Tủa Chùa là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Điện Biên với 7 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Mông chiếm đa số. Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn, huyện đã đầu tư, phát triển chợ đêm thị trấn Tủa Chùa thành sản phẩm du lịch độc đáo. Chợ đêm không chỉ là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản cũng như văn hóa đặc sắc của địa phương mà còn trở thành điểm đến thú vị trên hành trình khám phá, trải nghiệm của du khách khi đến địa phương.
Nét độc đáo ở chợ đêm Tủa Chùa là những sạp hàng chỉ bán bằng hình thức livestream. Các mặt hàng được bán chủ yếu là nông sản địa phương, các sản vật núi rừng như hoa lan, thảo dược… được đồng bào dân tộc Mông từ khắp các bản làng vùng cao mang về chợ. Mỗi người bán hàng sử dụng từ 4 - 8 điện thoại thông minh. Tất cả điện thoại đều kết nối mạng và livestream bán hàng liên tục với hàng trăm mặt hàng được chốt đơn mỗi tối.
Chị Đặng Thanh Huyền (một trong những người có kinh nghiệm bán hàng online tại chợ đêm Tủa Chùa) cho biết, chị bắt đầu bán hàng online từ khi COVID-19 bùng phát năm 2019. Từ thời điểm đó, hai vợ chồng chị bắt đầu livestream bán hàng trên mạng xã hội với các mặt hàng đặc sản Tây Bắc như mật ong, măng khô, lan rừng. Đến khi chợ đêm Tủa Chùa được khai trương, chị đã mở một gian hàng ở đây để livestream bán hàng. Chị mua hàng của người dân và bán online cho khách từ khắp mọi miền Tổ quốc xem livestream.
Đến chợ đêm Tủa Chùa, ngoài khung cảnh tấp nập với những sạp hàng livestream, du khách còn được hòa mình vào không gian văn hóa với chương trình nghệ thuật đặc sắc do các đội văn nghệ quần chúng trong huyện biểu diễn. Để phiên chợ thêm phần náo nhiệt, hàng tuần, các xã, thị trấn và trường học trên địa bàn sẽ thay nhau lên ý tưởng, tập luyện và biểu diễn một chương trình nghệ thuật mang những nét độc đáo riêng của vùng đất Tủa Chùa. Đó là những tiếng khèn của đồng bào dân tộc Mông, điệu xòe của đồng bào dân tộc Thái… Tất cả tạo nên không khí nhộn nhịp, hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ngoài ra, đến chợ đêm, du khách còn được trải nghiệm không gian ẩm thực vùng cao với những món ăn như thắng cố, dê núi, rượu Mông Pê… Những gian hàng ẩm thực luôn thu hút người dân và khách du lịch thưởng thức vào mỗi buổi tối cuối tuần. Nhiều du khách lần đầu đến với khu chợ đêm đều háo hức và thích thú khi được hòa mình vào không khí nhộn nhịp, tấp nập ở phố núi, thưởng thức các món ăn đặc sản vùng cao hay mua sắm những sản vật nổi tiếng của Tủa Chùa.
Anh Phạm Hồng Long (du khách đến từ thành phố Hà Nội) chia sẻ, anh đã đến nhiều chợ đêm ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên khi lần đầu đến chợ đêm Tủa Chùa, anh rất ngạc nhiên. Ở đây bày bán rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản vật núi rừng; đặc biệt là hoa lan. Đáng chú ý, các gian hàng chủ yếu sử dụng điện thoại thông minh để bán hàng bằng hình thức livestream rất độc đáo. Qua đó không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm cho người dân nơi đây mà còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh Tủa Chùa đến với du khách trong cả nước, thậm chí là nước ngoài.
Chợ đêm Tủa Chùa chính thức hoạt động từ tháng 10/2022, họp vào tối thứ Bảy hằng tuần. Đến nay, chợ đêm không chỉ là nơi giúp người dân giới thiệu, quảng bá các sản vật của địa phương mà còn góp phần đưa nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao đến với du khách.
Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết, dù mới được hình thành và đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng chợ đêm Tủa Chùa đã thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, là sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Lượng khách tới chợ tăng theo tuần, cho thấy sức hấp dẫn và thu hút của chợ đêm đối với khách du lịch ngày càng lớn. Trong quá trình khai thác, huyện đã có những cải tiến để thu hút ngày càng đông du khách đến trải nghiệm. Trong đó, địa phương giao các xã luân phiên lên ý tưởng, tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc vùng cao.
Tủa Chùa được tỉnh Điện Biên quy hoạch đến năm 2030 cơ bản trở thành Khu du lịch quốc gia. Ngoài những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên như cao nguyên đá, hang động, văn hóa các dân tộc, chợ đêm còn là một trong những điểm nhấn được chính quyền địa phương đã và đang từng bước xây dựng để trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Qua đó, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội huyện Tủa Chùa nói riêng và Điện Biên nói chung.
(Theo Báo Tin tức)