Những Lễ hội đặc sắc ở Nga
- Cập nhật: Thứ năm, 24/5/2007 | 12:00:00 AM
Là đất nước có một nền văn hoá lâu đời, nước Nga nổi tiếng với rất nhiều lễ hội đặc sắc. Những lễ hội ấy phản ánh nét sinh hoạt mùa màng của nền nông nghiệp vùng ôn đới, của xứ sở của bạch dương và tuyết trắng.
Bắt đầu lễ hội mùa xuân...
|
Và những lễ hội ấy cũng gắn liền với những chiến tích, những di tích lịch sử, những bãi chiến trường nổi tiếng của nước Nga.
Phong tục đón khách của người Nga
Ở những lễ hội lớn, mở đầu lễ hội, những cô thiếu nữ xinh tươi nhất tặng bánh mì và muối cho những vị khách đáng kính. Sau khi nhận quà của các thiếu nữ, người khách cúi xuống, hôn lên ổ bánh mì (ổ bánh mì được đựng trên một chiếc khay có phủ chiếc khăn thêu màu sắc sặc sỡ).
Tiếp đó, theo nghi lễ cổ truyền, người khách bẻ một miếng bánh, rắc muối lên, nếm thử và nói lời cảm tạ. Người dân Nga trân trọng bánh mì và muối vì lúa mì là nguồn lương thực quý giá nuôi sống con người và con người không thể sống thiếu muối.
Ngày nay, tục lệ đón khách danh dự bằng muối và bánh mì vẫn được duy trì, nhưng khách thường chỉ nhận tượng trưng ổ bánh mì và lọ muối ở trên đĩa men sứ cổ truyền có phủ khăn thêu rồi truyền lại cho người tháp tùng.
Lễ tiễn mùa đông
Một trong những lễ hội khó quên của nước Nga là Lễ tiễn mùa đông. Lễ này bắt nguồn từ nền nông nghiệp, từ công việc đồng áng của những người nông dân Nga. Mùa đông nước Nga tuyết rơi phủ kín mặt đất, ruộng đồng, khiến cho cây cối không nảy mầm được, nếu kéo dài mãi dễ sinh nạn đói. Bởi vậy, người nông dân mong mùa đông mau qua, mong mùa xuân mau đến.
Lễ tiễn mùa đông là một trong những ngày hội dân gian vui vẻ nhất. Mở đầu buổi lễ, những chú bé ngộ nghĩnh, mặc quần áo dân tộc truyền thống, màu sắc sặc sỡ cầm đuốc đốt những hình nộm bằng rơm, đó là hình ảnh tượng trưng của băng tuyết trong mùa đông lạnh giá.
Trẻ em và người lớn reo hò ầm ĩ, ca hát, nhảy múa xung quanh hình nộm đang bốc lửa. Họ mừng vui tiễn tượng trưng mùa đông, hân hoan chào đón mùa xuân tươi đẹp, chuẩn bị khí thế bước vào một mùa gieo trồng mới.
Lễ tiễn mùa đông thường được tổ chức ở những nơi đông người qua lại, có quảng trường, ngã tư đường phố, một cánh rừng đầu làng vào những đêm đẹp trời. Tất cả già, trẻ, nam, nữ đều tham dự lễ hội. Họ nắm tay nhau nhảy điệu múa vòng tròn. Những động tác giậm chân, không chỉ là một tiết mục nghệ thuật, mà còn là một cách sưởi ấm nhanh chóng trong giá rét.
Ngày nay, trẻ em và người lớn múa vòng tròn xung quanh cây thông cũng là hình bóng của Lễ tiễn mùa đông.
Trong ngày Lễ tiễn mùa đông, trên những con đường lớn, những chiếc xe ngựa vừa rung chuông và lục lạc, vừa đuổi rượt nhau. Ngựa được đeo dải nạm bạc rất đẹp, còn xe trượt được trang trí bằng thảm. Ba con ngựa được thắng vào một cỗ xe chạy băng băng trên đường.
Ngoài những món ăn cổ truyền dành cho ngày lễ của người Nga thì bánh xèo là món không thể thiếu trong Lễ tiễn mùa đông, giống như bánh chưng trong ngày Tết của Việt Nam.
Đó là những chiếc bánh mỏng làm bằng bột mì cho lên men có trộn với trứng gà, bơ, váng sữa, và được rán bằng những chiếc chảo lửa to nóng bỏng. Chiếc bánh xèo hình tròn là tượng trưng cho mặt trời thần linh mang lại hơi ấm mùa xuân, tràn trề sức sống và hạnh phúc.
Hội Ivan Kupala mùa đông
Khác với lễ tiễn mùa đông được tổ chức chung với nhiều bạn bè và những người sống xung quanh, hội Ivan Kupala mùa đông thường được tổ chức ngay trong gia đình để tiễn mùa đông, đón mùa xuân. Đây là hội của những người Nga từ nhiều thế kỷ nay.
Để bắt đầu buổi lễ, người ta trải cuộn rơm lên bàn, phủ tấm khăn trải bàn rộng lên trên, đặt lên đó một hũ cháo đại mạch trộn mật ong. Đó là món ăn chính theo phong tục. Bát cháo đầu tiên là dành cho tổ tiên. Khi chủ và khách ăn xong món ăn chính, phần còn lại đem để ra ngoài sân cho thần băng giá, mọi người hát bài hát bằng âm điệu êm ái, ngọt ngào, cầu xin thần đừng làm hại hoa màu.
Tiếp đó, các em nhỏ xuất hiện, chúng đeo mặt nạ, đội lốt con dê, con sếu, con gấu... những con vật gần gũi với người nông dân Nga. Những đứa trẻ cùng nhau hát những lời cầu mong mùa màng bội thu và nhận những đồng tiền nhỏ từ người lớn.
Hội Ivan Kupala mùa hạ
Hội Ivan Kupala mùa hạ khác với hội mùa đông. Trong ngày hội, các cô gái bói tìm người yêu bằng cách bện các vòng hoa, thả chúng xuống sông trong đêm Ivan Kupala. Trên các bãi cỏ trong rừng, những người mạnh bạo nhất nhảy qua đống lửa trong tiếng cười và tiếng hò hét, khích lệ của người xem.
Trong đêm hội mùa hè ngắn ngủi, nam nữ thanh niên rủ nhau vào rừng, họ tin rằng, trong những cánh rừng âm u, điều huyền bí nhất có thể xảy ra.
(Theo 24h)
Các tin khác
Gỏi da bò là có thể coi là món ăn đặc trưng của thị trấn Phú Phong, huyện Sơn Tây, tỉnh Bình Định. Chọn da bò non mềm, trộn gỏi chua ngọt với gừng, chanh. Món gỏi ăn kèm bánh tráng mè đen.
Ở đỉnh cao 3.099m của núi Nga My, nhìn xuống lòng chảo sâu cao nguyên Thanh - Tạng bao quanh mây phủ, núi đồi trập trùng, trăm hoa đua nở, có cảm giác mình thật bé nhỏ trước thiên nhiên.
Hoạt động này được tổ chức nhằm mục đích quảng bá du lịch, giới thiệu tiềm năng và các sản phẩm du lịch của địa phương, qua đó thúc đẩy hợp tác giao lưu buôn bán, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau.
Người ta gọi bánh bèo có lẽ vì hình dáng mỏng mảnh, tròn trịa như chiếc lá bèo. Cũng có người đùa rằng vì bánh... rẻ như bèo, du khách đến chợ quê nào cũng có, người nghèo đến đâu cũng có thể ăn được. Nhưng thực tế, món đặc sản Việt Nam này có năng lượng không... "bèo" tí nào.