đất lành để định cư lâu dài, tộc người Mông ở lại lập làng, lập bản, sinh con đẻ cái. Cây chè Shan được đồng bào rất trân trọng và có tục các con ra ở riêng được bố mẹ chia cho mấy cây chè cũng ra đời từ đó.

 

Truyền thuyết của già Nhủ Phà kể lại không biết đã xảy ra từ bao giờ và chẳng ai biết cây chè Shan Tuyết có mặt ở Suối Giàng được bao lâu, chỉ biết rằng từ hàng chục năm qua chè Suối Giàng trở thành món quà quý, là thứ đặc sản tiêu biểu nhất của quê hương Yên Bái vốn đã có quá nhiều đặc sản.

 

Dưới góc độ khoa học kỹ thuật kỹ, sư Nguyễn Hợp Đoàn – Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, người đã nhiều năm gắn bó với vùng chè đặc sản Suối Giàng cho biết: Chè Shan tuyết Suối Giàng sinh trưởng ở nơi có thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu riêng biệt. Suối Giàng chủ yếu có ánh nắng tán xạ, thời gian nắng trong ngày ngắn, mùa hè nhiệt độ chênh nhau giữa ngày và đêm rất cao, vùng đất Suối Giàng có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ bình quân trong năm từ 22 đến 24 độ. Về thổ nhưỡng, chất đất ở Suối Giàng có hàm lượng pherarít cao…

 

Tất cả các yếu tố trên sẽ tạo cho cây chè có độ ta -  nanh thấp ( vị chè không chát đắng mà chát ngọt); các chất hòa tan có trong búp chè có khả năng chuyển hóa cao và do ở vùng cao (1400 mét so với mặt biển), khí hậu lạnh giá nên chè không có sâu bệnh và phát triển tự nhiên, vì vậy chè Shan tuyết Suối Giàng là thứ thực phẩm sạch (không phân bón, không thuốc kích thích và thuốc bảo vệ thực vật). Nói như Viện sỹ người Nga Djemukhatze: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới nhưng chưa ở đâu tôi thấy có những cây chè lâu năm như ở đây, trong bát nước chè có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới”.

 

Một vùng thiên nhiên kỳ thú, khí hậu quanh năm mát mẻ, phong tục người Mông đặc sắc lại có thứ cây đặc sản chè Shan tuyết lên tới 230 ha ở 8 thôn bản với sản lượng trên 300 tấn búp tươi/năm. Vậy mà, trên 2 nghìn người Mông vẫn chỉ đạt được mức đủ ăn, chưa vươn lên được giàu có. Nguyên nhân thì có nhiều, chẳng hạn như công nghệ chế biến chè vẫn ở trình độ thấp nên sản phẩm chưa xứng tầm, thương hiệu chè Suối Giàng chưa thể vang xa, vì thế  giá chè búp tươi mới đạt 3500 đến 4000 đồng/kg, thêm một lý do khác là tiềm năng du lịch vẫn chưa được khai thác.

 

Một mùa xuân mới đang về, già Nhủ Phà, già Nhà Lử những người cao niên nhất ở Suối Giàng hay cháu Nu, cháu Ninh ở trường mầm non cùng mọi người có thêm một tuổi mới. Năm mới, ước vọng cho sản phẩm chè đặc sản Suối Giàng nhiều hơn, ngon hơn, bán được nhiều hơn, đắt tiền hơn và nhất là dự án Khu du lịch Suối Giàng được triển khai, những tiềm năng như sinh thái, du lịch văn hóa sắc tộc sẽ được khai thác để thu hút du khách bốn phương, khi ấy cuộc sống người Mông ở Suối Giàng sẽ no ấm hơn, vui tươi hơn dưới tán chè cổ thụ.

 

Lê Phiên

Các tin khác
Nấu rượu ngô ở vùng cao.

YBĐT - Trong những tập tục và quan niệm sống của người Mông thì rượu còn là một thức uống, người bạn gần gũi và không thể thiếu trong đời sống của họ.

YBĐT - Năm 2006, doanh thu từ dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 224 tỷ đồng. Riêng doanh thu từ các cơ sở lưu trú đạt 45 tỷ đồng. Tổng số khách đón và phục vụ trên 170.000 lượt, tăng 31% so với năm trước.

Hương vị đặc biệt của chuối chính là sự hấp dẫn của bánh.

YBĐT - Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Hiểu và đánh giá đúng vị trí của chuối trong đời sống của mình mà người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon – bánh chuối - chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.

(Ảnh: Minh Đức)

YBĐT - Khách thăm quan du lịch trên hồ Thác Bà lúc đi ngang qua xã Phúc An, đôi khi nhìn thấy thấp thoáng bóng áo chàm, áo xanh của các cô gái dân tộc Cao Lan xinh đẹp qua lại bên đát Ô Đồ (Thác Ô Đồ), ở đâu đó có văng vẳng vọng ra câu ca: Phúc An có đát Ô Đồ Có suối róc rách, bóng cô áo chàm

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục