Bánh đúc

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/8/2007 | 12:00:00 AM

Cứ nhìn mặt bánh đúc trắng mịn như thạch, loáng thoáng lạc và dừa đã thấy thèm. Bánh đúc ăn giòn, mát, mịn là thứ quà ai cũng thích

Ăn bánh đúc rẻ mà no, lành lại dễ tiêu. Vì thế bánh đúc các loại có mặt khắp kẻ chợ, thôn quê. Bánh đúc được nấu từ gạo tẻ. Người xưa có câu: “Lòng như tấm bánh bóc trần” là thành thực, bởi bánh đúc không dùng lá bọc, người mua vừa mắt ưng ý thì chọn ăn, người bán chẳng quảng cáo phô trương. Tự mẹt bánh đúc đã mời mọc ân cần rồi: Bánh đúc mà đổ ra sàng/ Thuận anh anh bán, thuận nàng nàng mua.

Bánh đúc còn được xem là quà đặc sản của một số làng quê: “Bánh đúc làng Điền góp tiền mà mua” (làng này ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Tây); hay “Rau cần kẻ trúc, bánh đúc chợ Chay (ở Hà Tây); “Nâu kẻ Sặt, vải kẻ Núc, bánh đúc lại Đổng” (thuộc huyện Thạch Thất). Dân đồng bằng Bắc Bộ ai chẳng biết ăn bánh đúc kiểu sai năm quân “bánh đúc bẻ ba, mắm tôm quệt ngược”. Lại còn bánh đúc thái con chỉ hoặc để thành sợi dài cỡ ngón tay, ăn với canh riêu cua, rau sống, thêm dấm ớt, có thể ăn trừ bữa được. Và làm sao quên được bánh đúc chấm tương, tương Bần càng ngon hơn. Đi xa vẫn nhớ canh rau muống, cà dầm tương và cả bánh đúc tương Bần.

Đặc biệt làng Đồng Quan (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) có nghề làm bánh đúc rất tinh tế: Người ta chọn gạo tẻ loại ngon, đem ngâm 3 ngày đêm, mỗi ngày thay một lượt nước đến khi bóp gạo tan thành bột thì đem hoà với nước vôi trong. Chuẩn bị một cái nồi được tráng mỡ, đoạn đổ bột vào, bắc lên bếp, lấy đũa cả quấy liên tục sao cho bột không vón, không khê, không sát nồi. Tới khi bột quánh, đậy vung lại, đốt lửa xung quanh cho chín đều, cho thêm lạc rang (bỏ vỏ áo), dừa xát mỏng, thái bé. Lại đánh tiếp tới lúc bột quánh dẻo, cầm đũa cả nhắc lên thấy bánh chảy xuống dóc đũa là được. Đổ ra mẹt lót lá chuối tươi sẽ được tấm bánh tròn to, đổ vào bát sẽ được bánh nhỏ, xâu lạt được. Ăn kèm đậu phụ rán, ăn nguội, giòn như bì lợn luộc, xát dao hay bẻ ăn không dính tay, không nồng vôi. Đã ăn một lần dưới dàn hoa thiên lý, trên chõng tre, nghe thổi sáo thì thật thú vị lưu luyến dễ ai quên!

Ngoài bánh đúc chế biến theo cách truyền thống còn có bánh đúc ngô...

Những năm 40 nhiều người còn nhớ ở phố Sinh Từ - Hà Nội (giờ là Nguyễn Khuyến) có một nhà hàng bán bánh đúc nóng. Bánh được múc ra bát thêm hành mỡ, nước mắm, chỉ bán buổi sáng, khách tấp nập.

Miền Nam có món bánh đúc Cẩm Thạch ăn với mật. Cũng nấu như bánh đúc Bắc, nhưng nấu riêng hai nồi, một nồi pha với nước lá dứa, lúc chín đổ chung ra một đĩa. Cái khéo là đổ hai loại cùng một lúc tạo thành nền hai màu trắng - xanh xen kẽ đẹp mắt, no lòng. Có nơi lại ăn bánh đúc với cá trích hoặc trái nho (om như om trái trám) đã đi vào tục ngữ “Bánh đúc cá kho, bán bò trả nợ”.

Giờ đây, ở các thành phố đã vắng bóng bánh đúc riêu cua nhưng vẫn có cô nàng bán bánh đúc từng tấm nhỏ bằng miếng đậu tròn, ăn mát. Vẫn có bánh đúc ăn kèm đậu phụ rán vàng như một nỗi nhớ quà quê một thời vang bóng.

(Theo VOV)
 

Các tin khác
Người dân bản Văn (Mai Châu) làm những sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách.

Cách thủ đô Hà Nội 130 km theo tuyến Quốc lộ 6 Hà Nội - Tây Bắc, với độ cao từ 200 đến 1500m so với mực nước biển, khí hậu Mai Châu mát mẻ, trong lành quanh năm.

Lễ hội đả ngư (đánh cá), lễ hội truyền thống của vùng non Tản, được tổ chức vào ngày 15/9 hàng năm, bắt nguồn từ một truyền thuyết về lần Đức Thánh Tản kéo vó trên sông Tích.

Hàng nghìn binh mã dũng được khai quật dưới lòng đất.

Tây An (Trung Quốc) đang dịp tiết trời mát mẻ, nhiệt độ ban ngày trung bình là 18 độ C. Trên những con đường từ ngoại ô vào thành phố, những vườn đào nở rực, thanh bình ẩn hiện bên cạnh những công trình thành cổ, lăng tẩm... từ nghìn năm trước.

Cô Tô không phải là địa danh nổi tiếng về thương mại và du lịch. Nơi đây, điện lưới quốc gia chưa phủ tới. Và biển vẫn vẹn nguyên những con sóng xô bờ từ ngàn đời

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục