Tranh đá lung linh sắc màu
- Cập nhật: Thứ hai, 20/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ru bi rực rỡ, đầy vẻ kiêu hãnh; Xi-ti-len đen bóng, đầy vẻ quý tộc hay Sa-phia xanh thẫm dịu dàng. Mỗi viên đá quý mang trong mình một vẻ đẹp từ kiêu xa đến thần bí cùng biết bao câu chuyện lưu truyền khác.
|
Sở hữu một chiếc nhẫn hồng ngọc luôn là ước muốn của bất kỳ ai. Những viên đá vài trăm ngàn, vài triệu vài tỷ đến vài chục tỷ đồng đã được tìm thấy ở Yên Bái như một lời khẳng định đây là một trong những trung tâm của đá đỏ.
Dân đá, thợ đá đã một thời lúng túng trước sự đa dạng về màu sắc của đá mà không phải viên nào cũng có thể làm đồ trang sức, lúng túng hơn khi thấy trong quá trình sàng lọc, đãi đá thấy những viên đá nhỏ (hàng mắt tôm, mắt cua) mà không biết dùng vào việc gì... Đến khi một số người qua Thái Lan thăm quan du lịch thấy bên đó bày bán những bức tranh làm từ đá quý có giá bán vài trăm đến vài nghìn USD thì mới ngỡ ngàng. Ở ta quá nhiều nguyên liệu, thợ vẽ tranh ở ta cũng tài cao chẳng kém họ. Vậy thì cần học làm tranh đá để cung cấp ra thị trường.
Khoảng những năm 2000 - 2001 những cở sở chế tác tranh đá màu đầu tiên ở Lục Yên được ra đời. Ngành nghề mới đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong giới đá quý, những viên đá lớn, đa dạng về sắc màu, những viên đá nhỏ được tận thu để làm nguyên liệu. Hàng ngàn, hàng vạn người dân lúc nông nhàn ra bãi, ra suối nhặt đá bán cho các cơ sở đảm bảo thu nhập vài chục đến vai trăm nghìn đồng/ngày, góp phần tận thu nguồn tài nguyên quý giá; các họa sỹ được tuyển dụng về để làm tranh.
Từ những viên đá còn thô ráp, qua công nghệ chế biến, dưới bàn tay người thợ những bức họa nổi tiếng được ra đời với giá trị lớn và tính nghệ thuật cao. Hàng chục cửa hàng tranh đá quý ở Yên Thế (Lục Yên) hay thành phố Yên Bái đã khiến phố núi thêm độc đáo và khác biệt. Đứng giữa cửa hàng tranh đá quý, người xem sẽ đắm mình trước sắc màu lung linh của ngàn vạn viên đá tạo nên vẻ đẹp của hàng trăm bức tranh sơn thủy hữu tình, tứ linh, tứ quý, những phong cảnh đẹp và nhất là chép lại của các bức họa nổi tiếng của Van - gốc, Lê ô na đờ Vanh xi, hay Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... bức nào người xem cũng muốn mang về bày ở phòng khách nhà mình.
Thăm xưởng chế tác và cửa hàng bán tranh đá ở 491, đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, chúng tôi thực sự khâm phục bàn tay khéo léo và sự tinh tế của những người thợ làm tranh. Có những người thợ còn rất trẻ nhưng tay nghề đã đạt đến trình độ nghệ nhân. Dưới bàn tay họ, những động tác rắc, gắn, đổ... từng viên đá đủ các kích cỡ từ li ti đến to bằng hạt đỗ, hạt ngô đã hiện lên nguyên mẫu những La Giô công; Cánh đồng vàng, Khu rừng lá đỏ hay chân dung những các bậc vĩ nhân ...
Ông Đoàn Tuấn - Chủ cơ sở chế tác tranh đá quý Tuấn Thuận, một người tâm huyết với nghề tranh đá tâm sự: "Làm tranh đá là một nghề khó, vì ngoài phải đầu tư vốn lớn là cái khó trong khâu tìm nguyên liệu. Để có sự đa dạng về màu sắc và chất liệu, đá phải thu mua không chỉ ở Lục Yên mà còn phải thu gom từ Đắk Nông, Cao Bằng, Phú Thọ...
Có nguyên liệu thô phải qua quá trình chế biến nguyên liệu như nghiền, xay, chắt lọc... để sạch tạp chất, có được sự đa dạng về kích cỡ và màu sắc. Có nguyên liệu đã khó, làm nên bức tranh còn khó hơn vì chế tác một bức tranh là quá trình ráp những viên đá trên một diện tích bằng phẳng. Không phải là vẽ nên khó có khả năng sửa chữa, khắc phục. Bên cạnh đó là chép lại các bức họa, sáng tác các bức tranh nên phải tuân thủ bố cục, sắc màu hay quy luật sáng tối, xa gần...
Chính những điều này khiến cho không phải người thợ nào cũng làm ra các sản phẩm giống nhau và giá trị của bức tranh không chỉ phụ thuộc vào chất liệu mà còn phụ thuộc vào bàn tay của người thợ làm ra nó". Làm tranh đá không dễ nên số người làm nghề này không nhiều và số những người thành đạt cũng rất ít.
Để có hai xưởng chế tác tranh và các cửa hàng ở thành phố Yên Bái, thị xã Tuyên Quang hay thủ đô Hà Nội, ngoài sự đầu tư hàng tỷ đồng, Tuấn Thuận phải phấn đấu hết mình để có được nguồn nguyên liệu lớn, có đội ngũ thợ giỏi để sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao.
Sự phong phú về kích cỡ và giá trị (có bức chỉ bằng quyển sách, có bức vài ba mét vuông, giá bán từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng) sản phẩm tranh đá quý với sắc màu lung linh đã làm nên một sản phẩm độc đáo của Yên Bái để thu hút du khách, để họ được thỏa sức ngắm nhìn và lựa cho mình một sản phẩm nghệ thuật quý giá .
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT- Có tên cổ là đền Ta Cại - đền Đại Cại ngày nay nằm trên địa phận thôn Sâng, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Sau nhiều lần chuyển đổi vị trí, xây dựng lại, đền Đại Cại nay định vị gần cửa ngòi Tân Lĩnh, bên tả ngạn sông Chảy. Theo sách sử xưa, qua ý kiến của giới khảo cổ học và qua hoạt động lễ hội của cư dân bản địa, khẳng định: Đền Đại Cại là một trong chuỗi hạt di sản văn hoá Hắc Y - Đại Cại quý giá.
Cứ nhìn mặt bánh đúc trắng mịn như thạch, loáng thoáng lạc và dừa đã thấy thèm. Bánh đúc ăn giòn, mát, mịn là thứ quà ai cũng thích
Cách thủ đô Hà Nội 130 km theo tuyến Quốc lộ 6 Hà Nội - Tây Bắc, với độ cao từ 200 đến 1500m so với mực nước biển, khí hậu Mai Châu mát mẻ, trong lành quanh năm.
Lễ hội đả ngư (đánh cá), lễ hội truyền thống của vùng non Tản, được tổ chức vào ngày 15/9 hàng năm, bắt nguồn từ một truyền thuyết về lần Đức Thánh Tản kéo vó trên sông Tích.