Thành Nhà Hồ công trình kiến trúc đá đồ sộ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/7/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thành Tây Đô còn gọi là thành Nhà Hồ, thành Tây Giai, do Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397 đời vua Trần Thuận Tông (1388-1398), trên địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Với cái nhìn của một nhà quân sự, Hồ Quý Ly đã chọn vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, có sông nước bao quanh, có núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ. Cũng như mọi kinh thành khác, thành Tây Đô cũng chia làm hai khu: khu thành nội và khu thành ngoại.

Khu thành ngoại được đắp bằng đất với khối lượng gần 10 vạn mét vuông đất, trên trồng tre gai dày đặc cùng với một vùng hào sâu có bề mặt rộng gần tới 50 mét bao quanh thành.

Đáng chú ý nhất là khu thành nội, nơi thể hiện nghệ thuật kiến trúc xây ghép đá tuyệt diệu của nhân dân ta ở thế kỷ XIV. Thành được xây trên bình đồ hình chữ nhật, chiều dài 900 mét, chiều rộng hơn 700 mét và chiều cao trung bình 6-8 mét, dày hơn 4 mét. Mặt thành phía ngoài thẳng đứng được ghép bằng những khối đá xanh, vuông thành sắc cạnh, mỗi phiến đá có độ dài trung bình 1,5 mét, rộng 1 mét và dày 0,8 mét, có phiến dài tới 7 mét, rộng gần tới 2 mét và dày hơn 1 mét, nặng hàng chục tấn. Được xếp chồng lên nhau kiểu chữ Công. Bốn mặt thành có bốn cửa: Cửa Tiền (Cửa Nam), Cửa Hậu (Cửa Bắc), Đông Môn và Tây Giai, xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi.

Ba cửa Đông Môn, Tây Giai và Cửa Bắc mỗi cửa đều chỉ có một vòm cuốn nhô lên cao hơn mặt tường thành. Cửa Đông Môn và cửa Tây Giai mỗi cửa có chiều rộng 5,8 mét và sâu 14 mét. Cửa Bắc to lớn hơn, phía ngoài dài 22 mét và cao 75 mét, mặt trên là nền đá bằng phẳng, xưa kia có Vọng lâu đài được dựng bằng gỗ mái ngói mà dấu tích còn lại là những hố chôn cột đục trên đá sâu 0,45 mét.

Đẹp và lớn hơn là cổng thành phía nam (Cửa Tiền) có chiều rộng 38 mét, cao 10 mét, với ba cửa vòm cuốn lớn, mỗi cửa vòm rộng 5,8 mét, cửa giữa cao 8,5 mét. Hai cửa hai bên cao 7,8 mét, cả ba cửa đều dày khoảng 15 mét, phía trên là mặt đá bằng phẳng, có lầu son gác tía, với chức năng cũng như cửa Ngọ Môn của kinh thành Huế, là nơi nhà vua ngự mỗi khi có những nghi lễ trọng đại. Ở trong thành có các công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy, các đền đài, cung điện, nơi vua ngự triều, nơi vua ở, Đông Cung, Đông Thái miếu, Tây Thái miếu, v.v…

Điều đáng ngạc nhiên và khâm phục là công trình kỳ vĩ như vậy lại được hoàn thành chỉ sau ba tháng thi công, từ tháng Giêng đến tháng Ba năm 1397. Một công trình đồ sộ, mà chưa kể phần đào hào đắp lũy, chỉ riêng việc phá đá, đục đẽo thành những khối đá vuông thành sắc cạnh, vận chuyển (nơi lấy đá gần nhất cũng gần 3 km) đưa những khối đá nặng hàng chục tấn lên cao hàng chục mét, xây lắp rất chính xác, v.v… trong điều kiện lao động thủ công, cũng đã là điều kinh ngạc biết bao.

Sáu thế kỷ trôi qua, những biến động của lịch sử cũng như thiên nhiên khắc nghiệt đã hủy hoại phần lớn kiến trúc kinh thành của một triều đại. Nhưng thành đá - Tây Đô, những di tích ít ỏi còn sót lại là những di sản văn hóa quý báu, một biểu hiện khả năng kỳ diệu của ông cha ta. Một chứng tích tuyệt vời của trí thông minh, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và tài năng lãnh đạo, tổ chức của dân tộc ta cách đây 600 năm.

(B.T)

Các tin khác

Thúy Lai (xã Phú Kim, huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây) là một làng Việt cổ bên bờ sông Tích, có nhiều sự kiện lịch sử, văn hoá từ thời cổ đại đến nay.

Tuyết giáp là lớp màng nhầy dạ con con nhái tuyết sống ở nơi giá lạnh. Được cho là bổ dưỡng không thua  yến sào, vi cá

Nhái tuyết có lớp da màu xanh lá cây, sống trong núi rừng lạnh giá nên còn được gọi là nhái rừng. Vào mùa đông những con nhái cố tích tụ thật nhiều dưỡng chất vào cơ thể chúng cho giấc ngủ đông và nuôi dưỡng mầm sống mới sẽ bắt đầu vào mùa xuân tới. Vào lúc này cũng là mùa người địa phương tìm bắt chúng.

Đài Thiên văn Phù Liễn.

Hơn một thế kỷ nay, người Hải Phòng đã quen gọi ngọn núi ở phường Phù Liễn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng là núi Thiên Văn, bởi trên đó có đài thiên văn Phù Liễn, từ ngày thành lập công trình này có tầm vóc của một trung tâm khoa học sánh ngang với các cơ sở khoa học của các nước tiên tiến đầu thế kỷ XX.

Đứng từ Đất Mũi hướng về phía đông nam, dễ nhận ra một cụm đảo xanh rì nổi lên giữa biển trời bao la. Cụm đảo Hòn Khoai còn giữ nét hoang sơ, yên tĩnh được xem như viên ngọc của đất mũi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục