ĐƯA DU LỊCH NÔNG THÔN PHÁT TRIỂN HIỆU QUẢ
Nông thôn Yên Bái tươi đẹp với truyền thống văn hóa lâu đời chính là một nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng để phát triển du lịch. Du lịch nông thôn vì vậy ngày càng có cơ hội để phát triển mạnh mẽ nếu được tập trung khai thác hiệu quả. Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang có bước đi chuyên nghiệp hơn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 31/3/2023 về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình). Đến thời điểm tháng 12/2023, đơn vị đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Chương trình đồng thời hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đề xuất các dự án phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-VHTTDL ngày 09/5/2023 về việc triển khai thực hiện Chương trình của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Các địa phương đã và đang tập trung rà soát các điểm du lịch nông thôn phù hợp với các tiêu chí của Chương trình, đảm bảo tận dụng tối đa các nguồn lực để xây dựng các điểm du lịch có tiềm năng, là điểm đến lý tưởng thu hút khách du lịch.
Đối với triển khai thực hiện mô hình điểm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn giai đoạn 2023 - 2025. Kinh phí dự kiến thực hiện trên 10,658 tỷ đồng hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch; nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực du lịch; thực hiện công tác tuyên truyền; chuyển đổi số; hỗ trợ cải tạo cảnh quan môi trường; tổ chức quản lý thực hiện mô hình.
Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi triển khai thực hiện mô hình điểm, có khó khăn, vướng mắc về việc quy hoạch và sử dụng đất, nhất là chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang các loại đất khác để phục vụ cho các hoạt động du lịch. Vẫn diễn ra và vẫn chưa được khắc phục triệt để về vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí. Hơn nữa là nhận thức của người dân về các chính sách phát triển du lịch còn hạn chế. Nhiều hộ gia đình chưa tiếp cận được chính sách đầu tư, chính sách đất đai...
Chị Nguyễn Ngọc Diệp, một du khách ở Hà Nội cho biết: "Lần đầu đến với Suối Giàng, tôi thật sự ấn tượng và thích thú với cảnh quan, bản sắc, cuộc sống của người dân nơi đây. Tôi nghĩ rằng nếu được đầu tư hơn nữa thì chắc chắn Suối Giàng ngày càng thu hút du khách”.
Đánh giá tổng quan về triển khai thực hiện Chương trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thấy, cùng chung một số khó khăn như triển khai thực hiện mô hình điểm thì vấn đề là chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình. Vấn đề nữa là chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch nông thôn.
Có nhiều điểm du lịch tiềm năng nhưng chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả và chưa bố trí được quỹ đất hợp lý để phát triển, xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm. Năm 2024, nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng, thị hiếu của khách du lịch.
Bên cạnh đó là hỗ trợ bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị các làng nghề, trang phục truyền thống, ẩm thực dân tộc cùng với phát triển các nghệ nhân, truyền dạy văn hóa văn nghệ và bảo tồn, phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng. Các địa phương cần chú trọng thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường nông thôn trong xây dựng NTM. Để làm được điều đó, cần nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng và hiệu quả hoạt động thu gom, phân loại, lưu trữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt và giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đến môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng.
Đưa du lịch nông thôn ngày càng phát triển đồng bộ, hiệu quả và bền vững, đồng chí Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Yêu cầu đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân để triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình”.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU DU LỊCH "VĂN HÓA BẢN ĐỊA"
Những năm gần đây, sau sáp nhập địa giới hành chính, thị xã Nghĩa Lộ có thêm sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa của người dân tộc Mường, Tày... Ngoài Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Hội Hạn Khuống được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, du khách còn được hòa mình với văn hóa bản địa đặc trưng của các dân tộc Tây Bắc. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa thị xã Nghĩa Lộ với các địa phương làm du lịch khác trong khu vực.
Ông Nguyễn Nghĩa Hiền - hướng dẫn viên Công ty Du lịch Image Travel ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi cho biết: "Các hộ làm du lịch cộng đồng của bản Sà Rèn đã gìn giữ được những nét hoang sơ từ môi trường sinh thái; phát huy tốt bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch trải nghiệm; phát triển mạnh các sản phẩm du lịch cộng đồng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Do vậy, các tua du lịch đến đây đều đông khách”.
Du khách chụp ảnh lưu niệm với gia đình chủ Homestay Yến Bình, xã Nghĩa Lợi.
Bà Hoàng Thị Loan - chủ Homestay Loan Khang, bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi cho biết: "Với nhiều giá trị văn hoá riêng, điểm du lịch cộng đồng bản Sà Rèn đã thu hút được gần 50 công ty lữ hành trong nước, quốc tế đưa khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Theo đó, các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng nơi đây cũng tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đón khách, làm mới tour tham quan thắng cảnh, nâng cao chất lượng phục vụ, giao tiếp bằng tiếng nước ngoài; giới thiệu các di tích lịch sử trên địa bàn, tạo sự hứng thú, muốn khám phá, trải nghiệm cho du khách”.
Chị Đinh Thị Đương, người dân tộc Tày ở xã Phúc Sơn đã đi đầu làm du lịch cộng đồng với điểm nhấn là giúp du khách thích trải nghiệm, khám phá văn hóa bản địa của dân tộc Mường. Khởi đầu với cái tên rất giản dị "Homestay và ẩm thực Bếp Mường”, chị Đương đã xây dựng các tour, tuyến đưa khách du lịch đạp xe xung quanh bản làng bình yên.
Ở đó có một không gian bản Mường giúp du khách cảm nhận những giá trị văn hóa độc đáo của người Mường với kiến trúc nhà ở đặc trưng, nét sinh hoạt văn hóa thường nhật cùng tín ngưỡng và lễ hội dân gian còn lưu giữ đến ngày nay.
Chị Đương chia sẻ: "Đúng như tên gọi "Homestay và ẩm thực Bếp Mường”, chúng tôi tự tay vào bếp và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương ngay trên mâm cơm vô cùng độc đáo. Không ăm ắp thịt xôi, cá mú mà chỉ rặt một màu xanh của rau củ, măng rừng, cá dưới ao, gà trong vườn…, tất cả đều từ đồng đất Phúc Sơn mà ra. Đến nay, sau 2 năm "Homestay và ẩm thực Bếp Mường” đi vào hoạt động, lượng khách du lịch đã tăng lên và đã được các công ty lữ hành ký hợp đồng đưa đón khách du lịch”.
Nhận rõ giá trị của văn hóa trong việc phát triển du lịch, thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung triển khai, thực hiện Đề án "Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu được đẩy mạnh; giá trị các di sản văn hóa được phát huy gắn với phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của thị xã. Đồng thời, các lễ hội truyền thống được bảo tồn, khai thác và tổ chức đã thu hút mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân tham gia.
Đặc biệt, từ năm 2020, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết số 871 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ có thêm các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng và các điểm ngắm cảnh tự nhiên, góp phần làm giàu thêm tiềm năng du lịch của thị xã, tạo nên sự phong phú cho các loại hình du lịch trong tương lai.
Trong liên kết phát triển du lịch, đến nay đã xây dựng và bước đầu hình thành các tour, tuyến du lịch trong thị xã và với các địa phương ở phía Tây của tỉnh; bước đầu hình thành và xây dựng trung tâm du lịch miền Tây Yên Bái với sự đa dạng trong sắc màu văn hóa, kết hợp với tiềm năng thiên nhiên độc đáo, tạo nên tiềm năng lớn trong hình thành những tuyến du lịch hấp dẫn.
Ông Lương Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Những kết quả đã đạt được về phát triển du lịch của thị xã Nghĩa Lộ trong thời gian qua tuy còn khiêm tốn so với tiềm năng của địa phương, nhưng đã tạo ra những tiền đề quan trọng để chính quyền và người dân Nghĩa Lộ kiên định với mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững. Để giải được bài toán đó, thị xã đã nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm và xác định những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch trong tương lai”.
Thị xã Nghĩa Lộ xác định lấy văn hóa bản địa làm nền tảng để phát triển du lịch. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa thị xã với các địa phương làm du lịch khác. Trong đó, trọng tâm là phát triển du lịch cộng đồng hướng về người dân, tạo thế phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ bản sắc và môi trường sinh thái; gắn liền nhiệm vụ bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển các mô hình du lịch cộng đồng để tạo ra những mô hình du lịch đặc trưng, bản sắc...
Đây là giải pháp then chốt để thị xã sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ theo đúng lộ trình, góp phần xây dựng và phát triển thị xã xứng tầm là trung tâm văn hóa - thương mại - du lịch phía Tây của tỉnh.
NGƯỜI TRẺ ĐAM MÊ "DẪN LỐI" DU LỊCH MẠO HIỂM
Du lịch mạo hiểm - loại hình đang ngày càng được du khách yêu thích khám phá, trải nghiệm cả trong và ngoài nước ưa chuộng. Kịp thời nắm bắt xu thế mới, tiềm năng rộng mở đó, nhiều người trẻ đã mạnh dạn đầu tư, cùng nhau kết nối các tour leo núi đáp ứng nhu cầu của du khách. Khởi đầu từ chính đam mê rong ruổi, lang thang khám phá, nhiều người trẻ quyết định biến đam mê thành sản phẩm dịch vụ du lịch, tạo dựng tên tuổi trong cộng đồng du lịch mạo hiểm.
Một trong những người trẻ đam mê "dẫn lối” du lịch mạo hiểm ở Yên Bái thời gian gần đây phải nhắc đến là anh Bùi Đình Sơn, sinh năm 1993, ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải. "Tiềm năng du lịch, phát triển du lịch và mong muốn được làm du lịch luôn là điều tôi ấp ủ, mơ ước. Mặc dù bận rộn do công tác trong ngành nghề đặc thù nhưng đam mê xê dịch đã thôi thúc tôi trở thành một hướng dẫn viên tour leo núi.
Du khách đi trekking, tôi luôn hỗ trợ, chuẩn bị đầu tiên là tinh thần - tâm lý - sức khỏe và các vật dụng cần thiết cho phù hợp với cung đường mình đi để an toàn nhất cho du khách trong các hành trình dài ngày. Tôi đã chuẩn bị rất lâu cho việc làm hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm. Chính thức bước vào hiện thực hóa ước mơ đến nay gần 1 năm, hàng trăm lượt khách đã cùng tôi chinh phục các đỉnh núi và vượt lên chính bản thân trong hành trình này” - anh Sơn chia sẻ.
Anh Bùi Đình Sơn cùng các porter đồng hành dẫn du khách đi tour leo núi tại đỉnh Lùng Cúng, huyện Mù Cang Chải.
Được biết, thời gian đầu, anh Sơn đơn thuần chỉ là thỏa mãn đam mê leo núi, trekking, trải nghiệm những cảm xúc khác lạ, chinh phục trong những chuyến đi. Nhưng khi đã bước vào công việc hướng dẫn viên, anh nhận ra cần phải làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp hơn, mang đến an toàn cho khách hàng và hướng đến giá trị bền vững, biến đam mê thành kinh doanh thực thụ.
Anh Sơn cho biết thêm: "Là dân tay ngang rẽ hướng sang làm du lịch, tôi cần học hỏi rất nhiều kiến thức, gặp gỡ, trao đổi người đi trước để trau dồi chuyên môn. Với phương châm "Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, từ kiến thức học được, tôi đã tập trung kết nối với 3 - 4 porter trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số trẻ đồng hành cùng mình, tạo thêm công ăn việc làm cho các bạn. Yên Bái may mắn có tới 3 trong 8 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, đó là Tà Chì Nhù, Tà Xùa, Lùng Cúng - đây cũng chính là những cung dẫn tour leo núi của chúng tôi…
Mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau như phụ trách hướng dẫn viên, kinh doanh, lưu trú, truyền thông… Lợi thế là sức trẻ, nhóm dẫn tour leo núi mỗi người đều có thể truyền đam mê, chia sẻ với khách về vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, về văn hóa bản địa…”.
Mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10 về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên theo tiêu chí sạch và xanh.
Trong thực hiện Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Yên Bái đã xây dựng 9 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù cho miền này, trong đó có dã ngoại mạo hiểm, du lịch leo núi…
Chính những người trẻ trong nhóm dẫn tour leo núi là minh chứng cho hướng đi mới này. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mạo hiểm, người trẻ đam mê "dẫn lối” như nhóm của anh Bùi Đình Sơn cần nâng cao trình độ, kỹ thuật, đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình hướng dẫn; nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc tư vấn về sức khỏe, bảo hiểm; trang bị đầy đủ vật dụng thiết yếu và cảnh báo về rủi ro cho du khách....
Hoạt động du lịch mạo hiểm thời gian qua trên địa bàn tỉnh khá sôi động, tạo được sự kích cầu cho du lịch, đồng thời mang lại thu nhập cho người dân. Yên Bái đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích du lịch mạo hiểm tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo, an toàn.
Nguyễn Thơm - Trần Ngọc - Mai Linh