Sò nướng
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2007 | 12:00:00 AM
Sò - một loài động vật nhuyễn thể, vỏ cứng có khía dọc nổi rõ, họ sò hến, ở biển. Người tiêu dùng phân biệt, có sò huyết, sò gạo và sò lông; sò huyết to bằng ngón chân cái người lớn, vỏ thẫm, không có lông, thịt đỏ, dịch (máu) màu đỏ; sò gạo nhỏ hơn, thịt màu ngà, vỏ ở gần miệng có lông; sò lông to hơn ngón chân cái người lớn, vỏ bao phủ một lớp lông, thịt trắng ngà.
|
Trong ba thứ sò ấy, sò huyết đắt hơn cả, ngon nhất; tiếp đến là sò gạo; sò lông rẻ nhất. Phổ biến, cả ba thứ người ta ăn luộc, song cũng thấy lấy thịt sò lông dùng để xào với măng chua hay rau cải.
Luộc sò, tất nhiên không được sống quá, nhưng cũng không được chín quá. Sống quá khó cạy miệng, ăn tanh; chín quá, sò há miệng, nước luộc tràn vào, ăn nhạt, mất vị.
Sò rửa sạch, để sẵn trong nồi, đun một nồi nước khác thật sôi rồi đổ nhiều vào nồi sò để sẵn ấy, dùng đũa đảo đều sò vài lượt, để chừng dăm bảy phút rồi đổ ra rổ, thế là đã có món sò luộc vừa ăn. Cách luộc ấy gọi là "làm lông sò". "Chuẩn" của một con sò luộc là sò còn nguyên con, không há miệng; khi ăn dùng móng tay tách vỏ phải hơi khó một chút, nước trong mình sò không lẫn nước luộc, thịt sò còn đầy đặn.
Để con sò nằm ngang mà tách, khi tách hé, thấy thịt sò dính vào vỏ phía bên nào thì vỏ ấy phải để dưới, sao cho nước và thịt sò nằm gọn ghẽ trong nửa vỏ dưới ấy (nếu tách hé, thấy thịt sò dính mảnh vỏ phía trên thì lật nhanh cho nó chuyển xuống dưới).
Ăn sò ngon nhất là lấy cái thìa nhỏ hay cái dĩa nhỏ thường dùng để cắm miếng trái cây, hớt lấy chút tương ớt đã pha chế sẵn với chút bột canh và hạt tiêu, hoặc chỉ nguyên là tương ớt, loại chua ngọt của miền Nam, ở đĩa, quết vào thịt sò ở cái nửa vỏ mình vẫn cầm trên tay rồi đưa lên, dùng răng cửa trên lựa, "cạp" lấy thịt sò lẫn nước vào miệng; nhai từ tốn, đến khi thấy dậy sự bùi, ngậy, ngọt mát, ấy là lúc đã đạt được sự khoái cảm của chuyện ăn sò. Ăn sò, người ta còn ăn kèm với lá dấp cá chấm dấm ớt hoặc rau húng. Ăn sò phải khi còn nóng, ăn nguội khó bóc, kém vị...
Song có một cách ăn sò, so với ăn luộc còn tìm thêm được các cung bậc hương vị mới, đó là sò luộc chỉ có thể ăn sò ở bậc chín đến, trong khi cách này ngoài ăn chín đến còn được thưởng thức sò chín hẳn, sò chín quắt. Đấy là sò nướng. Dùng cái vỉ sắt hai mảnh, mở ra, xếp sò vào giữa rồi gấp lại, đặt lên bếp than hồng. Thường thì nướng sò chín hẳn, thậm chí nướng cháy vỏ, thịt sò quắt lại.
Ăn sò nướng không thể vội, ở chỗ mình phải tự nướng lấy mới thú; song cũng tại bởi sò cần phải luôn đạt được độ nóng, do vậy không thể nướng một loạt gắp ra, chúng sẽ bị nguội; chỉ ba bốn con, dùng hết lại nướng tiếp. Vả lại, là thứ ăn chơi, không thể không lai rai, chuyện trò, nhất là khi có bạn ở phương xa đến...
(Theo Báo Quảng Ninh)
Các tin khác
Từ trung tâm xã Yên Hân (Chợ Mới), men theo con đường nhỏ chừng 2km, du khách sẽ tới thôn Nà Làng. Đứng từ xa, ai cũng nhìn thấy phía chân núi là một cây Chò nước đường kính khoảng 3 mét. Ngay gần gốc cây là cửa hang Thắm Làng- một hang động tự nhiên có vẻ đẹp cuốn hút.
Rời Phú Thọ, xe đưa chúng tôi ngược quốc lộ 32 khoảng 80km đến địa chỉ du lịch văn hoá thứ hai trong hành trình - Yên Bái. Trong suy nghĩ của tôi, và có lẽ với tất cả mọi người đi trong đoàn lần ấy, ấn tượng sâu sắc nhất về Yên Bái chính là sự nhiệt tình, nồng hậu của người dân nơi đây.
Không chỉ nổi tiếng với những bài ca quan họ mượt mà, đầm ấp, Bắc Ninh còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, đặc biệt là các công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử - văn hóa tiêu biểu như đền Đô.
Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Một vùng đất gồm những cư dân nhiều nơi về đây khẩn hoang, sinh cơ lập nghiệp. Lễ hội diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm.