Miền tây hoa Ban trắng

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - Rời Phú Thọ, xe đưa chúng tôi ngược quốc lộ 32 khoảng 80km đến địa chỉ du lịch văn hoá thứ hai trong hành trình - Yên Bái. Trong suy nghĩ của tôi, và có lẽ với tất cả mọi người đi trong đoàn lần ấy, ấn tượng sâu sắc nhất về Yên Bái chính là sự nhiệt tình, nồng hậu của người dân nơi đây.

Khi đoàn chúng tôi vừa đến Ba Khe (huyện Văn Chấn), trước khi đi tiếp để đến với thị xã Nghĩa Lộ, đã có hai cô gái trẻ của Công ty Cổ phần Du lịch Yên Bái ôm hoa ra đón. Mấy anh con trai trên xe cứ suýt xoa, ai cũng muốn là người xuống nhận những bông hoa rừng xinh đẹp từ tay thiếu nữ miền sơn cước. Cuối cùng, họ đành phải tiến hành biểu quyết chọn người “hiền lành” nhất xuống đón hoa và đón luôn người đi chung xe. Cuộc hành trình của chúng tôi từ đây đã có thêm bạn - những người bạn thú vị, kể chuyện rất duyên.

Yên Bái là tỉnh nằm sâu trong nội địa nhưng lại là cửa ngõ của miền tây bắc, là đầu mối giao thông giữa đông bắc và tây bắc, giữa cửa khẩu Lào Cai và Hà Nội. Tại đây có hơn 30 dân tộc anh em sinh sống.                    
Định hướng phát triển của tỉnh là đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
                                       

 

Vượt đèo Ách, lòng chảo Mường Lò màu mỡ dần hiện trước mắt chúng tôi. Hương nếp, hương rừng len lỏi qua cửa xe cuống quít mừng khách quý. Hai bên đường, những cây hoa ban cũng như nhận ra sự hiện diện của khách đường xa, đu đưa cành lá vẫy chào. Nghe nói xuân về, cả vùng lòng chảo Mường Lò ngập trong màu trắng hoa ban, rạng rỡ như nụ cười người con gái Thái. Một tâm trạng phấn chấn lan toả trong chúng tôi, và càng được thể vỡ oà sau câu nói của cô bạn mới: “Mọi người chuẩn bị tinh thần đi. Đêm nay Mường Lò sẽ có nhiều cái hay lắm đấy!”.


Chưa đợi đến đêm, chỉ trong buổi chiều khám phá, Mường Lò đã thật hấp dẫn đối với chúng tôi. Với diện tích hàng ngàn ha, bốn mùa bát ngát tươi xanh, Mường Lò được mệnh danh là “vựa lúa” lớn thứ hai ở miền Tây Bắc. Người Yên Bái vẫn truyền miệng nhau câu hát:


“Muốn ăn gạo trắng nước trong 

Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”.


Câu hát đó bản thân đã nói lên sự phồn thịnh mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Ngoài gạo Mường Lò ngon nhất, nhì Tây Bắc, nơi đây còn nổi tiếng với những đặc sản như: nếp Tú Lệ, mật ong Mù Cang Chải, nhãn Văn Chấn, chè Suối Giàng… Và sẽ thật uổng phí nếu không đến chợ Mường Lò, cũng đồng thời là ngôi chợ lớn nhất miền Tây, để mua những thứ này.

 

         Chợ Mường Lò

Ngoài những ưu đãi về sản vật thiên nhiên, đến Mường Lò, chúng tôi còn được các anh chị ở Sở Thương mại - Du lịch Yên Bái đưa đi thăm khu di tích lịch sử Căng Đồn - nơi có ngôi mộ tập thể hình 9 cánh hoa của 9 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm xưa, trong đó có danh hoạ Tô Ngọc Vân; được thăm cao xanh Suối Giàng với những cây chè đại thụ cao 3-4m, cô gái người Mông mỗi lần muốn hái chè phải trèo lên tít ngọn cây; đắm mình trong dòng suối nóng bản Bon, bản Hốc…

 

Đêm đi dạo ở thị xã Nghĩa Lộ, thưởng thức những món ăn dân dã của người dân bản địa cũng là cái thú mà bất kỳ du khách nào khi đến Mường Lò đều muốn trải qua. Nhưng đêm Mường Lò tôi đang muốn nói đến là đêm thưởng thức món ngon của đồng bào Thái ở xã Nghĩa An, sau đó là cuộc đại xoè trên sân nhà sàn.



Du khách say trong tiếng hát mời rượu của cô gái Thái

Tối ấy với tôi là một kỷ niệm thật khó quên. Lần đầu tiên tôi được tham dự một bữa tiệc người Thái. Mâm cỗ có xôi ngũ sắc, châu chấu rang, cá suối nướng, thịt lợn băm, thịt trâu khô, rau dớn mọc bên bờ suối... - là những món ăn tiêu biểu trong các ngày lễ, các bữa tiệc mời khách của đồng bào Thái. Món ăn ngon nhưng ấn tượng tốt đẹp hơn cả là cái cách người Thái đãi khách mới nồng nàn, mới thắm thiết làm sao. Trong tiếng nhạc dập dìu, cô gái Thái đôi mắt lúng liếng, môi đỏ cánh đào cất tiếng hát mời rượu: “Đừng sợ say, đôi tay ngà, chén em dâng đầy. Dập dìu chân chàng, í… ơi…nọ… dập dìu chân em, í…a…ơi”. Rồi lại như lời thủ thỉ, tâm tình: “Rượu đây em mời, uống từ đầu làng cuối bản vẫn còn thơm. Rượu ngon một chén như là ngàn chén, uống đã 3 năm rượu vẫn còn thơm, thơm tình em…”.


Mấy anh bạn cùng đoàn, tôi chắc chắn là say ngất ngây. Không phải say rượu mà là say người, say giọng hát, say cánh tay ngà, đôi mắt ướt. Một không khí chan hoà, ấm áp, và chúng tôi không còn cảm thấy bạn là chủ, tôi là khách, bạn là người Thái, tôi là người Kinh, mà chúng ta cùng là người Việt, cùng chung ngôn ngữ, đồng điệu về tâm hồn. Mấy anh, mấy chú trong đoàn hào hứng đứng lên hát đáp lại với “Việt Nam quê hương tôi” (của Đỗ Nhuận), “Tình ca Tây Bắc” (Bùi Đức Hạnh)…. Không khí bữa tiệc càng về sau càng thêm phần sôi nổi.


Múa xoè là một hoạt động không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, Tết của đồng bào Thái. Người Thái coi múa xoè như một phần cuộc sống. Đồng bào Thái vẫn truyền miệng nhau câu hát: “không xoè, lúa không trổ bông, không xoè, trai gái không thành đôi”.                                      

Cơm no, rượu say, chúng tôi cùng kéo nhau xuống sân nhà sàn múa xoè. Mấy anh phụ trách âm thanh cố bê cái loa ra sát tận sân để tiếng nhạc cho thật to, thật rõ. Khi ánh lửa bùng lên cũng là lúc tất cả chúng tôi cùng nắm tay nhau xoay tròn theo điệu nhạc: “Đêm Mường Lò, trăng đang lên dần. Vào đây anh múa xoè cùng em. Đêm Mường Lò, chiêng trống rộn rang, rừng núi âm vang, vào đây anh múa xoè cùng em, xoè cùng em…”.

Ban đầu là một vòng xoè to với tất cả mọi người cùng tham gia. Rồi sau đó, hình như có ai đó ở góc bên này, bên kia thích nhau. Họ bắt đầu tách ra, tạo thành những vòng xoè nhỏ để được mắt gần hơn với mắt, tay nắm chặt bàn tay. Sau một hồi, vòng tròn to lại được nối lại. Và cứ thế, chúng tôi xoè, chúng tôi hát, chúng tôi nói cười trong điệu nhạc cho đến khi mệt lả, khản tiếng, cho đến khi lửa tàn mới thôi.

 

Đêm múa xoè ở Nghĩa Lộ đã thực sự gắn kết chúng tôi trong chuyến đi lần ấy


Sau này, trong cái đêm cuối cùng trước khi trở về Hà Nội, đoàn chúng tôi cũng có một kỷ niệm đẹp khác ở Yên Bái. Đó là đêm nghỉ tại nhà đồng bào Tày ở bình nguyên xanh Khai Trung (xã Khai Trung, huyện Lục Yên). Tại đây, chúng tôi được cùng ăn, cùng ở với gia đình đồng bào Tày, được sống trong vẻ đẹp nguyên sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ của vùng đất mà “gió trời không thể thông thốc thổi”. Nhưng như tôi vẫn nói, ấn tượng lớn nhất của tôi trong những ngày ở Yên Bái vẫn là sự chân tình, chất phác, tấm lòng nồng hậu, hiếu khách của người dân Yên Bái, dù họ là bất cứ ai, ở vùng đất nào, thuộc dân tộc nào.


Thiếu nữ người Mông ở Yên Bái
Trở lại với cuộc hành trình, sáng sớm hôm sau, từ thị xã Nghĩa Lộ chúng tôi lên Mù Cang Chải. Trên cuộc hành trình dài khoảng 100km ấy, chúng tôi phải qua đèo Khau Phạ - một trong những con đèo lớn nhất ở Tây Bắc.


Đường lên đèo Khau Phạ sáng hôm ấy sương mù dày đặc, tầm nhìn chỉ có thể khoảng 10m. Xe đi như bò trên mặt đường, dò dẫm từng vòng quay bánh. Ngồi ở ghế phía trên gần chỗ bác tài xế, nhìn một bên là sườn núi, một bên là vực trắng sương mù, tôi có cảm giác đây như thể con đường đi lên trời. Thỉnh thoảng lắm mới thấy bóng dáng một cô gái Mông gùi củi đi ngang qua, một vài con dê núi, con lợn đen trùi trũi chạy qua. Không gian im vắng và hoang sơ đến rùng mình. Chỉ có tiếng máy xe là vẫn độc tấu thứ nhạc ình ình đơn điệu.


Tuy nhiên, có vẻ như chính sự khó khăn, mạo hiểm trên đường đi như thế mới làm nên nét duyên riêng, sự quyến rũ bí ẩn của vùng đất miền tây Tổ quốc, đòi hỏi người ta phải khám phá. Và lần đầu tiên tôi cảm nhận được vẻ đẹp của mảnh đất vùng cao từ khi còn ngủ đến khi thức giấc.

Xe đi xuống chân đèo cũng là lúc trời bắt đầu hửng nắng. Con đường phía trước mặt lại hiện ra với đường cong quen thuộc, tựa như nét cong trên cơ thể người phụ nữ. Rồi nắng bắt đầu rực rỡ như rót mật ong xuống những ruộng lúa bậc thang đang vào độ chín. Sắc vàng như được nhân lên trên nền xanh của núi rừng tạo nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng mà kỳ vĩ. Quê hương thật đẹp!


Khoảng giữa trưa thì chúng tôi đến Mù Cang Chải. Trước đây, khi nói đến Mù Cang Chải tôi hay liên tưởng đến một vùng đất xa xôi, hẻo lánh không có bóng người. Nhưng khi lên đến Mù Cang Chải mới thấy khác xa so với những gì tôi tưởng tượng. Mù Cang Chải hôm nay đã trở thành phố huyện, cư dân đông đúc. Đây đó, một vài ngôi nhà cao tầng mới mọc lên. Và trên đường phố đã xuất hiện nhiều xe đạp, xe máy. Ngay trung tâm thị trấn Mù Cang Chải người ta treo một tấm pano to với dòng chữ: “Quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện phát triển toàn diện”. Chúng tôi không có nhiều thời gian tìm hiểu, song qua những gì mắt thấy có vẻ như lãnh đạo và nhân dân nơi đây đang thực hiện đúng như những gì họ phát động.

Một góc thị trấn Mù Cang Chải

Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá vẫn chưa làm Mù Cang Chải mất đi nét tự nhiên vốn có. Hình ảnh của ngựa và xe kéo vẫn là những gì đặc trưng khi nói đến thị trấn vùng cao này. Ở Mù Cang Chải, tại bất kỳ đâu bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh những cô gái Mông chăm chỉ thêu khăn, thêu áo. Hay đi trên đường cũng đừng quá ngạc nhiên khi thấy rất nhiều vạt ngô được phơi khô, bởi mèn mén luôn là món ăn được người dân nơi đây ưa thích.

(Theo VOV)

Các tin khác

Không chỉ nổi tiếng với những bài ca quan họ mượt mà, đầm ấp, Bắc Ninh còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, đặc biệt là các công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử - văn hóa tiêu biểu như đền Đô.

Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Một vùng đất gồm những cư dân nhiều nơi về đây khẩn hoang, sinh cơ lập nghiệp. Lễ hội diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm.

Làng bánh phồng Phú Mỹ chỉ ra đời cách đây hơn 40 năm, tuy nhiên truyền thống của nó vốn có từ lâu đời. Xuất phát từ việc một số hộ gia đình "góp nếp quết bánh chung" trong những ngày tết, dần dần cho ra đời cả một làng nghề độc đáo ở An Giang.

Tết Trung Thu nguyên là lễ hội mùa thu, sau đó trở thành tết trông trăng của trẻ em. Ngày này trăng tròn và sáng nhất trong năm, thời tiết mát mẻ. Tết Trung Thu có tục trông trăng, rước đèn, múa sư tử và phá cỗ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục