Khách Tây “mê” homestay Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/3/2024 | 2:41:06 PM

YênBái - Các homestay trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian đã thu hút số lượng lớn khách du lịch, nhất là khách ngoại quốc. Họ bị thu hút bởi các món ăn đặc sản, được khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, được thư giãn trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của những bản làng bình yên mang đặc trưng Tây Bắc…

Chị Lò Thị Tuyên ở bản Lụ 1, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu sản phẩm nông sản với du khách đến từ Nhật Bản.
Chị Lò Thị Tuyên ở bản Lụ 1, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu sản phẩm nông sản với du khách đến từ Nhật Bản.

Cảm nhận giá trị văn hóa độc đáo

Ông Magagnin Claude Benjamin, quốc tịch Pháp cùng với những người bạn của mình là Sonni Corinne Sylvie, Caldara Corinne và Germain Patrice Alexandre Robert rất hào hứng khi nghỉ dưỡng tại homestay Hoàng Thị Loan ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ. 

Theo ông Magagnin Claude Benjamin, thông tin về homestay của nhà bà Hoàng Thị Loan nói riêng và loại hình nghỉ dưỡng homestay nói chung trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đã được ông tìm hiểu qua Google, mạng xã hội và đặc biệt là chính những người bạn của mình đã trải nghiệm dịch vụ trước đó.

Ông Magagnin Claude Benjamin cho biết: Đến với bản làng du lịch, chúng tôi bị cuốn hút bởi phong cảnh bình yên của bản làng, các món ăn đặc sản của người bản địa. Rất khó diễn tả cảm xúc của tôi lúc này khi vừa được đạp xe ngắm bản làng yên bình lại vừa cảm nhận hương thơm của đồng lúa bao quanh. 

Bà Sonni Corinne Sylviexem, bạn đi cùng ông Magagnin Claude Benjamin cũng hào hứng không kém: Nhìn họ dệt vải truyền thống vào buổi chiều. Tối đến, vẫn những con người ấy, họ lại biểu diễn cho chúng tôi xem xòe Thái cùng những bài hát khắp được kết hợp với nhạc cụ dân tộc. Thật tuyệt! Mà không chỉ mình tôi thích thú, say mê đâu nhé! Magagnin Claude Benjamin, Caldara Corinne và Germain Patrice Alexandre Robert cũng vậy.
 
Bà Hoàng Thị Loan - chủ Homesaty Loan Khang vừa tất bật làm đồ ăn cho khách vừa tranh thủ trò chuyện: Ngoài khách người Pháp, gia đình tôi còn đón khách người Bỉ, Hà Lan, Canada, Úc, Thụy Sỹ, Nhật bản, Đức, Hàn Quốc… Tuy nhiên, khách Pháp đông hơn, chiếm khoảng 80%. Về ẩm thực, ngoài những món ăn truyền thống của người Thái, chúng tôi còn có thể đáp ứng nhiều món ăn khác của người nước ngoài, nhất là người châu Âu.

Sản phẩm du lịch homestay bắt đầu xuất hiện tại Yên Bái từ 2005 đầu tiên tại thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình với 10 mô hình tham gia làm du lịch cộng đồng, đến nay, đã phát triển rộng khắp các địa phương có tiềm năng về cảnh quan và giá trị văn hóa với 233 mô hình du lịch homestay trên toàn tỉnh. Yên Bái đang dần hình thành các làng du lịch cộng đồng lấy du lịch văn hóa làm nền tảng, phát triển mở rộng du lịch nông nghiệp, du lịch giáo dục… 

Nhiều cơ sở homestay hoạt động khá hiệu quả như mô hình phát triển du lịch cộng đồng và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái tại các homestay: bản Đêu, xã Nghĩa An, bản Sà Rèn của xã Nghĩa Lợi, homestay Tông Pọng ở phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ; bản Tát, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên; Jack Ecolodge, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên; Ngòi Tu, Ngòi Cụ ở huyện Yên Bình; Ao Luông, Gốc Bục ở huyện Văn Chấn; Bản Thái, Kim Nọi, Lìm Thái, Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải…

Tại các điểm du lịch này, du khách không chỉ tham quan, tìm hiểu những phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn được trực tiếp trải nghiệm các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, thưởng thức các món đặc sản, hòa mình vào các sinh hoạt văn hóa cộng đồng như thưởng thức văn hóa dân tộc với đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Chị Lò Thị Tuyên ở Bản Lụ 1, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Khách đến Muonglo Farmstay của gia đình chúng tôi luôn được thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Mường. Đặc biệt, ở đây có một không gian bản mường giúp du khách cảm nhận những giá trị văn hóa độc đáo, rõ nét của người Mường với kiến trúc nhà ở đặc trưng, nét sinh hoạt văn hóa thường ngày cùng tín ngưỡng và lễ hội dân gian còn lưu giữ đến ngày nay…”.



Độc đáo, khác biệt và đặc sắc "hút” khách Tây 

Những năm trở lại đây, loại hình du lịch homestay đã được khách du lịch trong và ngoài nước lựa chọn là loại hình du lịch ưa thích, đặc biệt đối với du khách quốc tế bởi họ đến Việt Nam là để được tìm hiểu văn hóa địa phương. Bên cạnh việc ăn ngủ và sinh hoạt thường ngày với gia đình người dân, du khách còn được tham gia những lễ hội, được hòa mình trong không gian văn hóa của những điệu khèn du dương của đồng bào Mông, múa xòe của người Thái, cùng những làn điệu dân ca của người Dao, được trải nghiệm một ngày làm nông dân trên ruộng, nương cùng đồng bào để lại những kỷ niệm khó quên với mỗi du khách...

Theo khảo sát của Dự án "Nâng cao năng lực thể chế hỗ trợ thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội  vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, khách quốc tế đến Yên Bái phần đa đi du lịch theo gia đình. Theo kết quả khảo sát nhanh về thị trường du khách quốc tế đến Yên Bái thuộc Dự án, trên 63% khách quốc tế đến Yên Bái đi theo hình thức tự do; chiếm đến 43% du khách lựa chọn loại hình lưu trú homestay, trong đó có 56,5% du khách ưa thích loại hình lưu trú này; tỉ lệ khách muốn tăng thời gian tham quan ở Yên Bái cao gần gấp đôi so với tỉ lệ khách muốn cắt ngắn hành trình. Đây là tín hiệu rất tích cực đối với du lịch Yên Bái.

Đồng chí Vũ Thị Mai Oanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết: "Các trải nghiệm du lịch độc đáo, khác biệt và đặc sắc mang đậm nét văn hóa của người dân bản địa cũng là một yếu tố đang ngày càng thu hút khách nước ngoài khi đến Yên Bái”. 

Không đơn thuần chỉ tham quan, nghe thuyết minh mà tự mình lựa chọn tham gia các hoạt động lý thú, độc đáo là những điểm khiến nhiều du khách lựa chọn loại hình du lịch homestay. Nhiều homestay tại Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Lục Yên đã đưa loại hình du lịch trekking  (việc đi bộ dài ngày, thường tại những nơi hoang dã như leo núi...) và go hiking (việc đi bộ theo một lộ trình có sẵn để ngắm cảnh, thường trong phạm vi một hoặc hai ngày) kết hợp cùng các tour du lịch trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên cũng là điểm cộng hút khách. 

Cùng với đó, chỉ với khoảng 100.000 - 300.000 đồng/đêm, du khách có thể lựa chọn được rất nhiều địa điểm homestay đầy đủ tiện nghi. Loại hình dịch vụ này phát triển mạnh mẽ, không chỉ dừng ở việc cung cấp chỗ ngủ cho du khách mà những người kinh doanh du lịch tại địa phương còn hướng tới phát triển homestay thành một loại hình du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái.

"Điểm đến thân thiện với du khách, phục vụ tốt, thái độ thân thiện, sự chân thành, nhiệt tình hỗ trợ khách và hướng dẫn khách tìm hiểu văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, tại một số homestay chủ nhà nói tiếng Anh tốt, lấy được nhiều cảm tình của khách du lịch nước ngoài… cũng là yếu tố khiến du khách nước ngoài ưu chuộng loại hình homestay” - bà Oanh cho biết thêm. Một ví dụ tiêu biểu, để có thể giao tiếp, thu hút khách du lịch nước ngoài đến với homestay "Hello Mù Cang Chải", vợ chồng anh Giàng A Dê ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đã quyết định áp dụng "chính sách” nếu khách dạy gia chủ nói thạo 3 câu tiếng Anh thì sẽ được miễn phí bữa sáng.

Việc phát triển mô hình du lịch homestay tại tỉnh Yên Bái là một trong những hướng đi quan trọng, được tỉnh ưu tiên thực hiện, góp phần phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân nông thôn. 

Vì vậy, để loại hình lưu trú homestay nói riêng, ngành du lịch nói chung phát triển bền vững, Yên Bái sẽ đầu tư chuyên sâu và nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác quảng bá xúc tiến các điểm đến có thế mạnh về phát triển sản phẩm du lịch, chú trọng mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm gắn với phát triển mô hình du lịch homestay trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch, đặc biệt tại khu vực có tiềm năng lớn về phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; triển khai thí điểm các mô hình bản du lịch cộng đồng tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh; xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư nói chung và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng nói riêng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong du lịch… Qua đó, giúp cho bạn bè quốc tế có thể tiếp cận nền văn hóa bản địa một cách chân thật và sâu sắc nhất. 

Thành Trung
(Bài dự thi "Vì một Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”)

Tags Yên Bái du lịch homestay múa xòe bản sắc văn hóa

Các tin khác
Các làng biển tại phường Nại Hiên Đông và quận Sơn Trà những ngày qua tàu thuyền về neo đậu, chuẩn bị các hoạt động cho Lễ hội Cầu ngư năm nay.

Những ngày qua, không khí tại khu vực biển phường Nại Hiên Đông và các phường ven biển quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) khá rộn ràng, tất bật bởi các hoạt động chuẩn bị cho Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2024 (dự kiến sẽ diễn ra từ 28/3/2024 đến 31/3/2024).

Múa Dậm Thuông ở lễ hội Xo May.

Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp xã Mường Lai tổ chức thành công Lễ hội Xo May. Đây là một trong những lễ hội lớn của huyện Lục Yên dịp đầu xuân mới với các hoạt động văn hóa Tày diễn ra trong không khí tưng bừng, sôi nổi, mang nhiều nét đẹp truyền thống, bản sắc riêng có của đồng bào địa phương.

Đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” xuất phát từ ga Huế đưa du khách vào TP Đà Nẵng.

Việc đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” khu đoạn Huế - Đà Nẵng không chỉ góp phần đảm bảo kết nối giao thông của người dân giữa TP Huế và Đà Nẵng mà còn là trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với 2 thành phố du lịch.

Du khách nước ngoài tham quan, khám phá vẻ đẹp của vịnh Lan Hạ (Hải Phòng).

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngành du lịch nước ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu trong năm 2024 đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục