Du lịch Phong Dụ Thượng: Biến tiềm năng thành "tiền năng"
- Cập nhật: Thứ hai, 11/9/2023 | 8:46:44 AM
YênBái - Khai thác tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú, độc đáo cùng bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc, xã vùng cao Phong Dụ Thượng (Văn Yên) đang nỗ lực đưa du lịch phát triển theo hướng làm sinh kế mới cho người dân.
Các gian hàng giới thiệu món ăn dân tộc, sản phẩm đặc trưng trong Lễ hội truyền thống “Sắc màu văn hoá” các dân tộc xã Phong Dụ Thượng.
|
>> Phong Dụ Thượng khơi nguồn tiềm năng du lịch
>> Xốn xang "kỳ quan" ruộng bậc thang Phong Dụ Thượng
Đến Phong Dụ Thượng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tham gia Lễ hội truyền thống "Sắc màu văn hóa” các dân tộc, chúng tôi được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống, thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông; trải nghiệm các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc hấp dẫn như: đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo, đánh cù quay… tạo nên không khí vui tươi, sôi động, thu hút đông đảo nhân dân các thôn trong xã tham gia.
Ông Lương Văn Thu - Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết: "Lễ hội được tổ chức thành công mang lại cho du khách nhiều ấn tượng đẹp về phong cảnh, bản sắc văn hóa con người vùng cao Dụ Thượng. Qua đó, góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, quảng bá hình ảnh phong cảnh thiên nhiên điểm du lịch hấp dẫn đến gần hơn với du khách trong và ngoài tỉnh".
Phong Dụ Thượng nổi tiếng có quần thể ruộng bậc thang thôn Khe Táu với các đồi mâm xôi độc đáo, xen lẫn vào đó là đồi hoa mua sặc sỡ. Tổng diện tích toàn khu vực ruộng bậc thang ước gần 50 ha, đỉnh cao nhất có độ cao khoảng 1.000 m so với mặt nước biển, có thể phóng tầm mắt ngắm toàn bộ phong cảnh của xã Phong Dụ Thượng. Ngoài ra, Khe Táu còn có nhiều món ẩm thực đặc sản như: gà đồi, lợn đen bản địa, măng vầu, lúa nếp nương, ngô, sắn, khoai sọ, thảo quả, sa nhân…
Ngắm nhìn quần thể ruộng bậc thang từ trên cao, chụp ảnh check-in lưu lại những khung cảnh đẹp cùng bạn bè, anh Đỗ Tuấn Thành - du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Tôi ấn tượng với thời tiết, khí hậu trong lành, mát mẻ và phong cảnh ruộng bậc thang vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, độc đáo, đồng thời chúng tôi được thưởng thức nhiều món ăn ngon mới lạ. Chắc chắn tôi sẽ cùng bạn bè quay trở lại Dụ Thượng thêm một lần nữa”.
>> Trải nghiệm tắm suối nước nóng ở Phong Dụ Thượng
Không chỉ có ruộng bậc thang thôn Khe Táu, trên địa bàn xã Phong Dụ Thượng còn hình thành nhiều điểm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm như khu vực suối nước nóng (thôn Cao Sơn), khu vực thác nước Khe Ban (thôn Bản Lùng) và thác nước Khe Mạng (thôn Khe Mạng) với các mô hình du lịch homestay phục vụ nhu cầu tắm suối khoáng nóng, thưởng thức ẩm thực, dân ca, dân vũ, lưu trú.
Khai thác tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú, độc đáo cùng bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc, xã vùng cao Phong Dụ Thượng đang nỗ lực đưa du lịch phát triển theo hướng làm sinh kế mới cho người dân.
Xã chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể và triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tạo điều kiện, kêu gọi thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển nhiều loại hình du lịch, trên cơ sở khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên.
Địa phương cũng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tiêu thụ các sản phẩm do người dân địa phương làm ra; tập trung xây dựng, mở rộng các tour du lịch gắn với nếp sống và công việc sản xuất hàng ngày của người dân; tăng cường phối hợp để đào tạo về trình độ quản lý du lịch, trình độ chuyên môn cũng như trình độ ngoại ngữ giúp người dân có việc làm, nguồn thu nhập ổn định và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn đặc trưng cho du lịch địa phương sẽ là những mục tiêu, định hướng cụ thể biến tiềm năng du lịch thành "tiền năng" của Phong Dụ Thượng trong thời gian tới.
Bùi Minh
Tags Phong Dụ Thượng văn Yên tiềm năng du lịch bảo tồn bản sắc văn hóa homestay
Các tin khác
Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Ngày hội Văn hoá các dân tộc Yên Bái sẽ tổ chức 30 hoạt động để thu hút khách du lịch, trong đó, 14 hoạt động tại các xã, phường; 16 hoạt động được tổ chức cấp thị xã. Lễ hội sẽ khai mạc vào 20h tối 30/9/2023 tại Sân vận động thị xã Nghĩa Lộ.
Chiều 10/9, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023. Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và thị xã Nghĩa Lộ.
Lễ hội Trà Shan tuyết "Tinh hoa giữa ngàn mây" huyện Văn Chấn lần thứ Nhất, năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 22/9 đến hết ngày 28/9/2023 tại Sân vận động Trung tâm huyện. Đây là một sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng của huyện Văn Chấn nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản trà Shan tuyết đến du khách trong và ngoài tỉnh.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò năm 2023 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9, từ tối ngày 5/9, thị xã Nghĩa Lộ đã bắt đầu triển khai tập luyện tái hiện các hình thức văn hóa dân gian thuộc hoạt động diễu diễn đường phố.