Sự tích Lễ hội “chạy lợn”
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - ở tỉnh Hà Tây có đình Thượng làng Duyên Yết được gọi là “đình chạy lợn”, vì ở đây thường tổ chức lễ hội “chạy lợn” vào dịp sau Tết. Chuyện kể rằng: Đời vua Hùng Vương thứ 18, có một vị tướng tên húy là Nguyễn Hiển, hành quân qua đây để đánh đuổi giặc. Các vị bô lão trong làng đã xin được làm cỗ khao quân. Vị tướng bằng lòng, nhưng yêu cầu phải làm sao thật nhanh để binh sĩ kịp hành quân đuổi giặc.
|
Từ đó hằng năm, cứ vào ngày 7-1 âm lịch, dân làng lại mở hội “chạy lợn” để nhớ về một truyền thống có ý nghĩa về tình quân dân cá nước thời xa xưa. Từ “chạy” ở đây có ý nghĩa là “thật nhanh” - mổ lợn thật nhanh, làm cỗ thật nhanh, chớp thời cơ để thắng giặc. Con lợn được đem ra lễ hội “chạy lợn” phải được nuôi hết sức cẩn thận. Trước lễ hội 10 ngày, chỉ cho ăn cháo gạo nếp, tắm rửa bằng nước lá thơm sạch sẽ mỗi ngày. Khi rước lợn vào đình, phải đặt lợn nằm trong một cũi sơn đỏ. Mỗi xóm cử ra 2 thanh niên cường tráng chưa vợ, đầu đội khăn đỏ, quấn thắt lưng đỏ. Cả 10 tráng đinh tề chỉnh, khiêng 5 con lợn của 5 xóm, quỳ trước sân đình chờ lệnh. Khi tiếng trống lệnh nổi lên, lập tức khiêng lợn về vị trí giết mổ. Ở đây đã chờ sẵn những trai trẻ được phân công mổ lợn làm cỗ. Người cầm con dao to và dài tì vào cổ con lợn, người khác cầm chiếc vồ to giáng mạnh vào sống dao, chiếc thủ lợn văng ra, 2 người cầm chiếc thủ lợn nhúng vào nồi nước sôi, và làm sạch lông chiếc thủ lợn trong nháy mắt, rồi lại tiếp tục luộc thủ lợn vào nồi nước đang sôi sùng sục.
Những người trong đội “chạy lợn” của mỗi xóm, được phân công mỗi người lấy một thứ trong con lợn và làm chín để bày vào mâm cỗ. Mâm cỗ khi mang lên tế thần phải có đủ 10 thứ theo quy định của lễ hội như: thủ, vĩ, tim, gan, bầu dục, thịt vai, thịt mông,v.v. và nhất thiết phải có lá mỡ chài, phủ lên thủ lợn để trang trí cho mâm cỗ thật đẹp thì mới được chấm điểm. Các cụ giám khảo còn ra khám con lợn sau khi giết mổ, con lợn nào bị thủng ruột và mổ phanh ra để lấy lục phủ ngũ tạng, đều không được chấm điểm. Các vết mổ trên mình lợn phải nhỏ gọn, kín đáo, trông như con lợn còn nguyên vẹn, trừ cái đầu bị chặt để mang đi tế thần.
Từ lúc con lợn được khiêng về vị trí giết mổ, đến khi mâm cỗ tượng trưng được làm xong và đem vào tế thần chỉ hết từ 2 đến 3 phút, chậm hơn sẽ không được chấm điểm. Thật là một kỷ lục hiếm thấy! Sôi động nhất là khi rước cỗ vào tế thần, trống thúc liên hồi, tiếng hò reo và những động tác khua dao, múa gậy của những người “chạy lợn” chạy theo mâm cỗ, của những người xem hội hò la cổ vũ các trai làng khiêng cỗ vào tế thần, làm vang động cả sân đình.
Lễ hội “chạy lợn” đã để lại cho người xem một ấn tượng khó quên. Ngoài lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng, lễ hội “chạy lợn” ở Duyên Yết, Hồng Thái (Phú Xuyên, Hà Tây) cũng là một lễ hội mang nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang nặng nghĩa tình quân dân cá nước xưa nay.
M.Q (sưu tầm)
Các tin khác
YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) như một lẵng hoa đẹp. Đến với Nghĩa Lộ, thấy yêu một vùng lòng chảo màu mỡ, thiên nhiên ưu đãi, con người thuần hậu. Những nơi chúng tôi đến đều để lại những ấn tượng khó quên. Những làng văn hoá sinh thái như bản Xà Rèn (Nghĩa Lợi), Nậm Đông (Nghĩa An), các làng dệt thổ cẩm ở các phường Cầu Thia, Tân An, Trung Tâm, Pú Trạng…
YBĐT - Gạo nếp là sản vật đặc biệt của nhà nông, là thứ lễ vật không thể thiếu trong nghi lễ cúng tế của nhiều dân tộc. Người ta không chỉ làm các loại bánh nếp, cơm lam hay những loại xôi như: xôi xéo, xôi lạc, xôi đỗ, xôi gấc, xôi nghệ, xôi vò, xôi dừa... mà mọi người còn chế biến cả loại xôi vừa ngon, bổ dưỡng, trị bệnh lại có nét thẩm mỹ, đó là xôi ngũ sắc. Xôi này thường chỉ làm vào ngày Tết, lễ cúng tế hoặc cưới hỏi.
YBĐT - Tuy có nhiều ý nghĩa, mục đích, nội dung khác nhau mang đặc trưng của từng dân tộc, nhưng tất cả đều có điểm chung là hoạt động vui xuân cộng đồng, với niềm tin và những hy vọng về một năm mới "mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa".
YBĐT - Từ năm 2005, ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai đã liên kết tổ chức Chương trình Du lịch về cội nguồn. Trong hành trình đó, có một điểm đến được nhiều du khách rất thích thú, đó là suối khoáng nóng bản Hốc (xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn).